Những bài học phát triển của Trung Quốc

22/08/2006 00:59 GMT+7

Theo tính toán của Tổng cục thống kê Trung Quốc, Trung Quốc đã vượt qua Anh, Pháp để trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ tư thế giới về quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ đứng sau Mỹ, Nhật Bản và Đức.

Trung Quốc hiện đã là "nông trại" và "công xưởng" của thế giới; theo dự đoán của các chuyên gia, chỉ đến năm 2020 là Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản và đến năm 2040 sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nước có quy mô GDP lớn nhất thế giới. Trung Quốc đang giữ kỷ lục thế giới về số năm tăng trưởng liên tục (27 năm) và về tốc độ tăng trưởng cao (cứ khoảng 8 năm là GDP tăng gấp đôi). Trung Quốc là nước có tỷ lệ tích lũy so với GDP cao nhất thế giới và liên tục tăng lên (từ năm 2002 đã vượt qua mốc 40%, trong đó từ năm 2004 đã đạt 45%). Trung Quốc là nước có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Đức, Mỹ và trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Trung Quốc luôn luôn ở vị thế xuất siêu ngày một lớn. Thị phần xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc vừa lớn, vừa rộng khắp không chỉ ở khu vực có mật độ cao về nhân công không có tay nghề mà ngay cả ở khu vực có cường độ công nghệ lớn (chiếm 15% hàng nhập khẩu của Mỹ, 13% của châu u). Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã đạt trên 900 tỉ USD, vượt qua Nhật Bản lên đứng đầu thế giới.

Từ sự tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc có thể rút ra nhiều bài học cho Việt Nam.

Thứ nhất, trong điều kiện xuất phát từ một điểm rất thấp, đất nước muốn chống được tụt hậu xa hơn, sớm thoát khỏi nước kém phát triển và cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì phải tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và liên tục trong thời gian dài. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mặc dù đã đạt liên tục trong 25 năm, tốc độ tăng trưởng đã tương đối khá, một số năm đã đạt 8-9%, nhưng vẫn còn thấp hơn Trung Quốc. Không phải không có lý giải khi có nhiều người đề nghị mục tiêu tăng hai chữ số.

Thứ hai, để tăng cao và liên tục, Trung Quốc đã có tỷ lệ tích lũy rất cao, trong khi của Việt Nam dù đã tăng lên nhưng cũng mới đạt 35%, còn thấp xa Trung Quốc. Muốn tăng tích lũy thì phải tiết kiệm tiêu dùng. Đành rằng, trong kinh tế thị trường, tiêu dùng cũng là động lực của tăng trưởng, nhưng tiêu dùng của một bộ phận dân cư đã vượt xa cả số làm ra thì nền kinh tế nào cũng không thể chấp nhận được. Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng cao, có dự trữ ngoại tệ lớn, nhưng có tỷ lệ tiêu dùng so với GDP mới đạt 54,1%, thấp nhất thế giới, nhờ vậy mà hàng hóa của Trung Quốc tràn ngập thế giới; trong khi tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam lên trên 70%. Đáng lưu ý, tốc độ tăng tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước cao hơn tốc độ tăng của năng suất lao động.

Thứ ba, tăng lượng vốn là quan trọng, nhưng nâng cao hiệu quả đầu tư còn quan trọng hơn nhiều. Lượng vốn đầu tư của Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, nhưng hệ số ICOR (suất đầu tư trên một đơn vị tăng trưởng) của Việt Nam tăng nhanh, từ 3,4 lần năm 1995, trong 5 năm qua đã tăng lên khoảng 5 lần (nghĩa là có 1 đồng GDP tăng thêm, cần có thêm 5 đồng vốn đầu tư), cao gần gấp rưỡi của Trung Quốc. Hệ số ICOR của Việt Nam cao chủ yếu do tình trạng lãng phí, thất thoát và đục khoét vốn đầu tư còn rất lớn. Tình trạng tham nhũng ở Trung Quốc diễn ra phổ biến và nghiêm trọng, nhưng việc trừng trị tham nhũng tại đây cũng rất nghiêm. Mỗi năm có hàng nghìn quan chức bị tử hình, trong đó có những người giữ chức vụ rất cao.

Để giảm độ nóng của tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đang điều chỉnh lại việc đầu tư, nhưng chủ yếu là giảm đầu tư vào các ngành phát triển quá nóng như sắt thép, nhôm, xi măng, năng lượng, giáo dục, giao thông,...

Thứ tư, theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế trên thế giới, những nước đang trong quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình từ sự phát triển của Trung Quốc. Tính chất của tăng trưởng (phát sinh không phải từ đổi mới công nghệ trong sản xuất mà từ gia công là chủ yếu, khiến phụ thuộc nhiều vào sự đặt hàng từ bên ngoài); sức cạnh tranh còn thấp do năng suất sản xuất còn yếu kém; thị phần trong xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khá lớn (59%). Có một vấn đề quan trọng khác là sự phân bố và thụ hưởng kết quả của tăng trưởng giữa khu vực  thành thị và nông thôn, giữa các vùng còn có chênh lệch lớn, mà Trung Quốc cũng đang phải rút ra và có sự điều chỉnh, nhưng không dễ dàng.

Thứ năm, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Trung Quốc luôn luôn ở vị thế xuất siêu; mức xuất siêu ngày một lớn và thuộc loại nhất nhì thế giới. Việt Nam luôn ở vị thế nhập siêu, tăng liên tục từ năm 2000 đến 2004 với mức đỉnh điểm gần 5,5 tỉ USD; năm 2005 tuy đã giảm xuống nhưng vẫn còn trên 4,5 tỉ USD.

Thứ sáu, mặc dù giá thế giới cao nhưng lạm phát ở Trung Quốc thuộc loại thấp (bình quân năm trong thời kỳ 2001 - 2005 chỉ vào khoảng 1,3%) nhờ cung hàng hóa lớn hơn cầu, sức mua của dân cư, đặc biệt là nông dân và vùng sâu trong nội địa còn thấp. Tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc với USD gần như cố định; gần đây, đồng nhân dân tệ có tăng giá hơn chút ít mặc dù Mỹ liên tục đòi Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ mạnh hơn nhiều.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.