Những cascadeur tài năng của điện ảnh Việt - Kỳ 1: Cuộc dấn thân táo bạo

19/08/2016 08:21 GMT+7

(iHay) Trong những nhân vật được xem là thế hệ đầu tiên truyền cảm hứng và khai phá cho bộ môn cascadeur, võ sư Thu Vân là trường hợp đáng chú ý bậc nhất, bởi bà là người phụ nữ đầu tiên dám tiên phong vào lĩnh vực xưa nay chỉ toàn cánh đàn ông.

(iHay) Nhiều khán giả mãn nhãn với hình ảnh nam, nữ diễn viên đánh đấm gay cấn, dấn thân mạo hiểm đến thót tim trên màn ảnh nhưng ít ai biết, để có được những khung hình hấp dẫn như vậy các  cascadeur đã thầm lặng đổ không biết bao nhiêu 'mồ hôi, nước mắt', thậm chí là máu trên trường quay. Bài viết này xin được điểm lại những diễn viên đóng thế nổi tiếng của điện ảnh Việt xưa và nay.

>> Đạo diễn Quốc Thịnh đã nhận được thù lao từ công ty Trần Bảo Sơn
>> Ê-kip Việt Nam 'tố' nhà sản xuất phim có Mike Tyson 'quên' trả thù lao

 
Một trong những màn đóng thế nổi tiếng của võ sư Thu Vân là cảnh đốt cháy toàn thân. Và đây cũng là cảnh người bị đốt cháy như ngọn đuốc đầu tiên trên màn ảnh Việt thập niên 90 - Ảnh: NVCC
'Ngọn đuốc sống' táo bạo của nữ võ sư đất Bắc

Bắt đầu tìm hiểu về "thế giới của cascadeur", nhóm phóng viên iHay.vn đã tìm đến đạo diễn Quốc Thịnh (Chủ nhiệm CLB Cascadeur Quốc Thịnh) và được anh nhiệt tình chia sẻ nhiều điều.

