Những bảo vật quốc gia mới: Thống gốm lớn ở hành cung An Sinh vương Trần Liễu

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
12/02/2022 06:56 GMT+7

Thống gốm hoa nâu An Sinh được đánh giá là thống gốm hoa nâu lớn nhất thời Lý - Trần.

Bảo vật từ cuộc khai quật hành cung

Trong cuộc khai quật quy mô lớn năm 2017 - 2018 ở đền An Sinh, xã An Sinh, TX.Đông Triều, Quảng Ninh, các nhà khảo cổ đã phát hiện bảo vật quốc gia thống gốm hoa nâu An Sinh. Thống được tìm thấy cùng di tích kiến trúc thời Trần ở hành cung của An Sinh vương Trần Liễu (cha của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn). Trên hiện trường, thống được phát hiện trong một sân lát gạch vuông, diện tích khoảng 28 m². Hai bên đông tây của thống có 2 bồn cây hình chữ nhật xếp bằng gạch và đá cuội. Có thể 2 bồn cây này vừa có chức năng trang trí, vừa có chức năng cố định vị trí của thống gốm.

Dựa vào bối cảnh khảo cổ này, cộng thêm các yếu tố như hình dáng, chất liệu, dòng men, kỹ thuật sản xuất và nung đốt cũng như các họa tiết hoa văn trang trí, so sánh với hệ thống di vật thời Trần, thống được xác định có niên đại thời Trần, thế kỷ 13.

Thống gốm hoa nâu An Sinh

Cục Di sản văn hóa

Hiện tại, thống được trưng bày trong hệ thống trưng bày cố định thuộc không gian văn hóa lịch sử thời Trần của Bảo tàng Quảng Ninh. Thống cao 73 cm, đường kính miệng 108 cm, đường kính đáy 69 cm, thân dày trung bình 2,3 cm. Trọng lượng 126 kg. Thống gốm hoa nâu An Sinh được làm từ đất sét trắng; tráng men trắng xanh và tô men nâu; nung ở nhiệt độ cao; còn bền chắc với đường nét hoa văn hoàn mỹ và chất lượng bảo quản tốt. Theo Bảo tàng Quảng Ninh, thống gốm hoa nâu An Sinh có kích thước lớn nhất trong hệ thống đồ gốm gia dụng và đồ gốm nghi lễ của nước ta, được tạo khắc hoa văn, tráng men và nung đốt hoàn toàn không có tỳ vết.

Theo hồ sơ bảo vật, các đồ gốm thời Trần thường có kích thước nhỏ hoặc trung bình, dưới 50 cm. Do đó, để nung được thống gốm có đường kính hơn

1 m và cao 73 cm là một thách thức lớn cho thợ gốm. “Sự tồn tại đến ngày nay trải qua bao sóng gió của lịch sử và tự nhiên, đã chứng tỏ giá trị đặc biệt về phương diện kỹ thuật sản xuất và nung đốt của thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần”, hồ sơ viết.

Các nhà nghiên cứu đánh giá thời Lý - Trần là thời đại đã tạo dựng nên nền tảng căn bản của văn minh Đại Việt. Đây là thời kỳ đất nước ta và nhân dân ta bước vào một giai đoạn phát triển ổn định, phồn thịnh và đạt nhiều thành tựu trên các phương diện kinh tế - văn hóa - xã hội. Đồ gốm hoa nâu là một trong những sáng tạo quan trọng của thời kỳ Lý - Trần thế kỷ 11 - 14. Gốm hoa nâu thậm chí còn được đánh giá là sản phẩm đặc sắc khiến cho gốm VN thời Lý - Trần khác gốm thời Tống - Nguyên ở Trung Quốc.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, gốm hoa nâu thời Lý - Trần vừa nhiều vừa đa dạng. Tuy nhiên, các cuộc chiến tranh xâm lược của các triều đại Trung Quốc từ phía Bắc và vương quốc Chămpa ở phương Nam sau đó đã khiến chúng bị hủy hoại. Chính vì thế, hồ sơ bảo vật quốc gia cho rằng sự tồn tại của hiện vật thống gốm hoa nâu đền An Sinh là “may mắn lịch sử trong bối cảnh rừng đao biển lửa hồi đầu thế kỷ 15”.

Hoa văn đặc trưng, nghi thức cung đình

Hoa văn là một trong những đặc trưng giúp nhận diện giá trị và chức năng của thống gốm hoa nâu An Sinh. Thống có 6 băng hoa văn ngang.

Băng hoa văn trên cùng khắc các dây hoa lá dài nằm ngang. Mỗi hoa dây lá đều có bố cục nhụy ở giữa mọc ra bốn lá nhỏ hướng về bốn góc tạo hình giống hoa chanh. Hoa văn dây lá dạng này thường thấy trên đồ gốm hoa nâu thời Lý - Trần.

Băng hoa văn thứ hai khắc các vân mây có đuôi dài nằm ngang, bay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Thủ pháp vẽ vân mây có nhiều điểm tương đồng như đuôi phượng, bờm rồng trong nghệ thuật đất nung thời Trần. Ở một góc nhìn khác, hình vân mây có thể gợi nên hình của một tiên nữ đang bay.

Băng hoa văn thứ ba khắc 8 con rồng bay lên, vừa bay vừa nhả ngọc phun châu. Mỗi hình rồng đều có tư thế vận động chân, thân, đầu khác nhau đôi chút. Miệng rồng mở to hết cỡ trong tư thế nhả ngọc, ngọc đã ra khỏi miệng.

Băng hoa văn thứ tư khắc dây hoa hình sin với 12 bông hoa. Trong đó, có 1 bông nở mãn khai. Cách thức thể hiện hoa sen theo thủ pháp này thường thấy xuất hiện trên đồ gốm hoa nâu thời Lý - Trần, trên các loại hình thạp, liễn, chậu, bát…

Băng hoa văn thứ năm khắc 12 con chim trong tư thế vận động đi ngược chiều kim đồng hồ, tô hoa nâu. Những con chim này cùng loài, được mô tả đang ngậm cành hoa dây hiến dâng trong một nghi lễ nào đó. Trên đồ gốm hoa nâu thời Lý - Trần, hình chim với các biểu hiện tương tự như trên thống gốm hoa nâu An Sinh thường được thể hiện trên thạp, liễn…

Băng hoa văn thứ sáu khắc 39 hình hoa bốn cánh (hoa chanh) thể hiện theo các đường chéo của hình vuông.

Trong số các hoa văn này, hình 8 con rồng cho thấy thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần ở Bảo tàng Quảng Ninh là đồ dùng của tầng lớp quyền quý tộc Trần, hoặc là đồ lễ khí (tế khí) trong các hoạt động nghi lễ của đời sống cung đình hoặc đời sống tôn giáo.

“Đặc biệt, dựa vào bối cảnh khảo cổ phát hiện thống, trong khoảng sân lát gạch gần kiến trúc trung tâm ở hành cung của An Sinh vương Trần Liễu, thống này có thể được dùng trong đời sống hằng ngày hoặc nghi thức cung đình của gia đình Trần Liễu”, hồ sơ bảo vật viết. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.