Những cái 'nhất' đáng buồn của giáo dục mầm non

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
25/11/2022 08:15 GMT+7

Thiếu giáo viên nhất, giáo viên bỏ việc nhiều nhất, lương thấp nhất, số trường học tạm lớn nhất… là những cái “nhất” rất đáng buồn của giáo dục mầm non mà ngành GD-ĐT cho biết đang tập trung ưu tiên đặc biệt để giải quyết.

Những cái “nhất” không ai muốn

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết hiện nay toàn quốc thiếu 106.945 giáo viên (GV), trong đó bậc mầm non thiếu nhiều nhất với 44.068 GV. Tương tự, về tình trạng GV nghỉ việc gây quan tâm đặc biệt của dư luận thời gian qua, theo ông Tuấn Anh, năm 2022 cả nước có 16.000 GV nghỉ việc, thì riêng mầm non chiếm số lượng lớn nhất với khoảng 40%.

Công việc của giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực

ĐÀO NGỌC THẠCH

Lương khởi điểm của GV mầm non cũng thấp nhất do tương ứng với chuẩn trình độ đào tạo thấp. Ông Tuấn Anh nêu thực tế hiện nay GV mới vào nghề từ 1 - 5 năm thì lương bình quân là 5 triệu đồng/tháng. Trong khi ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu chế xuất thì một người lao động phổ thông bình thường cũng có mức thu nhập cao hơn như vậy. Đó là thực trạng khiến GV mầm non nghỉ việc nhiều.

Hiện nay theo thống kê của Bộ GD-ĐT, khoảng 20% số trường học vẫn tạm bợ và bán kiên cố, trong đó trường mầm non và tiểu học chiếm nhiều nhất. Trong 5 năm tới, khi hoàn thiện mục tiêu kiên cố hóa trường học, phải giải quyết nhiều nhất cho câu chuyện kiên cố hóa với hệ thống các trường mầm non.

Thiếu GV nên mầm non cũng là bậc học mà tỷ lệ GV/lớp không vùng miền nào đạt đủ theo quy định, dù vùng thuận lợi hay khó khăn. Ông Tuấn Anh cho hay theo quy định hiện hành, tỷ lệ GV/lớp ở bậc mầm non các trường công lập (chỉ tính GV biên chế) định mức là 2,2 GV/lớp. Tuy nhiên ở tất cả vùng miền trên cả nước đều không đạt được tỷ lệ này. Tỷ lệ GV/lớp bình quân toàn quốc là 1,76. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng 1,93; miền núi phía bắc 1,58; Bắc Trung bộ 1,70; Tây nguyên 1,60; Đông Nam bộ 2,0; ĐBSCL 1,74.

Tỷ lệ GV mầm non đạt chuẩn theo luật Giáo dục 2019 cũng là một trong những cấp học thấp nhất. Bình quân toàn quốc đạt 77,6%, trong đó Đồng bằng sông Hồng 77,6%; miền núi phía bắc 84,4%; Bắc Trung bộ 79,6%; Tây nguyên 70,5%; Đông Nam bộ 65,7%; ĐBSCL 83,2%.

Sẽ tăng lương, tăng phụ cấp, không tinh giản biên chế

Ông Phạm Tuấn Anh cho biết: “Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiên trì đấu tranh cho lương GV, tới đây theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ GD-ĐT sẽ tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ để nâng lương cho GV”. Cụ thể, xếp lương bậc 2 cho GV mới tuyển dụng vào ngành giáo dục. Đối với GV hợp đồng, đảm bảo mức lương không thấp hơn mức lương trung bình của doanh nghiệp cùng khu vực; được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên như GV trong biên chế; được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Bộ GD-ĐT kiến nghị xem xét không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học

thúy hằng

Đề xuất Chính phủ phương án quy định mức phụ cấp đối với GV mầm non theo hướng nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với GV mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; GV mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100% (với mức đề xuất này, có khoảng hơn 200.000 GV mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh).

Cho rằng tinh giản biên chế hiện nay đang thực hiện một cách cào bằng, vùng thuận lợi cũng như vùng khó khăn, Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp. Trước mắt xem xét không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học (do chưa bố trí đủ GV theo định mức nhưng vẫn yêu cầu giảm 10% biên chế dẫn đến thiếu nhiều GV đứng lớp trong bối cảnh tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ngày càng cao).

Để giải quyết tình trạng thiếu GV nhưng không có nguồn tuyển, Bộ GD-ĐT còn cho biết trình Chính phủ đề xuất cho phép các địa phương được tuyển dụng/hợp đồng GV đủ điều kiện nhưng chưa đạt chuẩn đào tạo theo luật Giáo dục năm 2019; đồng thời đề ra lộ trình đào tạo nâng chuẩn cho các đối tượng theo lộ trình của Nghị định 71.

