Nhóm bạn trẻ tình nguyện 'đỡ đẻ' cho rùa biển

29/07/2023 14:11 GMT+7

Một nhóm bạn trẻ đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau cùng tình nguyện tham gia bảo tồn rùa biển. Khoảnh khắc nhìn hàng trăm, hàng ngàn rùa con sau khi ấp nở thành công được trở về với đại dương là niềm hạnh phúc vô bờ của các tình nguyện viên.

‏13 tình nguyện viên (TNV) đều là những người trẻ tham gia hoạt động bảo tồn rùa biển do Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế thực hiện. 

Hành trình tham gia bảo tồn rùa biển của nhóm bạn trẻ  - Ảnh 1.

Nhóm bạn trẻ tham gia bảo tồn rùa biển tại Hòn Bảy Cạnh

NGUYÊN PHÁT

Những đêm không ngủ để... đỡ đẻ cho rùa

‏Theo anh Nguyễn Thanh Quyền, nhân viên Phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, cho biết ở Trạm kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh, mỗi tối có khoảng 8-10 rùa mẹ lên bãi đẻ. Rùa mẹ dùng 2 chân đào lỗ và đẻ trứng vào đó. Một rùa mẹ có thể đẻ từ 60 - 200 quả trứng. Trứng sau khi được TNV thu gom sẽ đưa về hồ ấp trứng nhân tạo. 

Hành trình tham gia bảo tồn rùa biển của nhóm bạn trẻ  - Ảnh 2.

Trạm kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh nhìn từ trên cao, phía trước là bãi rùa đẻ trứng, phía sau là rừng ngập mặn

NGUYÊN PHÁT

‏Trở về sau chuyến hành trình hơn 10 ngày tại Trạm kiểm lâm ‏‏Hòn Bảy Cạnh‏‏, anh Quan Nguyên Phát (34 tuổi), ngụ tại ấp Phong Thuận, xã Tân Mỹ Chánh, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, hào hứng kể về những trải nghiệm thú vị khi "đỡ đẻ" cho rùa biển. 

Hành trình tham gia bảo tồn rùa biển của nhóm bạn trẻ  - Ảnh 3.

Rùa mẹ đang đẻ trứng

NGUYÊN PHÁT

‏Đêm đầu tiên, 13 TNV chia thành 3 nhóm nhỏ thực hiện di dời trứng rùa dưới sự hướng dẫn của cán bộ kiểm lâm. "Nhóm mình mở đèn soi đường đi nhưng anh Kiên, Trạm phó Trạm kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh, bảo hãy tắt đèn để tránh ảnh hưởng đến rùa mẹ. Lúc đầu cả nhóm gần như không thấy gì, nhưng một lát sau khi mắt đã quen dần thì bãi cát hiện ra rõ hơn", anh Phát nhớ lại. 

Hành trình tham gia bảo tồn rùa biển của nhóm bạn trẻ  - Ảnh 4.

TNV đang thu gom trứng rùa

NGUYÊN PHÁT

‏Nhóm được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn cách đào cát gom trứng rùa đưa về hồ ấp, ghi chép ngày đẻ, số lượng trứng, số thứ tự tổ để theo dõi. Có lúc, nhóm chứng kiến 2-3 rùa mẹ cùng bò lên bãi đẻ. Đến hơn 1 giờ sáng, TNV và kiểm lâm mới lấp xong ổ trứng cuối cùng. "Công việc hàng đêm cứ lặp lại như vậy, có khi kéo dài đến tờ mờ sáng, có đêm cả nhóm phải di dời đến 28 ổ trứng", anh Phát nói. 

Hành trình tham gia bảo tồn rùa biển của nhóm bạn trẻ  - Ảnh 5.

