Những 'bảo tàng' độc đáo: Đãi gỗ tìm vàng

Tại nơi có đến 5 kỷ lục quốc gia như Không gian nhà VN, hành trình sưu tầm hiện vật cho các bộ sưu tập làng nghề được khởi sự 15 năm trước với rất nhiều yếu tố may rủi.

Tại nơi có đến 5 kỷ lục quốc gia như Không gian nhà VN, hành trình sưu tầm hiện vật cho các bộ sưu tập làng nghề được khởi sự 15 năm trước với rất nhiều yếu tố may rủi.

Ông chủ Vinahouse bên chiếc bàn kinh quý hiếm - Ảnh: H.X.HÔng chủ Vinahouse bên chiếc bàn kinh quý hiếm - Ảnh: H.X.H
Tháng 5.2013, ông chủ trẻ Lê Văn Vĩnh (35 tuổi) dẫn tôi ngang qua ngôi nhà 108 cột dựng bên trong Không gian nhà VN (Vinahouse) ở Quảng Nam. Lúc đó, nơi đây đang như một công trường lớn để kịp ghép hàng triệu mảnh gáo dừa lên ngôi nhà lá hình nón. Tôi thoáng thấy có đống gỗ mục bỏ ngổn ngang bên trong ngôi nhà cổ, nhưng chừng một tháng sau quay lại, đống gỗ ấy đã hóa thân vào các bộ sưu tập.
Gỗ quý suýt bị đun bếp !
Lần này trở lại, ông chủ Vinahouse đưa tôi dạo xem trường lang dài gần 64 m, nơi trưng bày 213 bộ cấu kiện gỗ. Biểu tượng chùa Một Cột ở phía bắc được dựng từ bộ trỏng quả (cấu kiện gỗ ở 2 đầu hồi nhà cổ, để đỡ kèo nóc) lớn nhất của làng mộc danh tiếng Văn Hà xứ Quảng. Tận phương nam, các cấu kiện gỗ sưu tầm ở miền Đông Nam bộ cách điệu hình rồng và bài trí theo chủ đề “cửu long tranh châu”. Còn quãng giữa, bộ tủ khảm xà cừ của làng nghề Mỹ Xuyên cùng các cấu kiện gỗ uốn lượn hình sóng gợi ý về 2 địa danh máu thịt: Hoàng Sa - Trường Sa.
Lê Văn Vĩnh chạm tay vào những mảnh gỗ cũ kỹ, khen cái này chạm theo chủ đề trúc hóa long, bộ kia là cúc hóa long, tuyệt lắm! Các hiện vật “tuyệt lắm” ấy được anh mang về hồi năm 2003 từ một nơi xa lắc: TT.Kẻ Sặt ở H.Bình Giang (Hải Dương). Người dân tháo các thanh gỗ lim, mang ra xưởng cưa gọt phần ngoài, chỉ giữ lại lõi để làm nội thất. Phần vứt bỏ ấy, họ cất trong kho, run rủi sao Vĩnh dò tìm được. “Nếu chậm chân một tí, họ đã cho chúng vào bếp làm củi đun mất rồi!”, Vĩnh nhớ lại.
Các chuyên gia đã mất 2 tháng ròng mới hoàn tất hồ sơ 11.000 hiện vật mà Không gian nhà VN đăng ký, để chính thức được công nhận Bảo tàng Kiến trúc nhà cổ VN tại TX.Điện Bàn. Những hiện vật ấy tinh tuyển từ hàng chục nghìn cấu kiện mà Vĩnh sưu tầm ngót 15 năm qua. Để rồi chúng hoặc được gắn lên tường của dãy trường lang, hoặc trưng bày trang trọng bên trong các tủ kính để giới thiệu tinh hoa làng nghề Kim Bồng, Văn Hà, Mỹ Xuyên, Thạch Thất, La Xuyên, Đại An, chợ Thủ... trên khắp VN.
Bộ cuốn thư tìm thấy từ... chuồng bò
