Nhớ tết ở Hoàng Sa

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
18/01/2023 06:35 GMT+7

Mỗi dịp tết đến, những nhân chứng Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) lại nhớ về những ngày xuân bi hùng ở quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc trước khi bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm vào ngày 19.1.1974.

Xông đất Hoàng Sa

Cái lạnh tràn về Đà Nẵng những ngày đầu năm dương lịch 2023 càng khiến ông Nguyễn Văn Cúc (71 tuổi, trú P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà) da diết nhớ những ngày này ở quần đảo Hoàng Sa, cách đây đúng nửa thế kỷ. Đó là tháng 1.1973, khi ông ra Hoàng Sa để khảo sát tình hình các bể chứa nước ngọt, tính toán vật liệu để đem ra đảo. Chuyến đi thứ 2 vào tháng 5.1973, như giữa mùa xuân bình yên. Nhưng đến chuyến đi thứ 3 vào tháng 12.1973 để lấy mẫu đất, khảo sát thực địa, ông Cúc cùng nhiều người làm việc tại Hoàng Sa đã bị quân Trung Quốc bắt giữ sau khi nổ súng và cưỡng chiếm quần đảo vào ngày 19.1.1974.

Lãnh đạo UBND H.Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) thăm và tặng quà cho nhân chứng Nguyễn Văn Cúc

HOÀNG SƠN

Thời điểm đó, ông Cúc vừa kết thúc đợt khảo sát trên quần đảo Hoàng Sa, đang chuẩn bị lên tàu về lại đất liền. Sau khi bị Trung Quốc tạm giam ở đảo Hải Nam, ông được trao trả về cho chính quyền Sài Gòn tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Cúc bảo, đó là cái tết không thể nào quên khi chứng kiến cảnh hải quân Trung Quốc hung hãn vây ráp rồi chiếm đảo.

“Cứ mỗi mùa tết đến, lòng tôi lại bồi hồi nhớ lại sự kiện đau thương đó. Ngày 19.1.1974 cũng là ngày cận tết, lẽ ra đã có một cái tết ở đất liền thì tôi bị phía Trung Quốc bắt sau khi xảy ra giao tranh. Nhiều người làm việc tại Hoàng Sa như tôi không còn được trở về. Tết, mà lòng không có tết...”, ông Cúc rưng rưng.

Trong tâm khảm của những nhân chứng Hoàng Sa như ông Cúc, đón tết ở nơi xa xăm giữa trùng khơi luôn là kỷ niệm khó quên. Càng đặc biệt hơn, khi trong số những nhân chứng mà tôi gặp, có người đón giao thừa ngay trên biển Hoàng Sa, như ông Trần Văn Sơn (76 tuổi, trú tại P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà). Và ngày đầu năm mới Tết Nguyên đán năm 1973, ông Sơn trở thành người “xông đất” Hoàng Sa, núm ruột thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhân chứng Lê Đình Rê kể về chuyến ra biển cứu hộ các tàu bị Trung Quốc tấn công trong sự kiện 19.1.1974 ở Hoàng Sa

“Tôi nhận lệnh đi trấn giữ Hoàng Sa vào ngày 20.1.1973. Tàu trực chỉ Hoàng Sa vào 27.1.1973, đúng ngày Hiệp định Paris được ký kết và cũng nhằm ngày 24 Tết Nhâm Tý. Tàu lênh đênh trên biển nhiều ngày liền và đúng khoảnh khắc giao thời, tôi đón giao thừa ngay trên tàu. Sáng mùng 1 tết năm ấy, tàu cập cầu cảng. Tôi đặt chân lên bãi cát vàng mà ứa nước mắt. Khoảnh khắc thiêng liêng ấy, sau này mỗi lần nhớ lại, tôi đều nghĩ chắc sẽ không mấy ai cũng được như mình: xông đất Hoàng Sa”, ông Sơn xúc động.

Bữa cơm tết trên đảo

Ngày đầu tiên đặt chân lên đảo, ông Sơn cùng với những người làm việc tại Hoàng Sa bàn nhau tổ chức đón một cái tết ấm cúng theo đúng truyền thống của người Việt. “Khi lên đường, chúng tôi được cấp 3 con heo. Vì không sát sinh nên ngày mùng 1 tết chúng tôi cúng ra mắt đảo chỉ có xôi chè tại miếu Bà. Theo chuyện kể, miếu Bà thờ Đệ tam phu nhân dưới thời vua Gia Long. Bà ghé đảo trong một cơn binh biến rồi ốm chết. Người ta đã lập nên ngôi miếu để cầu an. Trên đảo, thời đó còn có một giếng mang tên giếng Gia Long và một nhà thờ Công giáo xây từ thời Pháp thuộc”, ông Sơn nhớ lại.

Hồi đó, dù chỉ mới 25 tuổi nhưng ông Sơn được xem là người lớn tuổi nhất trong số 42 người sinh sống trên đảo. “Đến ngày mùng 2 tết, anh em làm thịt con heo lớn nhất, lấy đầu và bộ lòng để cúng tế. Hồi đó, tôi “già” nhất nên được giao ra cúng đầu năm. Nghĩ sao cúng vậy, trước cúng thần, sau cúng thổ công Hoàng Sa, nguyện cầu giúp đỡ chúng tôi được bình yên. Sau lễ cúng, anh em chúng tôi chia thịt liên hoan. Số thịt sống thì chia ra cho mỗi tổ 6 người. Anh em nào có khiếu làm bếp cứ thế chế biến, miễn sao thực phẩm có thể để dành lâu nhất”, ông Sơn nói tiếp.

