Những câu hỏi vô duyên khiến nhiều người khó chịu dịp tết

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
20/01/2020 07:21 GMT+7

Chừng nào lấy chồng, thu nhập tháng bao nhiêu, sao nhà đẻ toàn con gái thế… là những câu hỏi khiến không ít người khó chịu.

Chừng nào lấy chồng, lấy vợ?

Câu hỏi tưởng chừng như đang quan tâm đến người khác và là câu cửa miệng của rất nhiều người dành cho các cô gái, chàng trai chưa lập gia đình nhưng lại khiến người được hỏi dễ khó chịu.
Làm việc ở TP.HCM nên lâu lâu chị Minh Thư mới về thăm nhà ở Kiên Giang, đặc biệt tết nào chị cũng có mặt ở nhà để đón giao thừa cùng gia đình. Đã 37 tuổi nhưng chị Thư vẫn chọn cách sống độc thân nên hơn chục năm nay, chị cảm thấy “mắc mệt” với câu hỏi này, đặc biệt là vào dịp tết.
Chị Thư kể: “Hồi đầu, khi nghe câu này tôi ráng cười và trả lời rằng mình chưa tìm được người phù hợp. Nhưng khi đã bước qua tuổi 30, câu trả lời này của tôi không còn hiệu nghiệm. Nhiều người vô duyên đến mức còn hiến kế cho tôi là ‘lấy đại đi, già rồi còn kén chọn làm gì’. Nên bây giờ mỗi lần nghe câu 'chừng nào có chồng' tôi thật sự khó chịu”.
Không chỉ hỏi thôi, chị Thư còn bị nhiều người dị nghị, đồn đoán vì thế này, thế kia nên mới không ai chịu lấy. Cảm thấy quá phiền phức, nhiều lần chị Minh Thư còn phải công khai đăng đàn “dằn mặt” những người hỏi câu này.
“Tôi đã ngoài 30 tuổi, chưa lập gia đình nhưng tôi cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa theo cách riêng. Không phải ai lớn lên cũng cứ phải 'dựng vợ, gả chồng'. Tôi thấy mình hạnh phúc khi độc thân, như vậy là đủ”, chị Thư tâm sự.
Không chỉ riêng chị Thư, câu hỏi này được nhiều người dành cho những chàng trai, cô gái đã qua tuổi đôi mươi mà vẫn chưa lấy chồng, nhất là những người đi làm ăn xa thỉnh thoảng mới về quê.
Còn đau đầu hơn, nhiều thanh niên, đã qua tuổi 30 mà vẫn chưa lấy vợ thì không chỉ bị hỏi “khi nào lập gia đình” mà còn bị đồn đoán là “pê đê” hay “có vấn đề”.

Anh Phan Dũng lên Facebook "đăng đàn" những câu hỏi không muốn nghe vào dịp tết

Sao đẻ toàn con gái thế?

Ở Việt Nam dù tư tưởng của nhiều người đã tiến bộ hơn so với ngày xưa, nhưng việc gia đình phải có một thằng con trai để “nối dõi tông đường” vẫn ăn sâu vào tâm thức không ít người, nhất là ở các vùng quê.
Do vậy, những gia đình đã có con trai hoặc “đủ nếp, đủ tẻ” thì yên tâm về quê ăn tết. Còn “xui” cho nhà nào đẻ toàn con gái thì mỗi lần về quê sẽ nhận được hàng loạt câu nói rất tế nhị đại loại như “có kiếm thằng cu nữa không đấy”, “phải kiếm tí con trai cho ông bà nội chứ”, “toàn vịt trời thế kia, kiếm thêm tí con trai đi”…
Không chỉ dừng lại ở việc hỏi han, những người đã có con trai còn tỏ ra có kinh nghiệm, ra sức chỉ cách “kiếm con trai” cho những cặp vợ chồng chỉ sinh được con gái.
“Nhà mình rất hay về quê nội ăn tết, nhưng phải thú thực, từ lúc sinh được hai cô con gái mình ngại về hẳn. Quê chồng mình ở miền Bắc, ông bà, anh em họ hàng còn đặt nặng chuyện con trai, nên mỗi lần về quê bị hỏi mình cảm thấy ngột ngạt lắm”, chị Tô Hồng Vân (ngụ 359 Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ.
Còn chồng chị Vân mỗi lần nghe câu hỏi này chỉ biết chép miệng đùa “đẻ hai đứa con gái nghe bảo nhanh giàu”.
Tương tự, anh Trần Văn Đức, Công ty TNHH Navy (Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng chia sẻ gặp nhiều câu hỏi tương tự khi nhà chỉ có mỗi một cô con gái. “Mình người lớn rồi không sao, chỉ sợ con nghe được con buồn. Nên cứ mỗi lần nghe ai hỏi những câu tế nhị về chuyện con trai con gái mình phải nói thẳng rằng: con gì chẳng là con, chỉ cần con hạnh phúc là được rồi”.

Làm lương tháng bao nhiêu, thưởng nhiều không?

Chuyện lương thưởng ở nhiều nơi là thông tin cá nhân, đời tư của người khác thì ở Việt Nam, nhiều người cho rằng việc hỏi lương bổng cũng là một cách quan tâm nhưng cũng có người hỏi vì tò mò.
“Câu này thường là bố mẹ mình hỏi đầu tiên, sau đó đến anh chị em trong nhà, rồi hàng xóm láng giềng, mỗi lần về gặp ai cũng hỏi. Nếu mình nói nhiều thì được trầm trồ rồi bị đồn khắp nơi, còn nếu nói ít lại bị chép miệng: sao làm bao nhiêu năm rồi mà có thế?”, anh Trần Văn Đức nói.
Trong khi đó, để tránh nghe những câu hỏi tương tự, trước khi về tết anh Phan Dũng đã lên Facebook “đăng đàn”: Tết là ngày gia đình, bạn bè sum họp, ăn uống thân mật, nhận lì xì… chứ không phải để hỏi những câu như có người yêu chưa, bao giờ lấy vợ, lương tháng bao nhiêu?
Anh Dũng cho biết từ nhiều năm nay, từ khi bước qua tuổi 25 anh đã được nghe những câu này, và đến giờ vẫn vậy.

Sao dạo này mập thế?

Nhận xét về ngoại hình người khác cũng là vấn đề khá nhạy cảm. Dù vậy, vẫn có người “hồn nhiên” hỏi những câu rất khó trả lời như: sao dạo này mập thế, chị nặng bao nhiêu hay là “làm lắm hay sao mà gầy thế con?”… Nhiều người khi nhận được câu này chỉ biết cười cho qua.
Chị Nguyễn Minh Phương (làm công việc tự do, sống tại Gò Vấp, TP.HCM) tâm sự: “Từ hồi sinh hai đứa con xong, mình mập lên không cách nào giảm cân được. Thế nên, mỗi lần về quê cứ nghe ai hỏi ‘sao mập thế’ mình rất chạnh lòng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.