Như ngọn gió heo may

16/02/2021 16:24 GMT+7

Nhìn cuộc sống đi qua trong hối hả, có ai còn hát khúc ca xưa. “Gió heo may lại về. Chiều tím loang vỉa hè. Và gió hôn tóc thề…”.

Cơn gió dịu dàng

Đến một ngày chớm thu, khi trời đất bỗng dịu dàng đến lạ, những cơn gió sớm mai bỗng nhiên vô tình se sắt, mang hơi lạnh từ phương Bắc thổi về, dù nắng hạ vẫn còn chưa dứt hẳn chói chang nhưng bầu trời bỗng như được đẩy lên cao hơn, xanh hơn, trong hơn, lá vàng bắt đầu rụng đầy vỉa hè trong khoảnh khắc giao mùa.
Ấy là khi heo may về trên phố.
Chạm cái không khí hanh hao, lòng người nhìn lá vàng chạy reo đùa trên mặt phố mà thấy man mác rưng rưng, như đâu đó vọng về khúc nhạc của một thời tuổi trẻ, ngập tràn sức sống và chan chứa tình yêu. Nhìn cuộc sống đi qua trong hối hả, có ai còn hát khúc ca xưa. “Gió heo may lại về. Chiều tím loang vỉa hè. Và gió hôn tóc thề…”.
Giống như Đà Lạt cao nguyên có đặc sản là lạnh, sương mù và đồi dốc. Hà Nội cũng có cho mình những ngọn gió heo may để người đi người ở đều thấy vấn vương nếu đã một lần trải nghiệm. Heo may mơ hồ và lãng đãng, nhẹ nhõm như đám bào tử hoa sữa bay bay trên hồ Thiền Quang, chợt đến chợt đi nào có báo trước ai bao giờ.

Nhớ quê

Chẳng thế mà đám trung niên già sống ở Sài Gòn cứ hay phải gọi điện cho bạn Hà Nội chỉ để hỏi "khi nào có heo may nhớ nhắn" để còn bay ra mà hít hà cái mùi nồng nàn phố cổ, nhìn đám lá sấu vàng ươm lăn lóc trong vàng nhạt nắng chiều, ngồi góc nào đó mà gọi ly cà phê trứng, mắt hấp háy theo nhịp thở phố phường, nhìn những tà áo dài thanh tân lướt qua trong tịch dương cổ kính mà thấy lệ trào ra, nhòe đôi mắt khô vì đã quá nửa đời phiêu bạt.
Đó là lúc lòng thấy sâu nhất, lắng nhất, đằm nhất, trong nỗi nhớ quê hương. Nhất là những người được may mắn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, họ thường nhớ quê hương ngay khi ở quê hương.

Mùa thu là mùa Hà Nội đẹp nhất trong năm

Ảnh Lưu Quang Phổ

Lúc đó, lòng dường như mâu thuẫn, vừa chỉ muốn hét lên thật to để thỏa những tháng ngày xa cách, vừa thì lại muốn giữ im lặng để tự chìm vào nỗi nhớ thương chứa đựng bao hoài niệm. Và với phong cách đầy lịch lãm, đầy tế nhị, giống như Trịnh Công Sơn, họ đổ thừa sự yếu đuối mau nước mắt của mình cho ngọn gió heo may.
Khi mặt trời xuống đỏ mặt hồ Tây, trong bóng chiều bảng lảng ấy, heo may như cậu bé xưa được rời xa sách vở, chạy tung tăng khắp ngõ ngách phố phường Hà Nội, hết đùa trên tán lá sấu, lá xà cừ để rắc vàng mặt đất, lại tinh nghịch lùa vào tóc thề và vạt áo nữ sinh, vương lên đó những đám bào tử hoa sữa mềm như sương khói.
Bàn tay nào thủa còn vụng dại, rẽ tóc nhặt ra rồi vấn vương mùi hương trinh nữ, váng vất đến cả đời không thể quên. Heo may là nhân chứng của biết bao tình non thơ mộng thủa ban đầu. Đi qua heo may, có ai cười, ai khóc, heo may đều biết cả. Nên mỗi độ thu sang, heo may lại về để an ủi lòng người.

Tuổi heo may

Tuổi trung niên đời người so với bốn mùa là độ chớm thu, đã đi qua mùa xuân tuổi trẻ, đã cháy hết mình đỏ như phượng vĩ trong mùa hè rực rỡ, để rồi vào mùa thu, cần lắm sự lắng đọng suy tư để ổn định tâm thế, lần hồi bước về mùa đông rét buốt của tuổi già.
Tụi bạn hay đùa chúng ta đang ở tuổi heo may, không còn trẻ nhưng cũng chưa già, ở khoảng giao thời giống như ngọn gió lúc giao mùa, vừa hoang dại tung tăng nhưng cũng có cả sắt se thâm trầm ngay ngắn. So với các loại gió khác, heo may như một gã lãng tử chung tình, yêu cuộc đời theo cách riêng và để lại cho nhân gian nhiều dấu ấn. Vì thế, hãy vui sống nhé, các bạn tôi, vì tuổi heo may cũng như ngọn gió heo may, chợt đến, chợt đi không khi nào báo trước.
Nhưng khác với heo may, đi đến theo mùa, vận động luân hồi bất diệt theo trời đất. Đời người thì hữu hạn, chỉ sống có một lần, và chỉ có một tuổi heo may duy nhất, một đi không trở lại bao giờ. Nên hãy yêu lấy những năm tháng này như ta đã từng yêu những ngọn gió heo may.
Đêm xuống, hồ Gươm phẳng lặng in bóng tháp Rùa, chỉ có heo may vẫn xào xạc, cái lạnh chừng như sâu thêm, khiến kẻ bộ hành phải kéo khóa áo lên và dựng cao cổ áo. Lắng đâu đây trong tiếng chim đêm khắc khoải, mùi hương nào vẫn thoảng về trong hoài niệm, hoang hoải buồn giọng hát của Khánh Ly. “Ngoài kia không còn nắng mềm. Ngoài kia ai còn nhớ tên...”.
Tự nhủ lòng, hãy sống đời này như ngọn gió heo may.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.