Những ‘bông hoa thép’

12/07/2015 05:03 GMT+7

Tuần qua, tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ Công an tổ chức tuyên dương 142 nữ cảnh sát tiêu biểu, trong đó có những “bông hoa thép” xuất sắc trên lĩnh vực phòng chống tội phạm và cải huấn phạm nhân.

Tuần qua, tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ Công an tổ chức tuyên dương 142 nữ cảnh sát tiêu biểu, trong đó có những “bông hoa thép” xuất sắc trên lĩnh vực phòng chống tội phạm và cải huấn phạm nhân.

Đại úy Hoàng Thị Hiệp (cầm micro) tại buổi giao lưuĐại úy Hoàng Thị Hiệp (cầm micro) tại buổi giao lưu - Ảnh: Lâm Viên

Trong buổi giao lưu giữa các nữ cảnh sát tiêu biểu, nhiều khán giả khâm phục và ngưỡng mộ nữ đại tá Đàm Thị Lê (47 tuổi), Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (PC47) - Công an Cao Bằng, người được ví là “khắc tinh” của tội phạm ma túy ở vùng biên giới.

Nữ đại tá giỏi võ thuật, bắn súng

Mái tóc dài nữ tính, cùng nước da trắng hồng có vẻ tương phản với tính cách mạnh mẽ của một trưởng phòng cảnh sát. Đại tá Lê được biết đến là người rất giỏi võ thuật và bắn súng, từng có mặt trong một số cuộc thi bắn súng của Bộ Công an tổ chức.

Hoàn thành tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ

Gặp gỡ và lắng nghe những câu chuyện về hành trình phá án, làm nhiệm vụ của các nữ cảnh sát tiêu biểu đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, đã biểu dương một cách hình tượng: “Họ là những bông hoa thép cứng cỏi trong khi làm nhiệm vụ; đồng thời cũng là những người phụ nữ đảm đang, dịu dàng, luôn hoàn thành tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ...”.

Đại tá Lê kể bà tham gia trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm ma túy từ năm 1998 khi Công an tỉnh Cao Bằng thành lập PC47. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, bà trực tiếp cùng đồng nghiệp trong đơn vị phát hiện bắt giữ điều tra 130 vụ với 185 bị can có hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ gần 200 bánh heroin, 20 kg ma túy dạng đá, 1.860 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vũ khí, phương tiện, tài sản khác có liên quan. Nổi bật trong số vụ án ma túy mà nữ đại tá này chỉ đạo và trực tiếp tham gia là chuyên án 115CB đấu tranh bóc gỡ, triệt phá đường dây buôn bán ma túy lớn qua Cao Bằng, do Triệu Đức Hanh (46 tuổi), ngụ Ngân Sơn (Bắc Kạn) vận chuyển, thu giữ 156 bánh heroin vào tháng 2.2015.

Theo đại tá Lê, trận tuyến ngăn chặn “cái chết trắng” đầy cam go khốc liệt, với bao nguy hiểm rình rập, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Để giành thắng lợi trên trận tuyến này, đại tá Lê đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ bám sát địa bàn, nắm tốt tình hình, bóc gỡ từng đường dây, triệt phá nhiều điểm ma túy gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Bản thân đại tá Lê còn vận động nhiều đối tượng từng có hành vi phạm tội quay trở lại làm ăn lương thiện, làm cơ sở tai mắt cho lực lượng công an, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị giúp khám phá nhiều đường dây mua bán ma túy lớn.

Từ năm 2009 đến nay, đại tá Lê liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2013, bà vinh dự đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân, hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Tháng 2.2015, bà Lê vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an thăng hàm đại tá và cũng là nữ đại tá đầu tiên của lực lượng Công an tỉnh.

Nữ quản giáo có tài chinh phục phạm nhân

Một gương mặt khác là đại úy Hoàng Thị Hiệp, cán bộ trại giam Ninh Khánh, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an). Đại úy Hiệp vốn là sinh viên khoa văn sau đó học thêm để trở thành cán bộ quản giáo. Đến nay, đại úy Hiệp có thâm niên 12 năm làm công tác này, trực tiếp giáo dục hàng trăm phạm nhân tiến bộ, cải tạo tốt để trở thành những người có ích cho xã hội.

Đại úy Hiệp kể lại trường hợp cảm hóa phạm nhân C.D.N, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy với mức án 15 năm là một câu chuyện điển hình. Với mức án dài, N. chán nản, thường xuyên vi phạm kỷ luật, không muốn lao động. Thế nhưng bằng tấm lòng của mình, đại úy Hiệp đã tìm hiểu hoàn cảnh, trích lương của mình giúp N. đóng tiền hình phạt bổ sung; tặng quà N. lúc ốm đau, các dịp lễ, tết. Sự chân thành của đại úy Hiệp đã khiến N. cảm động, cố gắng cải tạo tốt, sau đó được giảm án về trước thời hạn. Khi trở về với cộng đồng, N. thường xuyên liên lạc với đại úy Hiệp, kể về cuộc sống hiện tại của mình, tuy khó khăn nhưng luôn cố gắng sống lương thiện. Theo đại úy Hiệp, việc nâng đỡ những phạm nhân dần xóa những vết đen trên trang giấy đời mình là việc làm rất khó, chỉ có sự chân thành và kiên trì mới giúp các phạm nhân thay đổi.

Một số gương mặt tiêu biểu khác như thượng tá Huỳnh Thị Hà, Phó văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng, được tuyên dương với công trình nghiên cứu về nạn hiếp dâm trẻ em và những giải pháp phòng chống. Nhiều người cảm động khi nghe câu chuyện của thiếu tá Vũ Hoàng Yến, nữ cảnh sát môi trường Công an Hà Nội, đã lặn lội vào TP.Vinh (Nghệ An) vào vai cô gái bán nước giải khát và thực phẩm chức năng vỉa hè hàng tháng trời để phá án. Thiếu tá Yến cho rằng ngoài bảo vệ sự bình yên cho xã hội, bảo vệ sức khỏe con người cũng là nhiệm vụ quan trọng với người cảnh sát môi trường. Nữ thiếu tá chia sẻ: “Công việc phòng chống tội phạm về môi trường ngày càng phức tạp và tinh vi còn đòi hỏi chúng tôi phải tiếp cận, nắm bắt về khoa học công nghệ nữa đấy".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.