Nhớ về xe đạp

12/07/2015 05:40 GMT+7

Người đời có muôn vàn nỗi nhớ, nhớ tuổi thơ hoặc dòng sông tuổi thơ, nhớ về Hà Nội, nhớ mối tình đầu..., còn tôi nhớ về xe đạp.

Người đời có muôn vàn nỗi nhớ, nhớ tuổi thơ hoặc dòng sông tuổi thơ, nhớ về Hà Nội, nhớ mối tình đầu..., còn tôi nhớ về xe đạp.

Cũng chả nên bảo cái nào sâu sắc, ý nghĩa hơn cái nào, dù xe đạp có vẻ thô thiển, không mướt mát bằng những thứ kia.
Bây giờ, con cái đòi bố mẹ mua xe, chẳng mấy đứa đòi xe đạp, ít nhất cũng phải xe máy, thậm chí xe tay ga đời mới. Xe đạp tầm thường lắm, đâu là cái đinh gì. Nhưng có một thời, nó là niềm ao ước của biết bao người, không dễ gì biến thành hiện thực.
Ở miền Bắc những năm 1960 - 1970, thậm chí cả vài năm sau đó, xe đạp là thứ hiếm hoi. Hồi giữa thập niên 60, làng quê tôi gần 1.500 nhân khẩu mà chỉ có lèo tèo vài chiếc. Mấy chiếc xe cũ mèm từ hồi Pháp, sau có thêm một hai chiếc xe Thống Nhất của cán bộ xã được phân phối, thêm chiếc nữa của chị nhân viên cửa hàng mậu dịch trên huyện.
Nữ nhân viên mậu dịch hồi đó rất uy quyền, có khi còn được kính nể, trọng vọng hơn cả cán bộ huyện. Xe đạp là thứ quý hiếm, nếu có xách ra dạo vài vòng hoặc đi công chuyện thì ngay lập tức sau đó về lau lọt, chùi rửa kỹ lưỡng và... treo lên. Nể lắm, hiểu hoàn cảnh nhau lắm mới cho mượn.
Cũng chả phải keo kiệt bủn xỉn gì nhưng nhỡ nó mòn nó hỏng lấy đâu phụ tùng thay. Bọn trẻ con chúng tôi nhìn người có xe đạp bằng con mắt ngưỡng mộ, với cả người lẫn xe. Cả làng hầu như không biết đi xe đạp bởi xe đâu mà tập, vả lại có tập cũng làm gì có xe mà đi. Thóc nhân khẩu đầu người mỗi vụ chỉ hơn 50 kg, ăn còn chả đủ, dám mơ xe. Mà trăm thứ đều trông vào hột thóc. Vả lại đi bộ quen rồi. Cả chục cây số cũng đi bộ. Tôi học cấp 3, mỗi ngày đi bộ chục cây số là chuyện thường.
Nhân dịp có ông anh họ ở ngoài Phòng (dân quen gọi nội thành Hải Phòng như vậy) về chơi, tôi mượn được chiếc xe đạp ra sân hợp tác tập. Khổ nỗi xe nam gióng ngang, chân thì ngắn, phải luồn qua khung tập lấy đà, vẹo hẳn một bên trông như làm xiếc. Ông anh sợ tôi bị ngã làm xước sơn xe, còn cẩn thẳn trải rơm lên mặt sân gạch, vì thế càng khó chạy. Phải mất mấy lần tập kiểu đó, rõi cũng biết chạy xe. Nhưng vẫn đi bộ, tập sẵn cho biết thôi.
Anh ruột tôi là học sinh giỏi toán nổi tiếng trường huyện nên năm lớp 9 (1968) được huyện xét ưu tiên phân phối chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô, giá hơn 60 đồng, ngang tháng lương kỹ sư. Quý như vàng. Một lần tôi lấy chạy thử, táy máy làm mất chiếc mũ van (miếng nhựa nhỏ xoáy chụp trên đầu van bơm hơi), anh tôi tiếc mãi, buồn mất mấy ngày.
Mà xe thiếu nhi Liên Xô vành chỉ có 500, không kiếm đâu ra săm lốp, chạy mãi cắm gai cắm đinh, chiếc ruột (săm) xe vá chằng vá đụp, còn vỏ (lốp) xe thì cuốn bọc băng bó hơn cả thương binh.
Năm 1969, tốt nghiệp phổ thông, anh tôi đi bộ đội, bàn giao con ngựa sắt lại cho tôi, dặn dò tỉ mỉ cẩn thận lắm, cứ như giao đứa con chứ không phải xe đạp. Chúng tôi trưởng thành, lớn lên được với đời, nhờ bố mẹ, thầy cô thì tất nhiên rồi, nhưng thực lòng, cũng phải cảm ơn “anh cu” thiếu nhi Liên Xô ấy nhiều lắm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.