Những bất ngờ lý thú về lễ cúng cô hồn tháng 7 âm lịch ở châu Á

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
14/08/2021 16:00 GMT+7

Ở Việt Nam, vào ngày 15.7 Âm lịch hàng năm thường có 2 sự kiện tín ngưỡng dân gian rất quan trọng, đó là lễ cúng cô hồn xuất phát từ quan niệm của Đạo giáo và lễ Vu Lan có nguồn gốc từ Phật giáo.

Điều ít ai biết, lễ cúng cô hồn có nguồn gốc từ Trung Quốc, về sau mới lan rộng đến những nước khác ở châu Á, tuy nhiên có những điểm khác biệt tùy theo văn hóa của mỗi quốc gia mà cách thể hiện mỗi nơi có khác nhau.
Vào thời cổ đại, việc cúng ‘ngày Rằm tháng bảy’ vốn là lễ cúng tổ tiên của người dân Trung Quốc, có nguồn gốc từ Đạo giáo thời hậu Đông Hán. Quan niệm của đạo này cho rằng tiết Trung Nguyên bắt đầu từ ngày mồng 1 tháng 7 Âm lịch (ngày “mở cửa quỷ môn”) cho đến ngày 30 tháng 7 (ngày “đóng cửa quỷ môn”).

Tục đốt vàng mã trong tháng cúng cô hồn ở Việt Nam

Ảnh: itourvn.com

Đầu tháng này, cửa địa ngục mở ra cho các cô hồn bị chết oan, chết bất đắc kỳ tử hay chết mà không có người thân thờ cúng… sẽ được lên dương thế để thọ hưởng sự cúng tế và nhận đồ thế chấp của người trần gian, cũng như tìm người thế mạng. Người trần gian muốn tránh các cô hồn phá rối hay làm hại tính mạng của mình nên vào ngày rằm tháng 7 họ làm lễ bày các vật phẩm, đồ ăn thức uống và những loại vàng mã, hình nộm để cúng các cô hồn. Trước là cho cô hồn ăn uống, sau là cầu mong cô hồn đừng làm hại mình.
Ở Trung Quốc lễ cúng cô hồn được gọi là Tiết Trung Nguyên, người Việt đọc trại thành Tết Trung Nguyên, tất cả những điều này đều được ghi rõ trong Huyền Đô Đại Hiến kinh (玄都大獻經) của Đạo Giáo. Lễ này thường được tổ chức vào buổi chiều hoặc ban đêm vì người ta tin rằng hồn ma sẽ thoát khỏi địa ngục lúc mặt trời lặn. Các nhà sư và thầy cúng thường ném gạo hoặc những thức ăn nhỏ khác vào không khí theo mọi hướng để phân phát cho các hồn ma.
Ở một số nước Đông Á, trong lễ này thường có các buổi biểu diễn trực tiếp vào ban đêm, bao gồm Kinh kịch Trung Quốc, phim truyền hình, ca nhạc hay những buổi biểu diễn nghệ thuật khác. Tại Singapore và Malaysia, những buổi hòa nhạc trực tiếp đó thường được gọi là Ca đài (歌臺). Mọi người đều được mời tham dự, tuy nhiên hàng ghế đầu tiên luôn trống vì đây là nơi các hồn ma ngồi, ai vô ý ngồi vào có thể gặp xui xẻo chẳng hạn như bị bệnh hoặc thương tật.
Riêng tại Indonesia, lễ hội thường được biết đến với cái tên Cioko hay Sembahyang Rebutan trong tiếng Indonesia, có nghĩa là Lễ cầu nguyện lộn xộn. Cái tên này xuất phát từ việc mọi người tập trung xung quanh các ngôi đền, cúng lễ vật cho các oan hồn rồi đem phân phát cho người nghèo. Cách người dân tranh giành lễ vật gây ra sự lộn xộn chính là nguồn gốc của tên lễ hội vậy.

Trên sân khấu Ca Đài ở Singapore

Ảnh: T.L

Nếu đến Nhật Bản vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch, ta có thể tham dự lễ Chūgen (nghĩa là Trung Nguyên), một lễ hội còn được gọi là Ochūgen (お 中元). Lễ này là một trong ba ngày hình thành sangen (Tam nguyên) của Đạo giáo, đôi khi còn được coi là zassetsu, một thuật ngữ nói về ngày đặc biệt theo mùa trong lịch Nhật Bản. Ngày xưa, đây là sự kiện hàng năm cúng lễ vật cho các linh hồn, ông bà và tổ tiên; còn bây giờ trở thành lễ tặng quà cho cấp trên và người quen của ai đó.
Khi đến nước Lào, ta sẽ gặp lễ cúng cô hồn, một lễ hội được gọi là Boun khao padap din. Tuy nhiên lễ này thường diễn ra vào tháng 9 hàng năm và liên tục trong hai tuần. Trong giai đoạn này, người Lào tin rằng quỷ đói được giải thoát khỏi địa ngục, bước vào thế giới của người sống. Một lễ hội khác được gọi là Boun khao salak diễn ra ngay sau khi kết thúc lễ Boun khay padab din, cũng là lễ cúng thức ăn cho oan hồn và ngạ quỷ.

Tranh giấy miêu tả cảnh quỷ đói vào cuối thế kỷ 12

Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Nhật Bản

Ở Thái Lan, một lễ hội hàng năm kéo dài 15 ngày được gọi là Sat Thai (สารทไทย), tổ chức từ tháng 9 đến tháng 10 ở Thái Lan, đặc biệt là ở miền nam Thái Lan. Đây cũng là lễ cúng linh hồn đặc thù của người Thái, Cái tên Sat Thai dùng để phân biệt với Lễ cúng oan hồn của Trung Quốc, được gọi là Sat Chin trong tiếng Thái.
Nhìn chung, theo tín ngưỡng dân gian, trong tháng cô hồn tháng 7 Âm lịch, mọi người cần tránh phẫu thuật, mua xe, tắm biển, chuyển nhà, cưới hỏi, kỵ việc đi chơi hoặc chụp ảnh sau khi trời tối, điều tối quan trọng khác là không được tiết lộ địa chỉ nhà cho các "hồn ma" có thể... tìm đến theo kiểu "có kiêng có lành".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.