Đừng bắt GV mầm non làm việc tới 60 tuổi

Một trong những chính sách mà Bộ GD-ĐT đang kiến nghị nhằm có thể tuyển dụng và “giữ chân” GV mầm non là rút tuổi nghỉ hưu so với các ngành nghề khác.

Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng hiện nay quy định về tuổi nghỉ hưu của GV mầm non 60 tuổi là không phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo cấp học mầm non. Do đó, Bộ GD-ĐT phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất cho phép giữ tuổi nghỉ hưu với GV mầm non là 55. Hiện bậc học mầm non có gần 369.000 GV.

Theo quy định của bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với lao động nam vào năm 2028, đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Một khảo sát của Công đoàn Giáo dục VN đối với cán bộ quản lý và GV trực tiếp giảng dạy cho thấy, có tới 93% ý kiến đề nghị cho nữ GV thể chất được về hưu ở tuổi 55, 97% đề nghị cho nữ GV mầm non về hưu 55 tuổi.

Bộ GD-ĐT đang đề xuất cho phép giữ tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non là 55

đào ngọc thạch

Tán thành với đề xuất tuổi nghỉ hưu của GV mầm non là 55, PGS Bùi Thị Lâm, Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhìn nhận GV mầm non làm công việc nặng nhọc và chịu nhiều áp lực. Tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm nên có thể không bảo đảm được chất lượng chăm sóc, giáo dục; đặc biệt là bảo đảm an toàn cho trẻ.

Ở tuổi 54, bà Lê Thị Thu Hằng, GV Trường mầm non Chăm Mát (TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), tự nhận mình “tụt hậu” hơn so với GV trẻ. Dù sức khỏe vẫn ổn, có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ nhưng bà Hằng thừa nhận, ở tuổi ngoài 50 không thể tinh nhanh bằng thế hệ sau, nhất là vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục; trong khi chương trình giáo dục mầm non có nhiều đổi mới, yêu cầu ngày càng cao.

Dạy trẻ mầm non, ngoài yếu tố kinh nghiệm, cần cả sự tinh nhanh và phản xạ tốt để bảo đảm an toàn cho trẻ. Mà yếu tố này sẽ ngày càng kém khi qua tuổi 50. “Về mặt tâm lý, cả phụ huynh và trẻ đều thích cô giáo trẻ hơn những cô già, 59 - 60 tuổi là “bà giáo” thì đúng hơn”, bà Hằng chia sẻ.

Bà Khúc Thị Mai, Hiệu trưởng Trường mầm non Bà Triệu (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), cũng cho rằng đề xuất trên đáp ứng được mong đợi của tất cả GV trường bà. Làm việc đến 55 tuổi đã là cố gắng rất lớn của các cô, nếu ngoài độ tuổi này GV không múa hát, tham gia hoạt động với các con được nữa. Vì vậy, trẻ cũng không hứng thú và thiệt thòi khi phải học với GV quá lớn tuổi. Theo bà Mai, giữ độ tuổi nghỉ hưu của GV mầm non là 55 tuổi vừa vì quyền lợi của các cô, vừa là vì chất lượng giáo dục của trẻ.

Bộ trưởng GD-ĐT: Quan tâm tới mầm non là khoa học và lương tri

Phát biểu kết thúc hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định giáo dục mầm non có vị trí quan tâm đặc biệt đối với ngành GD-ĐT. “Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ mầm non, đổi mới và gia tăng chất lượng giáo dục mầm non vừa là vấn đề thuộc về khoa học, vừa thuộc về nhận thức, tình cảm lương tri: dành những gì tốt nhất cho trẻ em”, ông Sơn nhấn mạnh.

Không chỉ chuẩn bị đổi mới chương trình giáo dục mầm non, ông Sơn cho rằng song song với đó phải chuẩn bị thật kỹ về đội ngũ để thực thi chương trình đó. Khi chuẩn bị về GV thì phải tính đến chính sách cần có, trong đó có chính sách cần kiến nghị Chính phủ và cả chính sách mà thẩm quyền của Bộ GD-ĐT có thể điều chỉnh được trong thẩm quyền của mình.

Về cơ sở vật chất trường lớp, ông Sơn cho rằng dù có triển khai chương trình giáo dục mầm non mới hay không, thì kiên cố hóa trường lớp vẫn là một việc cấp bách. Ngoài xây trường, những khâu chuẩn bị trang thiết bị, học liệu, đồ chơi trong trường học cũng rất quan trọng. “Không chỉ vận động trẻ đến trường mà trường học còn phải sẵn sàng để đón trẻ”, ông Sơn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.