Tình nguyện viên thu gom và di dời trứng về hồ ấp

NGUYÊN PHÁT

‏Sau gần 2 tháng trứng sẽ nở, rùa con được đem ra biển thả. Anh Quyền cho biết phải thả rùa con ở những nơi ít sóng, khuất gió, nền cát bằng phẳng và tránh sự nhiễu loạn ánh sáng, tiếng động hay sự ô nhiễm… ‏

‏"Điều quan trọng của quá trình thả là phải tạo cho rùa con ấn tượng ban đầu về bãi đẻ trong điều kiện tự nhiên, rùa con bò một cách tự do trên bãi đến khi chúng nhận ra và bò xuống biển. Điều này cho phép chúng ghi nhận nhiều thông tin về bãi đẻ trong quá trình bò xuống biển để sau này chúng lại trở về làm ổ ở nơi được sinh ra", anh Quyền nói thêm. ‏

Mong muốn truyền cảm hứng bảo tồn rùa biển

‏Trong vòng 10 ngày, nhóm TNV cùng cán bộ kiểm lâm đã ‏‏di dời an toàn 138 ổ, với 13.843 quả trứng, theo dõi 25 ổ trứng nở và thả về biển 1.932 rùa con.

Hành trình tham gia bảo tồn rùa biển của nhóm bạn trẻ  - Ảnh 8.

Rùa con chui lên mặt cát để bắt đầu hành trình về với biển

NGUYÊN PHÁT

‏Mặc dù bị say sóng khi di chuyển bằng tàu biển nhưng Nguyễn Thị Hoàng Diệu (29 tuổi), ngụ tại đường Hoàng Hoa Thám, P.7, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, vẫn quyết tâm tham gia bảo tồn rùa biển tại Hòn Bảy Cạnh. Với Diệu, kỷ niệm khó quên nhất là vào đêm "đỡ đẻ" cho 28 rùa mẹ. Cô kể: "Cả nhóm làm việc liên tục từ 19 giờ 30 đến sáng hôm sau. Hơn 22 giờ, mọi người đã thấm mệt và có phần hơi đói, nhưng ai cũng hăng say làm việc. Mình cảm thấy như đã vượt qua được ngưỡng chịu đựng của bản thân". ‏

‏Sau hơn 10 ngày trải nghiệm tại Hòn Bảy Cạnh, sự thiếu thốn về điện, nước, internet… càng khiến Diệu cảm thấy trân trọng và biết ơn những gì đang có. Diệu bày tỏ: "Chúng ta đang có cuộc sống đủ đầy nên hãy học cách tiết kiệm tài nguyên, có ý thức bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Sau chuyến đi, mình học được cách sống chậm lại, biết cho đi và sẽ cố gắng đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng". 

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ cứu hộ rùa biển, TNV còn hỗ trợ cán bộ kiểm lâm ‏‏cải tạo, gia cố hàng rào ấp trứng rùa, cũng như hướng dẫn, giới thiệu công tác cứu hộ rùa biển và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho khách tham quan. Ngoài ra, TNV còn vệ sinh, thu gom và xử lý rác tại bãi biển; tái chế, sử dụng một số chất liệu từ rác thải làm các bảng tuyên truyền về bảo vệ môi trường và bảo tồn rùa biển… ‏

‏"Mỗi TNV sẽ là một đại sứ, góp phần nhỏ bé vào công tác bảo tồn rùa biển, mong muốn thế hệ tương lai có thể nhìn thấy rùa biển trong tự nhiên chứ không phải chỉ trong sách vở, phim ảnh", anh Phát nói.

Hành trình tham gia bảo tồn rùa biển của nhóm bạn trẻ  - Ảnh 9.

TNV "hộ tống" rùa con về biển

NGUYÊN PHÁT

Anh Nguyễn Thanh Quyền cho biết tại Vườn quốc gia Côn Đảo có 18 bãi đẻ của rùa biển, được quản lý chặt chẽ. Trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có 687 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ trứng với 2.068 ổ trứng được di dời, ấp nở và thả về biển 145.171 rùa con. Tỷ lệ rùa nở và thả về biển đạt 78,53%. Ở Việt Nam, mùa sinh sản của rùa biển kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11, trong đó thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9 có số lượng rùa biển lên bãi đẻ nhiều nhất. ‏

‏Vào tháng 6 hàng năm, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế sẽ tổ chức đăng tuyển TNV tham gia bảo tồn rùa biển, dao động từ 4-6 đợt/năm. "Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đang thiếu nguồn lực để thực hiện công tác bảo tồn rùa biển, chúng tôi mong muốn sự hỗ trợ từ cộng đồng trong công tác bảo tồn rùa biển", anh Quyền chia sẻ.‏

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.