Những bí mật trước giờ G - Kỳ 6: Lấy bản khai của kẻ phản bội

29/04/2009 00:34 GMT+7

CIA hoạt động khá ráo riết vào những thời điểm gay cấn nhất. Như hồi Tết Mậu Thân 1968, tướng Davidson - sĩ quan tình báo đặc biệt của MACV trình với Tư lệnh lực lượng quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam là tướng Westmoreland: “Rất có thể 40% đến 60% quân cộng sản sẽ mở đợt tấn công lớn sau Tết” (nhưng tổng tấn công rơi vào ngay Tết).

Tướng Westmoreland cấp tốc phúc trình với Bộ Quốc phòng Mỹ. Nhưng ở Sài Gòn, Thiệu và tướng Cao Văn Viên không để tâm đúng mức đến tin tình báo, nên vẫn điềm nhiên ăn Tết và cho dân chúng đốt pháo khắp đô thành. Đến giao thừa, khi tiếng súng quân cách mạng vang lên đồng loạt trên toàn miền, lúc ấy Thiệu đang còn ở quê vợ Mỹ Tho, còn tướng Westmoreland sửng sốt ngồi bật dậy khi hay tin “cộng sản đã tràn ngập lãnh thổ”. Rõ ràng theo Westmoreland, những cố gắng của CIA và Bộ chỉ huy MACV bị chính quyền Thiệu xem nhẹ và Sài Gòn vốn là mục tiêu quan trọng nhất trong đợt tổng tấn công đã thực sự là trung tâm “địa chấn” rung chuyển nước Mỹ và dư luận thế giới, với 9 căn cứ quan trọng như Tòa đại sứ Mỹ bị đột phá trong đợt 1.

Qua đợt 2, lúc cụm tình báo H63 đang chuẩn bị những báo cáo cuối cùng để Bộ Tư lệnh B2 tham khảo trước khi nổ súng, thì sự cố xảy ra: thượng tá Tám Hà ra đầu hàng quân Sài Gòn và khai báo “hết ráo”. Phòng tình báo B2 lập tức chỉ thị Tư Cang và cụm H63 phải bằng mọi cách lấy cho được bản khai (khẩu cung) chính thức của thượng tá Hà. Vì lúc ấy Hà đang nắm kế hoạch tác chiến của cuộc tổng tấn công đợt 2 sắp diễn ra, cả nhiều chi tiết chuẩn bị của quân giải phóng về quân số, đạn dược, lương thực. Nhận chỉ thị, sáng 23.4.1968, khi đang uống cà phê ở ngoại ô Sài Gòn, Tư Cang càng thêm sốt ruột khi đọc trên trang nhất của hầu hết các tờ nhật báo phát hành hôm đó đăng tin “thượng tá Tám Hà rời hàng ngũ Việt Cộng” kèm tấm ảnh lớn chụp Tám Hà đứng giữa, Tư lệnh quân đội viễn chinh Mỹ ở Việt Nam là tướng Westmoreland và Tư lệnh sư đoàn 5 bộ binh của quân đội Sài Gòn là Phạm Quốc Thuần, đứng hai bên Hà. Cầm tờ báo trên tay, Tư Cang phóng lên chiếc xe lam đầy khách vừa trờ tới, để về ngã tư Hàng Xanh, nhảy lên chiếc Honda ôm về hướng đường Hùng Vương. Chạy nửa chừng, để cảnh giác, ông bảo xe ngừng lại, trả tiền và nói đau lưng quá rồi ngoắc chiếc taxi sà vào lề, bảo đến đường Võ Tánh để tìm Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn). Vì Tư Cang biết, lấy được bản cung khai của thượng tá Tám Hà trước CIA Mỹ và tình báo quân đội Sài Gòn, duy có Hai Trung mới lo được. Gặp Hai Trung, Tư Cang truyền đạt chỉ thị cấp trên, nghe xong Hai Trung vội đưa Tư Cang ra chiếc xe hơi riêng của mình phóng ngay đến tiểu khu Gia Định. Bởi Hai Trung biết viên trung tá chỉ huy tiểu khu Gia Định đã cùng CIA trực tiếp thẩm vấn thượng tá Tám Hà. Vậy nhất định viên trung tá cũng giữ một bản khai. Song, chưa cần gặp thẳng ông ta, mà chỉ cần móc anh hạ sĩ quan phụ trách giữ hồ sơ của ông ta ra hỏi nhỏ. Anh này không khỏi ngập ngừng một lát, rồi nói với Hai Trung: “Thôi được, các ông đợi tui cạnh lăng Ông Lê Văn Duyệt, tui lấy đem ra cho”. Khoảng 15 phút sau, anh ta bước ra, giao Hai Trung toàn văn bản khai mật của Tám Hà và dặn đi dặn lại: “Dùng xong anh nhớ trả lại tôi trước 2 giờ chiều nay cũng ở nơi này nha. Anh vui lòng đúng hẹn để lỡ chiều vào làm việc, ông trung tá tiểu khu trưởng muốn dùng lại tài liệu mà không có để đưa cho ông ta thì chết tôi!”.

