Những câu hỏi pháp lý nhìn từ các vụ án Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn

25/05/2023 10:29 GMT+7

Từ 2 vụ án Nguyễn Phương Hằng và Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nhiều người đặt câu hỏi khi nào luật sư được quyền kháng cáo thay thân chủ; bị can, bị cáo được quyền từ chối luật sư bào chữa.

Trong vụ án liên quan bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, bị can này vừa có đơn từ chối 8 luật sư bào chữa, sau khi bị truy tố tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Còn trong vụ án vi phạm đấu thầu và đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Đồng Nai, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 7 bị cáo đang bị truy nã được luật sư nộp đơn kháng cáo thay. Tuy nhiên, tòa án không chấp nhận nên không xem xét kháng cáo đối với cả 8 người.

Vụ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn: Khi nào luật sư được kháng cáo thay thân chủ?

Trường hợp nào luật sư được kháng cáo thay thân chủ?

Tháng 1.2023, do chưa bắt được, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 7 bị cáo bị truy nã bị TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử vắng mặt. Sau phiên sơ thẩm, nhóm này được luật sư kháng cáo thay.

Những câu hỏi pháp lý nhìn từ vụ Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn

AIC

Hôm 22.5, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm. Ở phần thủ tục, hội đồng xét xử quyết định không chấp nhận việc kháng cáo thay nêu trên.

Từ vụ án này, nhiều ý kiến thắc mắc khi nào luật sư được kháng cáo thay cho thân chủ, vì sao trường hợp bà Nhàn và 7 bị cáo lại không được tòa án chấp nhận kháng cáo thay.

Luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết kháng cáo hình sự là quyền của bị hại, bị cáo, đương sự đề nghị tòa án cấp trên trực tiếp của tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án hoặc xét lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, khi họ cho rằng bản án, quyết định đó chưa đảm bảo đúng quyền lợi của mình.

Điều 331 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định 6 nhóm đối tượng có quyền kháng cáo. Trong số này có bị cáo, bị hại hoặc người đại diện có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm; người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

Luật đã quy định rất rõ, luật sư bào chữa có quyền kháng cáo thay cho thân chủ, nhưng chỉ khi thuộc một trong 2 trường hợp: thân chủ là người dưới 18 tuổi hoặc là người có nhược điểm về tâm thần, thể chất.

"2 trường hợp này thuộc nhóm đối tượng yếu thế, còn hạn chế về khả năng cũng như nhận thức, để đảm bảo quyền và lợi ích cho họ, pháp luật dành quyền kháng cáo thay cho luật sư bào chữa nếu thấy bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa hợp lý", luật sư Tâm phân tích.

Đối chiếu vụ án AIC, bà Nhàn cùng 7 bị cáo đều không thuộc một trong 2 trường hợp đã nêu, đồng nghĩa không phải đối tượng được luật sư kháng cáo thay. Nếu muốn kháng cáo, nhóm này phải trực tiếp thực hiện bằng việc ký đơn kháng cáo. Tuy nhiên, các bị cáo bỏ trốn, bị truy nã và đến nay chưa bắt được, nên đã tự từ bỏ quyền này.

Xem nhanh 20h ngày 25.5: Câu hỏi pháp lý vụ Nguyễn Phương Hằng, AIC | Bí ẩn ngôi làng trường thọ xứ Huế

Khi nào bị can, bị cáo được quyền từ chối luật sư?

Với việc bà Nguyễn Phương Hằng có đơn từ chối 8 luật sư bào chữa, TAND TP.HCM đã ra văn bản thông báo cho 8 luật sư liên quan. Hiện nay, bị can chỉ còn một luật sư tham gia bào chữa. Từ tình huống này, nhiều người cũng đặt câu hỏi khi nào bị can, bị cáo được quyền từ chối người bào chữa.

Những câu hỏi pháp lý nhìn từ vụ Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Ảnh 2.

Bị can Nguyễn Phương Hằng

CÔNG AN CUNG CẤP

Theo luật sư Hà Công Tâm, bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định người bị buộc tội (trong đó có bị can, bị cáo) hoặc người đại diện, người thân thích của họ có quyền nhờ người bào chữa (trong đó có luật sư).

Trường hợp bị can, bị cáo bị truy cứu về tội danh có khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ.

Quy định này cũng được áp dụng tương tự đối với trường hợp người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

Đối chiếu vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam bị truy tố theo quy định tại điều 331 bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù. Đồng nghĩa, bà Nguyễn Phương Hằng không thuộc trường hợp phải chỉ định người bào chữa.

Điều 77 bộ luật Tố tụng hình sự nêu rõ, người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa. Tuy nhiên, mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án.

Việc từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa còn có thể áp dụng kể cả với trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa cho họ.

Và theo điều 16 bộ luật Tố tụng hình sự, người bị buộc tội có quyền tự bào chữa ngay cả khi đã từ chối người bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện đầy đủ quyền bào chữa của họ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.