Dường như Lê Văn Vĩnh ưu ái hơn đối với làng mộc Kim Bồng, khi bộ sưu tập làng nghề này được anh bài trí bên trong ngôi nhà tam gian tứ hạ hơn 200 năm tuổi. Trong không gian sang trọng đó, bộ cuốn thư chạm lộng theo chủ đề “lân long quy phụng hóa mai lan cúc trúc” còn nguyên vẹn được Vĩnh tìm thấy từ... chuồng bò của một hộ dân ở xã Duy Châu, H.Duy Xuyên. Dù thất lạc bộ long, song những gì Vĩnh đang sở hữu (lân, quy, phụng) cực kỳ giá trị vì chưa từng phát hiện ở nơi nào khác. Anh nhớ mình đã phải kỳ cọ rất lâu mới gỡ hết những vết phân bò bám trên thớ gỗ, và cảm thấy may mắn khi chủ cũ không nỡ quẳng chúng đi.
Ở gian chính giữa, nếu chủ nhân bảo tàng không “khoe” thì cũng chả ai nghĩ cái bàn kinh sậm màu kia lại quý hiếm đến vậy. Bàn kinh vốn quen thuộc ở không gian nhà rường, nhưng chiếc mà Vĩnh nâng niu như báu vật thì hoàn toàn khác: người xưa sử dụng kỹ thuật mộng đuôi cá khi chế tác, có thể tháo rời các bộ phận nếu muốn di chuyển. Lắp ráp xong, nhiều người kinh ngạc trước kỹ năng chạm trổ hình ngũ phúc (5 con dơi).
Vào một ngày đẹp trời hồi năm 2004, có người đàn ông từ xã Đại Đồng (H.Đại Lộc) tháo rời chiếc bàn rồi nhét vào bao tải chở xuống Hội An định gạ bán cho tiệm đồ cổ nào đó. Run rủi sao, ông ấy tạt qua công ty gỗ mỹ nghệ của Vĩnh, và anh không ngần ngại bỏ ra 30 triệu đồng để mua. Thời điểm đó, một bộ salon gỗ cao cấp đắt lắm cũng dừng ở mức giá 15 triệu đồng. “Tôi đi nhiều nơi, thấy nhiều bàn kinh nhưng mẫu bàn kinh tháo rời như thế này chỉ có một. Nhiều lúc tôi đâm ra nghi ngờ vì vùng Đại Đồng không để lại dấu vết gì về nhà cổ. Sau này, lùng sục quanh làng và bắt gặp những viên đá tán dùng để kê chân cột gỗ, tôi mới tin nơi đây từng hiện diện nhà rường. Chiến tranh đã hủy hoại tất cả”, Vĩnh nói.
Chiếc bàn kinh lưu lạc kia suýt bị mang ra nước ngoài, nếu như ông chủ Vinahouse không quyết giữ lấy. Anh từ chối mức giá mà hai du khách Đài Loan gạ gẫm, 170 triệu đồng, chỉ để được sở hữu chiếc bàn “cổ lổ sĩ”. Thương vụ bất thành ấy xảy ra hồi năm 2006.
5 kỷ lục quốc gia của Không gian nhà VN
Những cấu kiện gỗ sưu tầm trong nhiều hoàn cảnh khác nhau đã góp phần làm nên một Bảo tàng Kiến trúc nhà cổ VN, được VietKings công nhận là bảo tàng kiến trúc lớn nhất nước với 18 nếp nhà cổ Việt, 15 công trình kiến trúc phục dựng, 12.259 hiện vật. Bốn kỷ lục quốc gia còn lại: ngôi nhà sinh thái lợp bằng gáo dừa lớn nhất (sử dụng 2,4 triệu mảnh gáo dừa); nhà tranh tre thuần Việt cổ niên đại trên 102 năm tuổi; nhà tam gian tứ hạ nhiều cột nhất (108 cột); hồ khảm sành sử dụng hơn 5.000 chiếc đĩa cổ thời Nguyễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.