Lúc ấy khoảng 10 giờ sáng. Từ đó đến 2 giờ chiều thừa sức trả lại. Theo Tư Cang, anh trung sĩ này không phải là cơ sở cách mạng, nhưng đã dám trao tài liệu mật cho Hai Trung cũng do trước đó Hai Trung xử sự rất tử tế. Khi vợ anh ta sinh đẻ gặp túng thiếu, Hai Trung đến tận nhà thương để thăm, vừa an ủi, vừa nhét vào túi anh ta một số tiền lớn để lo thuốc men cho vợ. Phần nữa, anh ta biết Hai Trung là nhà báo quen biết hầu hết với các viên chức cao cấp, các tướng tá có máu mặt ở Sài Gòn, giao du với rất nhiều người Mỹ, nên anh không ngại gì. Trước đó, Hai Trung mượn anh ta tài liệu gì để viết báo, đều trả đúng hẹn. Nên lần này cũng vậy, anh ta rất tin Hai Trung nên giao bản khai của Tám Hà vốn là tài liệu quan trọng. Lấy tài liệu xong, Hai Trung lái xe đưa Tư Cang đến đường Nguyễn Du, vòng qua đường Gia Long cũ, đến trước nhà Tám Thảo, dặn: “Anh Tư à, 2 giờ thiếu 10 chiều nay tôi sẽ đến đây để đón anh, đem tài liệu trả như đã hứa”. Tư Cang nói: “Chứ sao nữa, tôi sẽ giao tài liệu cho anh trước 2 giờ, đến tối mình sẽ gặp nhau ở nhà hàng Givral lúc 9 giờ để trao đổi, sau đó vào sáng mai tôi sẽ tổng hợp gửi về Phòng tình báo B2”.

Nói xong, Tư Cang đi nhanh vào nhà Thảo, còn Hai Trung lẳng lặng phóng xe đi. Vào nhà, Tư Cang biết Thảo đã đi làm, ông đi thẳng lên lầu, lấy hai khẩu súng ngắn K54 ra lau và để sẵn hai bên để đề phòng bất trắc. Tiếp đó ông nhấc mấy cây vải cuộn tròn, bỏ qua một bên, dời hết đồ đạc tuế nhuyễn linh tinh vốn dùng ngụy trang, thọc tay xuống dưới lấy ra một chiếc máy chụp ảnh chuyên dụng, gắn linh kiện kèm theo, bắt đầu chụp tài liệu. Đó là bản cung khai của thượng tá Tám Hà được ghi lại tỉ mỉ qua 5 trang đánh máy dày đặc. Ông chụp hai lần để phòng trắc trở. Nội dung lời khai của Tám Hà với CIA và tình báo quân sự mật Sài Gòn khá nguy hiểm. Các chi tiết từ quân số, vị trí bố phòng, tâm lý của chiến sĩ cách mạng dưới quyền, cho đến đội hình các đơn vị tham gia mặt trận của cuộc tổng tấn công đợt 2 sắp đến Tám Hà khai tuốt. Đặc biệt, Tám Hà khai sắp tới trước khi mở màn đợt 2 cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn (giữa năm 1968) sẽ có đại pháo, hỏa tiễn, với mấy ngàn trái sẽ bắn nát sân bay Tân Sơn Nhất. Số hỏa tiễn và đại pháo dùng cho trận đánh đó hiện đang được chôn giấu trên các cánh đồng ở Bình Mỹ, phía bắc Hóc Môn...

Khai hết những bí mật như thế cho CIA và đặc báo Sài Gòn thật quá sức nguy hại, nên Tư Cang quyết định chuyển ngay bản khẩu cung của Tám Hà mà H63 vừa nắm được, không cần chép lại, cứ để nguyên bản bằng phim chụp tài liệu, gửi hỏa tốc đến Phòng tình báo B2... (Còn tiếp)

Giao Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.