Những cách 'làm mát' cấp tốc nguy hiểm ngày nắng nóng

Lê Cầm
Lê Cầm
28/02/2024 04:19 GMT+7

Tưới nước lên mặt, bật điều hòa nhiệt độ thấp, để quạt phun sương thổi thẳng vào mặt... là những cách làm mát cấp tốc có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro gây đau đầu, chóng mặt thậm chí đột quỵ ngày nắng nóng.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ ngày 27.2, nắng nóng tiếp tục mở rộng trên khu vực TP.HCM. Dự báo trong 10 ngày tới, tính đến 8.3, nắng nóng tiếp tục kéo dài tại TP.HCM với nền nhiệt độ trong ngày cao nhất từ 34 - 36 độ C.

Theo cảnh báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trời nắng nóng kết hợp với chỉ số tia UV ở mức cao tác động tới sức khỏe người dân khi tham gia các hoạt động ngoài trời trong thời gian kéo dài. Cùng với đó, độ ẩm trong không khí giảm thấp, thời tiết hanh khô, dễ dẫn đến cháy nổ.

Nhiều người vẫn phải làm việc và di chuyển liên tục nhiều giờ dưới nắng nóng, khi trở về nhà, một số người áp dụng một số cách để làm mát cấp tốc như bật điều hòa nhiệt độ thấp, tưới nước lên mặt, để quạt thổi thẳng vào mặt... Tuy nhiên, theo chuyên gia những cách làm mát này sẽ gây hại nguy hiểm cho sức khỏe.

Những cách 'làm mát' cấp tốc nguy hiểm ngày nắng nóng- Ảnh 1.

Người lao động làm việc dưới thời tiết nắng nóng gay gắt

LÊ CẦM

Đóng kín cửa, bật điều hòa nhiệt độ thấp cho nhanh mát

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Viết Hậu, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết thói quen ngay sau khi đi nắng về bước vào phòng đóng kín cửa và bật điều hòa ở mức thấp nhất để nhanh làm mát tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho sức khỏe.

"Bởi khi cơ thể thải nhiệt, mạch máu giãn ra mà đang đi nóng về, hạ thấp nhiệt độ đột ngột làm mạch máu co thắt lại sẽ dễ gây đau đầu, chóng mặt, choáng váng, sốc nhiệt", bác sĩ Hậu phân tích.

Ngoài ra, theo bác sĩ Hậu việc thường xuyên đóng chặt cửa khi sử dụng máy điều hòa cũng gây ra một số tác hại. Bởi không khí trong phòng kín có thể trở nên độc hại gấp 2-5 lần không khí ngoài trời nếu bạn thường xuyên đóng chặt cửa. Khoảng 15-30 phút, bạn nên mở cửa phòng để căn phòng được "thở", thay không khí mới cho căn phòng.

Những cách 'làm mát' cấp tốc nguy hiểm ngày nắng nóng- Ảnh 2.

Thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ gây sốc nhiệt

LÊ CẦM

Tưới nước lạnh lên mặt ngay sau khi đi nắng

Thạc sĩ - bác sĩ Tạ Quốc Hưng, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết khi một người làm việc ngoài trời nắng nóng nhiều giờ hay đi ngoài trời nắng về, đột ngột tưới nước lạnh lên mặt sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật, gây sốc nhiệt tụt huyết áp.

Tắm ngay khi vừa đi nắng về

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Minh Thuận, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay nhiều người có thói quen đi nắng về thường vào phòng tắm để làm sạch mồ hôi và làm mát cơ thể.

"Việc tắm ngay khi ở ngoài nắng về sẽ khiến nhiệt độ cơ thể giảm xuống đột ngột, lỗ chân lông và vi mạch dưới da co lại, từ đó làm cản trở quá trình tuần hoàn máu, dẫn đến hiện tượng cảm lạnh. Thậm chí, điều này còn gây ảnh hưởng tới nhịp tim, huyết áp và kéo theo tình trạng đột quỵ ngay sau đó", bác sĩ Thuận chia sẻ.

Bác sĩ Thuận khuyến cao nên ngồi nghỉ từ 15 - 20 phút sau khi đi ngoài nắng về để thân nhiệt ổn định lại, sau đó lau người trước cho cơ thể thích ứng với nhiệt độ của nước rồi mới bắt đầu tắm toàn thân.

Những cách 'làm mát' cấp tốc nguy hiểm ngày nắng nóng- Ảnh 3.

Việc tắm ngay khi ở ngoài nắng về sẽ khiến nhiệt độ cơ thể giảm xuống đột ngột

SHUTTERSTOCK

Đưa mặt trước quạt máy, quạt phun sương

Theo bác sĩ Thuận, nhiều người sau khi đi nắng về hay đưa mặt vào trước quạt máy, máy phun sương để làm mát nhanh chóng. Tuy nhiên đây là một thói quen không hề tốt, bởi lúc này cơ thể tiết ra mồ hôi nhiều khiến các mạch máu dưới da bị giãn nở để tỏa nhiệt, nếu để những luồng gió lớn thổi trực tiếp vào người thì mồ hôi sẽ càng bốc hơi mạnh, từ đó làm nhiệt độ ngoài da giảm và các mạch máu bị co lại đột ngột trong khi nhiệt độ bên trong cơ thể lại chưa ổn định. "Chính điều này là nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng nhiệt độ giữa môi trường trong và ngoài. Hậu quả là sau khi đứng dậy, bạn sẽ rất dễ gặp phải tình trạng hoa mắt, chóng mặt hay đột quỵ ngay tại chỗ", bác sĩ Thuận lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.