Nhớ thương gửi đến Sài Gòn

04/02/2020 17:06 GMT+7

Tôi đến Sài Gòn vào một buổi chiều trời mưa tầm tã, hai mẹ con tôi đứng bơ vơ trên sân ga, giữa những dòng người đông đúc, tấp nập.

Tôi đến nhà chị họ con bà dì trên chiếc xích lô của bác già nua lẩm cẩm cùng cảnh ngộ với tôi. Vì hoàn cảnh gia đình, tôi phải ôm con trai út mới lên một tuổi theo ông bà ngoại nương nhờ, chồng tôi mang con trai đầu về Huế nhờ bên nội.
Vợ chồng tôi đành phải chia cắt hơn mấy năm qua, thương nhất là hai con trai tôi, ngày cả nhà được đoàn tụ tại Sài Gòn vào năm 1991, hai anh em gặp nhau mừng rỡ, ôm nhau hôn thắm thiết, nhìn chúng, tôi đã khóc ngất, nghẹn ngào…
Ngày vợ chồng tôi đoàn tụ lại chính là ngày khủng khiếp nhất của cuộc đời tôi, căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp khiến tôi ngã quỵ giữa thành phố phồn hoa muôn màu nhưng ở đó lại đầy tình người, cái khốn khó vì vợ chồng tôi rất nghèo, vợ chồng tôi vốn là giáo viên, nên chữ sĩ luôn đặt lên hàng đầu, nên nghèo hoài.
Nhưng nhờ những người thân quen họ xin giúp cho chồng tôi đi dạy ở trường Cách Mạng Tháng 8, kiếm chút cháo cho 3 mẹ con tôi sống qua ngày, tôi phần ôm 2 con dại, phần lâm bệnh không có tiền để chạy chửa đã khiến tôi suy sụp hoàn toàn, bệnh càng lúc càng nặng dần đã khiến tôi đi lại rất khó khăn.
Tôi vẫn cố gắng gượng ở lại Sài Gòn với những công việc ngoài ý muốn như bán bún bò, bán gạo lẻ ở nhà, bán vé số bên vĩa hè…Nhờ những tấm lòng tình cảm của người Sài Gòn đã cho tôi niềm tin vào cuộc sống, nhờ người bạn gái thân hồi học cấp II, bán bánh mì vỉa hè đã giúp đỡ tôi bán vé số ngồi cạnh.
Có khi trong túi hai vợ chồng không còn một xu dính túi, cả nhà phải ăn cơm chan nước mắm nguyên cả ngày hôm đó, tự nhiên sáng hôm sau thấy trước nhà có gói thịt gói cẩn thận để đó, hai con tôi mừng lắm, chúng dành nhau mang vào nhà trong sung sướng, người Sài Gòn là thế đó, thân thiện, tình cảm dạt dào yêu thương.
Rồi ngày tháng cũng qua đi… Sài Gòn như quê hương thứ hai của tôi, có những buổi chiều tôi lang thang đạp chiếc xe đạp cà tàng trên con đường một chiều Điện Biên Phủ, gần bệnh viện Bình Dân, nhìn những căn biệt thự mà cứ mơ ước về tương lai sẽ được như thế, tôi đã mạnh mẽ sống, vui buồn với Sài Gòn.
Tôi yêu Sài Gòn vì Sài Gòn đã cho tôi nếm trải biết bao cay đắng và muộn phiền của kiếp người đầy bể khổ. Có những hôm trời mưa dầm dề, buồn lắm, nhưng người Sài Gòn vẫn cười, hát hò, nhảy múa đưa tiễn người thân về cõi vĩnh hằng.

“Tình yêu với công việc làm cho cuộc sống của chúng ta nhẹ nhàng hơn”…(Ngạn ngữ Đức)

Ảnh: Thiên Anh

Trời Sài Gòn chợt nắng rồi chợt mưa như con người Sài Gòn vậy, họ sống vô tư, không nghĩ đến ngày mai ra sao thì ra.
Tôi yêu Sài Gòn vì sự đơn giản, con người dung dị, yêu ghét rõ ràng, trên đường phố thỉnh thoảng tôi bắt gặp đứa trẻ dẫn cụ già qua đường trong cung kính, lễ phép. Tôi yêu Sài Gòn với những hàng cây xanh mát, với những con đường thật dễ thương, Sài Gòn trong trái tim tôi, một dấu ấn không bao giờ quên.
Nhớ lắm những chú chim bồ câu trước Nhà thờ Đức Bà thật đẹp và quyến rũ…
Gia đình tôi chỉ ở lại Sài Gòn vỏn vẹn 6 năm với biết bao vui buồn, nghiệt ngã…Để rồi 24 năm nay, chưa được trở lại Sài Gòn trong nhớ thương da diết, diết da…Sài Gòn ơi…
Vào năm 1996, tôi bệnh quá nặng phải nhập Bệnh viện 105 Gò Vấp nằm điều trị hơn cả tháng do căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Các cậu, dì bên ngoại đem tôi về Nha Trang để chăm sóc, tôi xa Sài Gòn từ đó.
Hai con trai tôi về Nha Trang lúc chúng còn nhỏ, nhưng đến năm chúng 18 tuổi thì trở lại Sài Gòn học Đại học và ra trường làm việc ở Sài Gòn hơn 10 năm nay.
Tôi bây giờ đã tàn phế, ngồi xe lăn gần 30 năm qua. Tay chân đều bị biến dạng hoàn toàn do gân rút, cơ teo. Nhưng tôi vẫn làm việc như một người bình thường. Chỉ với một ngón tay cái duy nhất của bàn tay phải dùng để gõ trên bàn phím của Máy tính để bàn để viết bài và làm việc.
Một chút nhớ thương gửi đến Sài Gòn thành phố tôi yêu với nhiều kỷ niệm đáng để nhớ lắm. “Tình yêu với công việc làm cho cuộc sống của chúng ta nhẹ nhàng hơn” (Ngạn ngữ Đức).
Nha Trang chiều thoáng bình yên, nhớ về Sài Gòn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.