Theo lời kể của vị đạo diễn này, nhóm cascadeur đầu tiên hoạt động và được hội Điện ảnh TP.HCM chính thức công nhận vào năm 1992, do Hoàng Triều làm chủ nhiệm. Được một thời gian nhóm cascadeur này xuất hiện một số mâu thuẫn và các thành viên tiếp tục bầu ra chủ nhiệm mới là Lê Tiến Dũng. 
Qua các bộ phim Lửa cháy thành Đại La, Ngọc Trản thần công, Thăng Long đệ nhất kiếm, Thanh gươm để lại..., nhóm cascadeur dưới sự dẫn dắt của Lê Tiến Dũng (xuất thân là cảnh sát hình sự) đã tạo ra diện mạo mới cho lớp diễn viên đóng thế giỏi nghề ở thập niên 90 như Lữ Đắc Long, Thu Vân, Lê Công Thế... 
Trong những nhân vật được xem là thế hệ đầu tiên truyền cảm hứng và khai phá cho bộ môn cascadeur, võ sư Thu Vân là trường hợp đáng chú ý bậc nhất, bởi bà là người phụ nữ đầu tiên dám tiên phong vào lĩnh vực xưa nay chỉ toàn cánh đàn ông. 
Trước khi bén duyên với nghề mạo hiểm trên phim trường, võ sư Thu Vân (sinh năm 1945, Hà Nội) từng sinh hoạt tại Đoàn cải lương Nam Bộ trên đất Bắc. Thời gian sau, bà quyết định rẽ sang con đường tầm sư học đạo... cascadeur. Đam mê này đã lấy đi thanh xuân, mồ hôi và nước mắt của võ sư Thu Vân đằng đẵng 20 năm trời. 
Sự kiên trì và nỗ lực của võ sư Thu Vân cuối cùng cũng đến ngày "hái trái ngọt". Năm 1989, bà được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phong tặng danh hiệu Chưởng môn võ nghệ cổ truyền của TP.HCM. Không chỉ vậy, võ sư Thu Vân còn ghi dấu ấn với khán giả Việt qua nhiều màn hành động, đánh đấm hấp dẫn trong các phim như Ngọc Trản thần công, Tây Sơn hiệp khách (đóng thế diễn viên Hương Giang), Cát bụi hồng trần (đóng thế diễn viên Lệ Thủy), Kỳ tích núi Bà Đen...
Với võ sư Thu Vân, cảnh quay mạo hiểm nhất, ghi dấu tên tuổi bà vào điển tích của những người yêu nghề cascadeur là cảnh đốt cháy toàn thân. Vào những năm 90, điện ảnh Việt vẫn còn thô sơ, những cảnh quay người bốc cháy, thường thì đạo diễn và các diễn viên chỉ dám cho đốt một chút ở phần lưng hoặc tay, chân. Thế nhưng, võ sư Thu Vân cho rằng như vậy vẫn chưa "tới" và chưa gây ấn tượng mạnh với người xem. Và bà đã xin đạo diễn được thực hiện cảnh người bị đốt cháy như "ngọn đuốc sống" đầu tiên trên màn ảnh Việt. 
Sau cảnh quay này, cơ thể võ sư Thu Vân cũng bị ảnh hưởng đôi chút. Do áo chống lửa bị cháy sém vào bên trong nên trang phục của bà bị rách lỗ chỗ, tóc thật cũng bị lửa cháy ít nhiều. Tuy nhiên, bà không màng đến mấy chuyện vụn vặt ấy vì mải vui sướng với kết quả vừa đạt được. 
Miệt mài hoạt động nghệ thuật, dù chỉ đứng sau những diễn viên nổi tiếng, thế nhưng với võ sư Thu Vân, cascadeur là niềm tự hào và say mê lớn. Cuộc đời võ sư Thu Vân từng có những giai đoạn ngặt nghèo, khi hết mẹ chồng bị liệt lại đến chồng con bệnh "thập tử nhất sinh" nhưng chưa lúc nào bà từ bỏ nghiệp diễn viên đóng thế. Cứ tranh thủ được phút giây nào võ sư Thu Vân lại chạy ra phim trường, hội ngộ cùng các anh em. Ngay cả thời điểm bà bị bệnh ung thư (năm 2002) và khi may mắn chữa trị khỏi bệnh, bà lại lao vào công việc nghiên cứu võ thuật, làm cơ sở để giảng dạy sau này cho các trường sân khấu, điện ảnh.
Theo chia sẻ từ anh Lữ Đắc Long, do tuổi cao sức yếu, võ sư Thu Vân mắc bạo bệnh và phải sống đời sống thực vật tại bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) nhiều năm nay.
Toàn tài như cascadeur Lê Tiến Dũng
Nhắc đến Lê Tiến Dũng (sinh năm 1966) - cựu chủ nhiệm câu lạc bộ cascadeur Hội điện ảnh TP.HCM, với những người làm nghề giải trí những năm 90 thì không ai xa lạ.
Lê Tiến Dũng thời còn trẻ, chụp cùng Việt Trinh. Không chỉ là một cascadeur giỏi nghề, anh còn là một chiến sĩ công an và là thầy dạy võ cho hầu hết các diễn viên hành động những năm 90
Dũng từng là cảnh sát hình sự, một chiến sĩ trong đội Săn bắt cướp của Công an TP.HCM và cũng là người trực tiếp biên soạn ra giáo trình dùng cho hầu hết các câu lạc bộ cascadeur hiện nay.
Khi đóng thế cho diễn viên ở các tình huống hành động rượt đuổi, đánh đấm hay bắn súng, ông thành thục và thạo nghề hơn những người khác. Không chỉ ở vai trò đóng thế, Lê Tiến Dũng còn là "sư phụ" dạy võ thuật, đánh kiếm, bắn súng cho hầu hết các diễn viên mà ông cùng tham gia đóng phim.
Một trong những cảnh diễn để đời, được công chúng nhắc nhớ đến mãi sau này là cảnh quay Lê Tiến Dũng chạy xe Honda 67 tốc độ cao, bắn súng và lái bằng hai chân trong phim Lệnh truy nã của cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Còn người đóng vai cướp, bị rượt đuổi trong phim này là Hoàng Triều - chủ nhiệm đầu tiên của câu lạc bộ Cascadeur TP.HCM. Khi phim ra rạp, nhiều khán giả kéo đi coi rất đông vì muốn được tận mắt chứng kiến cảnh quay hành động, rượt đuổi mạo hiểm hiếm có trên màn ảnh Việt lúc bấy giờ.
Sau thành công của phim này, Lê Tiến Dũng được "săn đón" tiếp vào những phim có nội dung tương tự như Vụ án viên đạn lạc, Tây Sơn hiệp khách, Ngọc Trản thần công... Ở những dự án đó, ông được trở về với cái chất vốn có của mình, là một chiến sĩ săn bắt cướp anh dũng, ngoan cường. Ông muốn thông qua phim ảnh để khẳng định lực lượng săn bắt cướp ngoài đời hoạt động dấn thân nguy hiểm thế nào, và đó là câu chuyện không chỉ có trên phim ảnh.
Nhiều năm qua, Lê Tiến Dũng đã rút khỏi hoạt động cascadeur, anh chuyển hướng sang kinh doanh ngành thực phẩm. Dẫu vậy, bất cứ khi nào câu lạc bộ cascadeur cần giúp đỡ, anh đều nhiệt tình, xuất hiện ngay.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.