Những bí mật trước giờ G - Kỳ 1: "Hồi ký của một đại tá tình báo"

24/04/2009 00:04 GMT+7

Từ số này, Thanh Niên giới thiệu cùng bạn đọc một loạt các tư liệu, hồi ức về những sự kiện, diễn biến chưa công bố rộng rãi từ các hồi ký, phát biểu mới nhất của những nhà tình báo cách mạng đã tham gia hoạt động bí mật tại Sài Gòn, đặc biệt trong những ngày tháng tư lịch sử.

Đó là đại tá Nguyễn Văn Tàu (tức Trần Văn Quang), biệt danh Tư Cang, Phó chính ủy Phòng tình báo thuộc Bộ tham mưu B2 - Bộ Quốc phòng, người đã nhiều lần xâm nhập nội thành Sài Gòn với bề dày hoạt động bí mật hơn 20 năm...

Sau 30.4.1975, báo chí trong và ngoài nước cùng các phương tiện truyền thông thường nhắc đến các điệp viên hàng đầu của cách mạng như "ông cố vấn" Vũ Ngọc Nhạ, hoặc "điệp viên hoàn hảo" Phạm Xuân Ẩn, song không nhiều người biết, một "nhân vật thứ ba" từng lăn lộn tại Sài Gòn trong những thời điểm cam go nhất, để hỗ trợ hoạt động tình báo của đồng đội, là đại tá Tư Cang.

Ông bước vào ngành tình báo quân đội từ năm 19 tuổi (1947), từng ra Bắc, trở lại chiến khu Nam, rồi được bí mật tung vào nội thành Sài Gòn với tư cách là Cụm trưởng Cụm tình báo H63. Cụm tình báo này đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1971. Sau đó, ông được điều ra Bắc năm 1973. Đầu năm 1975, theo lệnh Quân ủy Trung ương, và trong tình hình sôi bỏng lúc bấy giờ, đại tá tình báo Trần Văn Quang lại được cấp tốc đưa vào Nam lãnh nhiệm vụ Chính ủy lữ đoàn 316 đặc công biệt động, mở đường tiến về "thủ đô Sài Gòn".

Chính ở vị trí ấy, nhà tình báo kỳ cựu Trần Văn Quang đã chỉ huy lữ đoàn của mình đánh thọc sâu vào những nơi hiểm yếu, chế ngự các cây cầu, dẫn đường cho quân cơ giới tiến nhanh vào dinh Độc Lập ngày 30.4 lịch sử.

 
Ông Tư Cang - Ảnh: Giao Hưởng

Ông đã viết hồi ký với tựa Nước mắt ngày gặp mặt. Ông kể, trước giờ tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và kêu gọi binh lính Sài Gòn buông súng, ông cùng các cộng sự thảo luận về vị trí đặt pháo trong thành phố, trên các cao ốc để bắn vào các mục tiêu kháng cự.

Sáng 30.4, đơn vị của ông đã tiến qua cửa ngõ Sài Gòn, theo đường nhựa ấp Thới Tứ vào tỉnh lộ 15, rẽ trái xuyên qua cánh đồng của xã Tân Xuân, tiến sát hơn vào nội thành. Đi trước đoàn xe của ông có 4 nữ chiến sĩ biệt động đeo băng đỏ trên cánh tay phải, khẩu AK trước ngực dẫn đường trên những chiếc Honda màu đen. Phía sau xe và hai bên có một tiểu đội trinh sát vệ binh cũng ngồi xe máy, người lái xe lận K54 bên hông chở người ngồi sau mang AK báng gấp từng cặp lao tới. Họ dẫn đoàn xe qua khỏi xã Trung Mỹ Tây, đến ngã ba Bầu, rẽ ngã tư Trung Chánh, tiến thẳng về trung tâm Sài Gòn.

Chẳng mấy chốc, xe chở đại tá tình báo Trần Văn Quang đến trước Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, lúc nào cũng có ngót 15 nghìn binh sĩ, nơi trước đó ông đã từng qua lại nhiều lần. Chính ở trung tâm này, anh hùng Nguyễn Văn Sơ cùng trung đoàn của anh "đã chiến đấu đến người cuối cùng" trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Bấy giờ, trung tâm huấn luyện này trông bệ rạc trong "cuộc cờ tàn" với từng đoàn lính trẻ Sài Gòn vừa tháo chạy vừa quăng nón, lột giày, cởi quần áo vứt bừa khắp nơi. 

Những xe Honda của các nữ biệt động không chạy nhanh được vì phải tránh các núi quần áo, giày mũ, súng đạn ùn kín trên đường. Đến ngã tư Bảy Hiền, đoàn xe lọt vào giữa biển người đang ào ra đường với cờ hoa cầm sẵn trên tay. Trước Bệnh viện Thống Nhất, một phụ nữ đứng giữa đám đông lớn tiếng giải thích chính sách khoan hồng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đối với tù - hàng binh. Ông cho xe ngừng lại vì thấy người phụ nữ quen quen, chưa nhìn rõ mặt thì nữ chiến sĩ biệt động tên Hoa đã gọi to: "Cô Sáu!".

