Những 'bóng hồng' sân phủi

Phạm Hữu
Phạm Hữu
17/04/2022 06:05 GMT+7

Không gì cản nổi đam mê của những 'bóng hồng' trót yêu trái bóng mặt sân phủi. Từng đường chuyền, cú sút hay cú đảo chân thanh thoát khiến các đấng mày râu phải thán phục.

Đúng 18 giờ những ngày cuối tuần, tại một sân cỏ nhân tạo nằm ở Q.Tân Bình (TP.HCM) đều đặn có những cô gái với tình yêu trái bóng mãnh liệt và thể hiện tinh thần chơi bóng hồn nhiên nhất.

Không khác gì nam giới

Chiều tà, cũng là lúc ánh đèn ở các sân phủi sáng đèn, những cô gái lần lượt cởi bỏ những bộ đồ công sở khoác lên mình quần đùi áo số và bước ra sân như một tuyển thủ thật sự.

Như lịch thi đấu “cứng” vào chiều tối cuối tuần, ròng rã suốt 8 năm hơn 20 cô gái vẫn miệt mài đến sân đá bóng, môn thể thao ít dành cho phái đẹp. Những bóng hồng có thân hình mảnh khảnh, đôi chân xỏ giày, bảo hộ chân và gối là màn khởi động trước buổi tập. Thường mỗi lần hội quân cả đội tập tầm 10 phút, rồi chia thành 2 đội đấu đối kháng, mỗi tuần như vậy các cô gái có 2 giờ đồng hồ để đắm chìm cùng trái bóng tròn.

Nhiều nữ cầu thủ phủi có niềm đam mê bóng đá từ nhỏ

NGỌC DUNG

Lý do duy nhất để trở thành đồng đội với họ khi đến sân vì có điểm chung là đam mê bóng đá. Không có huấn luyện viên chỉ đạo kỹ thuật lẫn chiến thuật, các cô gái cứ chơi thứ bóng đá bản năng. “Mọi người đi đá bóng với tinh thần thoải mái, vui vẻ và có khi máu lửa lắm”, Nguyễn Trần Ngọc Dung, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TP.HCM, vừa được thay người rời sân thổ lộ.

Còn Huỳnh Thị Ngọc Hảo, nhân viên một ngân hàng (Q.5, TP.HCM), cũng vui cười dù ướt đẫm mồ hôi sau những pha đi bóng. Hảo cho biết bản thân đá bóng vì sở thích, cứ cuối tuần thường xách giày đến sân. Thi thoảng cùng đội “du đấu” hay tham gia nhiều giải phủi dành riêng cho nữ.

Theo Hảo, những cô gái đá bóng phủi không khác gì nam giới. Từ quần đùi, áo số đến cách tổ chức đội, lối đá hay kỹ thuật. Tuy nhiên, cũng có hạn chế về mặt thể lực, thể hình và sự linh hoạt. Thông thường cầu thủ nữ ít khi sút bóng mạnh, chỉ chuyền nhiều và đá với tốc độ vừa phải. Người đi trước chỉ dạy người đi sau, hoặc chỉ học lỏm bằng cách quan sát từng đường bóng của người khác khi đá. Riêng Hảo có thể đá liên tục trong vòng 20 phút mới thấm mệt.

Không biết vì sao lại đam mê

Nữ điều dưỡng Trần Diệp Anh (29 tuổi), công tác tại Bệnh viện Q.1 (TP.HCM), cho biết mê bóng đá từ nhỏ, ở quê thường xin theo các bạn nam chơi bóng. Từng là cầu thủ của trường, sinh hoạt Đoàn có tham gia bóng đá rồi gắn bó nhập hội đến giờ. Những ngày không trực ở bệnh viện, rảnh rỗi Diệp Anh liền xỏ giày ra sân.

Từ những trận đấu đó, niềm đam mê đá bóng của Diệp Anh trở nên lớn hơn, nhưng nữ điều dưỡng này không giải thích được vì sao lại có đam mê đến vậy. Minh chứng cho điều đó, Diệp Anh khoe hàng chục vết thẹo trên đôi chân mảnh khảnh của mình.

Vì là sinh viên nên nhiều khi Dung còn khá khó khăn, mỗi tuần chắt chiu được 50.000 đồng để đến sân góp tiền đá bóng. Góp tiền sân khoảng 30.000 đồng, gửi xe 5.000 đồng, còn 15.000 đồng để đi xe về nhà. Lâu lâu cô gái còn làm thêm trọng tài, kiếm chút tiền công để dành mua giày, mua áo theo đuổi đam mê.

Còn Huỳnh Thị Ngọc Hảo cho rằng bản thân mê đá bóng từ khi còn nhỏ. Những ngày hè, cô thường rủ bạn mang theo bóng nhựa hoặc vật tròn tròn rồi ra ruộng đá đối kháng. Đến thời sinh viên, đi làm tham gia các giải hội thao rồi yêu bóng đá từ lúc nào không hay.

Đến giờ đi làm rồi vẫn còn thích cảm giác chiều cuối tuần xỏ giày ra sân. Dường như năng khiếu chơi bóng của Hảo thuộc hàng bẩm sinh, từng kỹ thuật chạy chỗ, rê dắt bóng, chuyền bóng sệt… cô gái rất thành thạo. Những trận cầu đối kháng của các cô gái cũng nảy lửa không kém, ngoài đường biên là những tiếng hò reo cổ vũ của đồng đội. Các pha bóng phối hợp, đan bóng trên sân rất “ngọt” và các pha dứt điểm ghi bàn, ăn mừng cũng đầy cảm xúc không kém. Sân phủi với các "bóng hồng" lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.