Những câu chuyện văn hóa Óc Eo mới phát hiện: Có bao nhiêu vàng trong di tích Óc Eo?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
30/05/2022 06:36 GMT+7

Vàng lá, nhẫn vàng, hạt chuỗi vàng… đều được tìm thấy trong cuộc khai quật Ba Thê - Óc Eo .

Chiếc nhẫn hình bò thiêng bằng vàng

Cuộc khai quật di tích Óc Eo - Ba Thê 2017 - 2020 đã phát hiện ra một bảo vật quốc gia: Đó là chiếc nhẫn vàng có hình bò thiêng Nandin. Theo hồ sơ, đây là chiếc nhẫn vàng hình tròn trơn. Mặt nhẫn là hình tượng bò đúc khối rất hiện thực, trong tư thế nằm xếp chân. Hình tượng bò được tạo hình nằm hơi nghiêng về bên phải, sống lưng hạ thấp, mông co lại, u vai nổi cao. Đầu bò ngẩng cao, nhìn thẳng khá thoải mái nhưng trang nghiêm. Cặp sừng cong nhọn hướng lên trên, đôi tai mở rộng, hai mắt to; lớp da phần gáy và cổ cũng tạo nhiều nếp tả thực. Đuôi xếp gọn một cách tự nhiên và thấy rõ chùm lông ở đuôi.

Bộ đồ vàng của Bảo tàng Long An

Bảo tàng Long An

Sách Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa 2017 - 2020 mô tả: “Nhẫn vàng hình bò Nandin hình tròn, có mặt đúc khối tượng bò Nandin trong tư thế nằm xếp chân, thân mình nghiêng về bên phải, đầu ngẩng cao nhìn thẳng, chân trái chống về phía trước, u lưng nổi cao, quanh cổ có đeo trang sức. Hai bên thành nhẫn được trang trí mô típ hoa sen. Kích thước nhẫn cao 2,6 cm, đường kính 1,8 cm. Hình bò Nandin trên mặt nhẫn tương tự nguyên mẫu trong các đền thờ ở Ấn Độ”.

PGS-TS Bùi Chí Hoàng, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia cho biết khi được phát hiện chiếc nhẫn nằm ở lớp văn hóa thuộc giai đoạn thế kỷ 3 - 5, sâu khoảng 1,5 m so với lớp đất mặt. “Trước đây, chúng ta từng phát hiện khoảng 8 chiếc nhẫn vàng trong dân. Trong khi đó, chiếc nhẫn này lại phát hiện trong địa tầng. Nó là nhẫn duy nhất được phát hiện trong địa tầng văn hóa - đấy là giá trị đặc biệt của nó”, PGS-TS Bùi Chí Hoàng nói.

PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, đánh giá đây là một phát hiện quan trọng khi khảo cổ ở Óc Eo - Ba Thê. “Phát hiện quan trọng về đồ trang sức tại Gò Giồng Cát, Khu B là chiếc nhẫn hình bò Nandin bằng vàng thuộc văn hóa Óc Eo và chiếc gương đồng Trung Quốc thời Hán. Đây là 2 di vật đặc sắc nhất được tìm thấy”, ông Trí nói.

Cuộc khai quật năm 2017 - 2020 tại Óc Eo - Ba Thê cũng phát hiện nhiều hạt chuỗi thủy tinh bằng vàng. Theo Viện Nghiên cứu kinh thành, đó là hạt chuỗi thủy tinh La Mã bọc vàng có 3 hạt, ít nhiều bị bong mất lớp áo bằng vàng mỏng, chỉ còn lớp thủy tinh màu ngà nhạt, hơi đục. “Đây là một loại hình hạt chuỗi cao cấp, phổ biến trong giai đoạn đế quốc La Mã cực thịnh, khoảng thế kỷ 2 - 3, khả năng đây là vật phẩm ngoại nhập hoặc do các thương nhân La Mã mang đến”, PGS-TS Trí cho biết. Bên cạnh đó, viện cũng phát hiện các hạt chuỗi thủy tinh hình cầu lõi vàng xếp tầng có niên đại từ thế kỷ 1 - 6. Cũng trong cuộc khai quật trên, Viện Nghiên cứu Đông Nam bộ đã tìm thấy vàng lá khắc hình người và hoa sen.

Lá vàng có hình người và hoa sen mới phát hiện ở Nền Chùa

Nguyễn Khánh Trung Kiên

Vàng trong văn hóa Óc Eo

Nhìn lại các cuộc khai quật và danh sách bảo vật quốc gia, có thể thấy dấu ấn của các hiện vật vàng trong văn hóa Óc Eo. Trong lần công nhận bảo vật quốc gia gần nhất năm 2021, có 2 hiện vật, nhóm hiện vật vàng của văn hóa này. Đó là nhẫn vàng có hình bò Nandin Giồng Cát và Sưu tập vàng lá chạm khắc hình voi Gò Thành (gồm 18 đơn vị hiện vật). Trước đó, ngay trong đợt xét bảo vật quốc gia đầu tiên năm 2011, một bộ đồ vàng của Bảo tàng Long An đã được trao danh hiệu này. Đó cũng là một sáng tạo của cư dân Óc Eo. Các nhà khoa học cho rằng điều này phù hợp với thư tịch cổ. Theo đó, nghệ thuật kim hoàn trong xã hội Óc Eo rất phát đạt. Người Phù Nam thích chạm trổ, đúc nhẫn, vòng vàng, chén đĩa bạc…

Ông Vương Thu Hồng, Phó giám đốc Bảo tàng Long An khi đó, cho biết bộ đồ vàng của Bảo tàng Long An không chỉ chứng tỏ tài năng sáng tạo của cư dân Óc Eo xưa mà còn là minh chứng của triết lý đạo Phật. Nó thể hiện yếu tố nội sinh trong kỹ thuật chế tác kim hoàn qua các đường nét trang trí nhuần nhuyễn và tinh xảo. Bên cạnh đó, nó cũng mang yếu tố ngoại sinh - là các yếu tố Ấn Độ, Trung Á... Chính vì thế, bộ sưu tập làm người ta không thể không nhớ đến thời đại của những hải trình buôn bán đã từng cập cảng ở Óc Eo, Phù Nam.

Trong các hiện vật tìm thấy khi khai quật văn hóa Óc Eo 2017 - 2020 lần này cũng có một lá vàng. Trên đó có hình người và hoa sen. Điều này có nét tương đồng với những lá vàng hoa sen năm nào của Bảo tàng Long An. Theo đó, những cánh sen thể hiện cho đạo Phật, cho bồ đề tâm. Nó cũng phù hợp với bức phù điêu tượng Phật được phát hiện gần đó. Thêm vào đó, việc tìm thấy các bông sen vàng và những cổ vật trong lòng di tích được học giả người Pháp G.Coedès nhận định: “Việc chôn báu vật dưới nền đền hay dưới bàn thờ là một tục cổ xưa của Ấn Độ, vẫn được áp dụng ở một số nước khi lập đền, chùa”.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.