Ông đã bước đến gần và "cô Sáu" chẳng ai khác hơn là Sáu Thu, thuộc đơn vị tình báo do ông gầy dựng. Sau vài phút nghe Sáu Thu báo cáo vắn tắt tình hình sáng 30.4, ông cho xe phóng về phía lăng Cha Cả. Nửa đường, có mùi khét từ đầu máy xe bốc lên. Tài xế tắt máy nhảy xuống kêu to: "Chết thật, xe jeep này của tay trung úy lấy chiều hôm qua,  thùng nước bị bắn chưa kịp hàn lại. Trước khi đi đã châm nước, nhưng giờ nước đã hết sạch nên máy bị nóng. Muốn chạy tiếp phải chờ máy nguội để thêm nước, nửa giờ nữa mới đi tiếp được!". Công việc quá gấp, làm sao bây giờ?

Đang suy nghĩ thì một nhóm thanh niên chạy đến, reo to: "Chú ơi, xe thiếu gì, các chú muốn loại gì cũng có. Ở cổng sân bay, sĩ quan của ông Thiệu bỏ lại nhiều lắm, có chiếc chưa tắt máy ở đằng kia". Nghe vậy, tài xế đã nhảy lên Honda của một thanh niên chạy về cổng phi trường và trong chốc lát đã quay lại với một chiếc jeep lùn còn mới, ngay lập tức chở  ông về Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn.

Ông kể: "Cơ quan tổng tham mưu của quân đội Sài Gòn đồ sộ thật. Con đường tráng nhựa rộng rãi thẳng tắp dẫn đến một sân rộng. Trên cột cờ cao trước tòa nhà chính, gió chiều đang thổi tung lá cờ Mặt trận giải phóng". Lá cờ đã được kéo lên khá sớm bởi một cán bộ tình báo bí số K30, trong vai một thượng sĩ làm việc nhiều năm tại Phòng II Bộ Tổng tham mưu. Ông được K30 đưa đến phòng làm việc của tướng Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn và thấy trên bàn "phù hiệu của đại tướng Cao Văn Viên còn trong ngăn kéo, một số giấy tờ của trung tướng Vĩnh Lộc chưa kịp tiêu hủy, cũng như các chứng từ, vũ khí của những người thay thế tướng Viên vẫn vứt bừa bãi quanh đó".

Quen với nếp làm việc của một nhà tình báo, không bỏ sót một tấm giấy nào, nên đại tá Quang đã "cho gom tất cả, bảo quản kỹ, rồi đóng gói đưa vào Bộ chỉ huy lữ đoàn". Tiếp đó, ông lên xe phóng đến một ngôi nhà thoáng mát, chung quanh có nhiều cây cảnh xanh mướt. Lúc ấy trời vừa tắt nắng, bên ngoài bắt đầu chập choạng tối, nhưng bên trong ngôi nhà vẫn sáng như ban ngày bởi hệ thống đèn nê-ông. Nền nhà lót toàn thảm đỏ, giữa phòng là chiếc bàn bầu dục to rộng, với những chiếc ghế dựa bọc nhung đỏ. Đây là phòng họp của Trung tâm Máy tính điện tử thuộc Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, do một đại tá phụ trách, đã bị bắt giữ ở một phòng gần đó.

Nghe vậy, ông ra lệnh bảo vệ kỹ máy móc và đối xử tử tế với viên sĩ quan trên để khi cần đến kỹ thuật chuyên môn thì sử dụng anh ta.

Tiếp đó, ông cho xe phóng nhanh về trung tâm thành phố, đến ngã tư Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) - Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để đến dinh riêng của Phó tổng thống Trần Văn Hương. "Chưa có đơn vị cách mạng nào đến đó. Chúng tôi cho xe chạy một vòng quanh cổng phụ, quan sát  thấy bên trong dinh còn thấp thoáng nhiều bóng lính đang cầm súng". Ông cho người đưa loa hướng vào trong kêu gọi: "Tất cả hãy bỏ súng lại trong nhà, lần lượt ra trước sân từng người một. Tất cả sẽ được tha về sum họp gia đình ngay bây giờ".

Một lát sau, cánh cửa lớn của dinh phó tổng thống từ từ mở rộng, rất đông những người lính tay không vũ khí, vẫy khăn trắng, áo trắng, tỏ dấu hiệu đầu hàng lần lượt bước ra cổng chính. Các trinh sát nhảy xuống xe, chia từng tốp nhỏ tiến vào.

Đến giữa sân, đại tá Quang đưa loa lên hỏi lớn: "Ai là người chỉ huy ở đây, hãy bước ra khỏi hàng lập tức!". Nghe ông nói giọng Sài Gòn, một số trong đám đông lộ vẻ ngạc nhiên. Họ không hề biết rằng người đứng trước mặt họ chính là Cụm trưởng Cụm tình báo H63 không lạ gì đường đi nước bước ở "nội đô Sài Gòn"... (còn tiếp)

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.