Những câu chuyện đẹp ấm áp nghĩa tình

Thúy Hằng
Thúy Hằng
18/10/2021 07:06 GMT+7

5 khách mời với những cách làm sáng tạo trên mạng xã hội , xây dựng các fanpage, đăng các bài viết tích cực trên nền tảng số gồm những câu chuyện vững niềm tin với Đảng, Nhà nước, khát vọng cống hiến cho Tổ quốc.

Đó là số thứ 2 của chương trình giao lưu trực tuyến “Tuổi trẻ Việt Nam - Những câu chuyện đẹp” với chủ đề “Thanh niên vững niềm tin với Đảng” do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Thanh Niên tổ chức vào sáng qua 17.10.

Các khách mời tham gia chương trình giao lưu trực tuyến “Tuổi trẻ Việt Nam - Những câu chuyện đẹp”

chụp màn hình

Ấm lòng những câu chuyện đẹp

Giao lưu với khán giả, anh Lê Hoài Nam, Phó trưởng phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Cao Bằng, kể lại câu chuyện phía sau tấm ảnh “Ấm tình quân dân” mà anh nhớ mãi.

“Gần 30 đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Cao Bằng đã vượt 3 km đường trơn, mưa lạnh, trời lạnh khoảng 3 độ C để vận chuyển vật liệu xây dựng cho các hộ gia đình khó khăn tại xóm Lũng Nhùng, xã Quý Quân, H.Hà Quảng. Tới nơi, người dân đã nhóm lửa, nấu nước mời các đoàn viên. Tấm ảnh này sau đó đã được chia sẻ trên fanpage Đoàn Thanh niên Bộ Công an, thu hút 1.300 lượt chia sẻ, 838 lượt thích, 56 bình luận”, anh Nam kể.

Anh Nguyễn Thành Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông, cũng mang tới một câu chuyện đẹp khác trên mạng xã hội. Đó là đoàn viên, thanh niên công an đang trực chốt Covid-19 giúp đỡ 2 phụ nữ bên chiếc xe máy hỏng chất đầy hành lý, phải dắt bộ quãng dài. Các anh đã đưa xe máy lên xe thùng, chở về tận nơi. Hình ảnh được một người dân quay lại, đưa lên TikTok và nhận rất nhiều tương tác.

Anh Đỗ Xuân Điềm, trợ lý công tác quần chúng, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên, cho hay cách để anh có các bài tiếp cận được đông đảo thanh niên, đó là đăng tải những câu chuyện có thật, nhân văn, nội dung ngắn gọn, súc tích. Anh cũng sử dụng các phần mềm biên tập video, ảnh để các bài viết sinh động hơn. “Cũng là một người trẻ, tôi biết họ đang thích gì, từ đó tôi “bắt trend”, rồi lan tỏa những câu chuyện tích cực tới người trẻ dễ dàng hơn”, anh Điềm nói.

Đổi mới để tiếp cận đông đảo thanh niên

Anh Nguyễn Tiến Tân, Phó bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh, chia sẻ những đổi mới của địa phương trong tiếp cận thanh niên. Có thể kể tới ứng dụng “Tây Ninh Location” giúp chỉ đường cho bạn tới các địa chỉ đỏ. Hay các video ngắn “Sách cho bạn cho tôi” giới thiệu sách hay cho bạn trẻ. Bên cạnh đó, những tin tốt, câu chuyện đẹp được phát sóng trong giờ vàng thời sự của Đài PT-TH tỉnh Tây Ninh.

Theo anh Nguyễn Tiến Tân, các cơ sở Đoàn cần hòa mình với thanh niên, thấu hiểu thanh niên đang thích gì. Ví dụ, TikTok đang chiếm được ưu thế rất lớn khi đông đảo bạn trẻ quan tâm, chương trình của các cấp Đoàn có thể truyền thông trên TikTok, tiếp cận nhiều bạn hơn.

Chị Lâm Như Quỳnh, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, Giám đốc Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Bến Tre, cho biết việc giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, nhân lên những lẽ sống cao đẹp, vì cộng đồng là nhiệm vụ của các cấp Đoàn. Điều này góp phần quan trọng ổn định chính trị, xã hội, nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của tổ chức Đoàn và khẳng định niềm tin sắt son với Đảng của thanh, thiếu niên...

“Vắc xin” phòng tin xấu, độc

Những cán bộ Đoàn “bắt trend” trên mạng xã hội

Anh Đỗ Xuân Điềm là quản trị viên fanpage “Miền Hoa Ban”, “Tuổi trẻ Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên” và các tài khoản Facebook “Cánh đồng Mường Thanh”, “Đoàn Trực thuộc TĐĐB (Tỉnh đoàn Điện Biên)” với tổng số lượt theo dõi, kết bạn là 11.937.

Anh Lê Hoài Nam chia sẻ nhiều câu chuyện tích cực trên mạng xã hội như hình ảnh “Ấm tình quân dân”; “Xà Pèng, nơi lũ đi qua”, “Đắp đường xây ước mơ”, “Phát khẩu trang miễn phí cho người dân”.

Anh Nguyễn Tiến Tân chủ trì triển khai mô hình 2S (see and share), đăng tải hơn 2.000 tin tốt hoạt động Đoàn trên mạng xã hội.

Anh Nguyễn Thành Nhân là thành viên ban quản trị fanpage “Tin nhanh Đắk Nông” với hơn 60.000 tài khoản thích trang và group “Đắk Nông ngày mới” với hơn 40.000 thành viên.

Chị Lâm Như Quỳnh trung bình mỗi ngày có hơn 3 bài viết chia sẻ trên Facebook/Zalo, qua đó thu hút hơn 10.000 lượt tiếp cận.

Anh Đỗ Xuân Điềm, người thực hiện video “Vắc xin phòng tin xấu, độc cho thanh niên” trên YouTube, cho biết những tin xấu, độc thường có ngôn từ, hình ảnh kích động, bạo lực, thiếu tính khách quan, gây chia rẽ. Bạn trẻ cần xác minh xem thông tin này từ đâu, nếu nó được phát tán từ những trang web phản động, trái phép… thì hãy đề phòng.

Anh Nguyễn Tiến Tân cho rằng việc đọc nhiều sách báo, tin tức từ những cơ quan chính thống cho người trẻ khả năng nhận biết tin giả/thật, tin xấu/tốt. Việc tham gia nhiều CLB kỹ năng, phong trào Đoàn, Hội cũng là cần thiết.

Theo anh Lê Hoài Nam, mỗi ngày, bạn trẻ có thể chia sẻ 1, 2 tin tốt về công tác phòng chống dịch ở địa phương. Có thể là về hình ảnh những người chống dịch nơi tuyến đầu, những hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, không ai bị bỏ lại phía sau…

Anh Nam cho rằng mỗi thanh niên cần trang bị “vắc xin” phòng tin xấu độc, còn người chuẩn bị “vắc xin” đó là chính mỗi cơ sở Đoàn. Theo đó, việc truyền tải thông tin tới người trẻ cần nhẹ nhàng, uyển chuyển và cần đứng trên lập trường chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, để thanh niên vững niềm tin với Đảng.

Chị Lâm Như Quỳnh cũng cho rằng trong các cơ sở Đoàn, mỗi cán bộ Đoàn phải là mỗi chuyên gia, nắm bắt xu hướng mới trong giới trẻ, thành thục kỹ năng sử dụng mạng xã hội, đồng thời là những người làm việc giỏi, kỹ năng truyền đạt tốt, từ đó định hướng cho đoàn viên, thanh niên…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.