Những bảo vật quốc gia mới: Cây hương đá chùa Tứ Kỳ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
14/02/2022 06:12 GMT+7

Cây hương đá chùa Tứ Kỳ cho thấy phần nào quy định về ruộng đất thời Lê trung hưng.

Văn bản đất đai trên đá

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, cây hương đá chùa Tứ Kỳ được phát hiện năm 1959 rồi đưa về Bảo tàng Lịch sử VN (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Khi đó, cây hương nằm trên một gò đất nhỏ, xung quanh chỉ còn vài vỉa gạch đổ.

Chùa Tứ Kỳ (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) vốn là chùa của làng Tứ Kỳ. Dựa vào bia đá có niên hiệu Chính Hòa 11 (1689) và quả chuông đồng niên hiệu Thiệu Trị 1 (1841) hiện còn lưu tại chùa, có thể xác định chùa được dựng trước năm 1689, trùng tu lớn vào thời Nguyễn. Chùa được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1995.

Cây hương đá chùa Tứ Kỳ cao 270 cm, rộng 87 cm. “Đây là cây hương được tạo tác vào thời Lê trung hưng có kích thước lớn nhất hiện biết. Hầu hết các cây hương được phát hiện đều có kích thước cao dưới 200 cm, rộng dưới 50 cm”, hồ sơ bảo vật cho biết.

Cây hương đá chùa Tứ Kỳ

Tư liệu Cục Di sản văn hóa

Cũng theo hồ sơ, cây hương chùa Tứ Kỳ có nghệ thuật điêu khắc, tạo hình, đề tài trang trí phong phú, sinh động, có ý nghĩa biểu tượng và minh văn được khắc trên cả 8 mặt.

Phần đỉnh cây hương gồm 2 phần: phần đế và phần bát hương. Phần đế hình bát giác, phía dưới chạm băng cánh sen, phía trên chia tám cạnh chạm hoa cúc, sen. Phần bát hương hình tròn đặc, gờ miệng thẳng, cao, loe rộng trang trí băng cánh sen; trên mặt có 5 lỗ. Thân phình được tạo bởi đôi rồng quấn thân vào nhau chầu mặt trời (dạng mây hoa đao lửa cách điệu).

Phần thân là cột trụ đá cao 150 cm, gồm 8 mặt. Mỗi mặt cạnh đều thống nhất cách trang trí: phần giữa là minh văn; phía dưới trang trí đề tài rồng, rồng đuôi cá trên sóng nước, xen kẽ là hình hạc và hình đôi hổ vờn mây lửa. Ở phía trên 8 mặt cạnh là 8 hình chim phượng xen lẫn trong mây trên cụm mây hoa đao lửa cách điệu với 8 tư thế bay, đậu khác nhau.

Bài minh văn cho biết lý do và tên người cho dựng cây hương. Đó là một vị quan đương triều tên là Đỗ Lịch, vì tôn vua kính trời và để lại công đức về sau nên đã dựng “thạch đài” để truyền đến muôn đời. Chữ “thạch đài” này, theo bản dịch của Đào Từ Khải đăng trên tạp chí Khảo cổ học 1980, là cây cột đá chứ không phải là cây hương.

Thời điểm dựng thạch đài được ghi là năm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Trị, đời vua Lê Huyền Tông, thời Lê trung hưng (1666). Bài minh văn cũng cho biết lượng ruộng đất được cung tiến để hàng năm lo việc cúng tế, giỗ chạp… Theo minh văn: “Sau này nếu như trong làng ta bất cứ ai không tốt, tự ý bỏ việc thờ cúng, tranh đoạt ruộng đất hoặc đem sung công số ruộng này thì xin nguyện trời đất quỷ thần soi xét tru diệt không tha”.

Phần bệ cây hương trang trí vân mây tạo hình chân quỳ, bên trên trang trí băng cánh sen và đường gờ nổi khối. Các ô trang trí trên bệ có các hình khác nhau như: long mã vờn mây, hoa cúc, hoa sen cách điệu, hoa đao lửa cách điệu. Tổng thể tạo thành bệ sen.

Vũ trụ phật giáo

Theo hồ sơ bảo vật, cây hương chùa Tứ Kỳ có những nét khác biệt so với các cây hương cùng thời. Hầu hết các cây hương thời Lê trung hưng đều có bệ vuông, phần cột trụ vuông 4 cạnh, rất ít trường hợp có 6 cạnh. Chưa có cây hương nào có 8 cạnh như cây hương này.

Trang trí của cây hương cũng có nhiều khác biệt. Ví dụ, trang trí hình rồng đuôi cá vốn không hiếm thời Lê trung hưng, nhưng ở đây đuôi cá được tạo xoắn thắt lại rồi xòe ra như đài hoa. Các hình chim phượng được tạo tác với các tư thế bay đậu khác nhau. Các linh vật khác như long, lân mã và hoa lá thiêng cũng được thể hiện xen kẽ hoặc đối xứng. Trong khi đó, hầu hết các cây hương cùng thời chủ yếu để trơn hoặc trang trí đơn giản với diềm là những dải hoa dây, hình gấp khúc hoặc đường gờ nổi; phần bát hương trang trí băng cánh sen.

Hồ sơ bảo vật nhấn mạnh giá trị sử liệu của cây hương chùa Tứ Kỳ. Theo đó, nó có giá trị nghiên cứu chế độ ruộng đất thời Hậu Lê, thế kỷ 17. Cụ thể, đó là việc công đức ruộng đất vào chùa, lấy làm hương hỏa cho chùa (ruộng hậu) được kế thừa, phát huy. Thời kỳ này, có ruộng công điền của làng xã và ruộng tư của các hộ nông dân. Ruộng công được chia đều cho các hộ nông dân canh tác, thu hoạch riêng và một phần hoa màu được giữ để phục vụ công việc chung của làng. Nội dung minh văn trên cây hương chùa Tứ Kỳ cho thấy, thời Hậu Lê, đây thuộc loại ruộng chung và chỉ sử dụng vào những việc cúng tế, giỗ chạp của làng.

Cây hương này cũng được đánh giá cao về giá trị lịch sử văn hóa khi thể hiện sự phát triển Phật giáo và đời sống tôn giáo, tín ngưỡng thời Lê trung hưng. Từ thời Mạc, Phật giáo được khôi phục, phát triển đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân. “Các ngôi chùa được tu sửa, tôn tạo, phục hồi và xây dựng khá phổ biến, đặc biệt là những chùa làng được người dân hưng công xây dựng. Qua việc dựng cây hương và nội dung, ý nghĩa dựng cây hương đã cho thấy, việc dựng cây hương này là vô cùng quan trọng, linh thiêng và được tất cả dân làng coi trọng, tôn vinh nên cây hương được lựa chọn đề tài trang trí kỹ lưỡng và tập trung/chú trọng tạo tác rất công phu”, hồ sơ bảo vật cho biết. Hồ sơ cũng đánh giá, cây hương thể hiện triết lý Phật giáo qua tạo hình.

Với ý nghĩa như vậy, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã làm một bản sao bằng chất liệu đồng và trưng bày tại phòng trưng bày “Mỹ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ 17”, thuộc hệ thống trưng bày thường trực tại số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.