Ông Trần Văn Sơn cùng vợ kể lại những kỷ niệm trong lần ra giữ đảo Hoàng Sa cách đây nửa thế kỷ

Ngày đầu năm mới ở Hoàng Sa, ngoài công việc hằng ngày, ông Sơn cùng nhiều người đi trồng rau muống với mớ hạt giống được mẹ dúi vào tay trước khi lên tàu nhằm cải thiện bữa ăn. Hồi đó, trước khi lên tàu, mỗi người cũng mang theo 30 lon đậu xanh để làm giá đỗ. “Thiếu thịt, rau xanh thôi chứ ở Hoàng Sa thì cơ man nào cá, ốc... Anh em ở trên đảo chỉ cần tìm cách bắt sao cho dễ thôi”, ông Sơn nói và kể tiếp: “Bởi vậy, việc đánh bắt của ngư dân thuận lợi lắm. Khi tôi ra đến nơi, những ngư dân VN chuyên đánh bắt trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa đã về nhà đón tết. Mãi đến mùng 10 tháng giêng, họ mới trở lại”.

Ra Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ ở thời điểm 1 năm trước khi xảy ra sự kiện ngày 19.1.1974, nhưng ông Sơn đã cảm nhận được tình hình căng thẳng trên biển. Dù chưa xảy ra giao tranh nhưng phía Trung Quốc luôn lăm le chiếm đảo. Dù ở bối cảnh đó nhưng nhờ sự chia sẻ, đoàn kết mà 42 người trên đảo lúc nào cũng lạc quan. Sau 3 tháng trấn giữ đảo, ông Sơn trở về đất liền mang theo biết bao hoài niệm. Để rồi sau gần nửa thế kỷ, ông khao khát một lần được trở lại Hoàng Sa với nhiều nỗi ước mong.

Đau đáu nỗi niềm thương nhớ đảo

Ngồi bên cạnh, bà Trần Thị Phẩm (72 tuổi, vợ ông Sơn) góp chuyện: “Hồi ổng ra Hoàng Sa, tôi mới sinh đứa con trai thứ 2 chỉ 1 tháng, con gái đầu thì chỉ mới 2 tuổi. Nghe tin Trung Quốc gây hấn, tôi như ngồi trên đống lửa vì không biết ổng có thể trở về không. Nhưng đi giữ biển, giữ đảo Hoàng Sa, phận làm vợ như tôi cố nuốt nước mắt vào trong, động viên chồng yên tâm. Đó là nhiệm vụ cao cả mà”.

Nghe vợ kể, ông Sơn chỉ cười, bảo lên tàu đúng dịp tết, nhà nhà đoàn viên, lại hướng về Hoàng Sa cách đất liền hàng trăm cây số, lòng ông cũng đầy ngổn ngang. Nhưng rồi, nỗi lo nhanh chóng tan biến bởi lý lẽ: ngày xưa ông cha lên thuyền buồm đơn sơ mà vẫn ra đến Hoàng Sa mở cõi, khẳng định chủ quyền.

“Tiền nhân làm được mà giờ mình chỉ việc lên tàu, có người chở đi thì cớ chi phải buồn? So với sự chết chóc, gian khổ của ông cha ngày xưa thì khó khăn của mình không nghĩa lý gì cả. Khi đặt chân lên đảo, tôi thấy tự hào vô cùng vì được kế thừa cha ông ra giữ biển đảo của Tổ quốc. Tôi từng trình bày với các nhà sử học và rất vui khi hôm nay, các trường học đã có phần dạy về lịch sử biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng lòng luôn mong ước tột cùng có một ngày những người từng ở Hoàng Sa nằm lại trong cuộc hải chiến sẽ được trở về với đất mẹ”, ông Sơn trải lòng.

In hình ảnh kỷ vật tặng các nhân chứng

Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng), cho biết qua chuyến thăm các nhân chứng Hoàng Sa vừa thực hiện vào các ngày 10 - 11.1 vừa qua, có thể thấy các nhân chứng đã hiến tặng hết các kỷ vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa để phục vụ tham quan, tìm hiểu lịch sử. “Do đó, chúng tôi có ý định sẽ in những hình ảnh kỷ vật để gửi tặng các gia đình nhân chứng, để họ có một bộ sưu tập đầy đủ ngoài những gì họ đã hiến tặng. Qua đó, các nhân chứng có thể giới thiệu cho con cháu, thế hệ trẻ, góp phần tuyên truyền về chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa”, ông Đồng nói.

Nhân chứng Lê Đình Rê cũng lắm nỗi niềm khi cho tàu lên đường lúc 22 giờ đêm 19.1.1974 để cứu hộ các tàu bị thiệt hại trong cuộc hải chiến với Trung Quốc. Hôm đó, người vợ mang bầu 5 tháng đứng bên sông Hàn (Đà Nẵng) cứ khóc rưng rức vì lo cho chồng. Từ buồng chỉ huy nhìn xuống, thấy người vợ đứng bên bờ ôm mặt khóc, lòng ông như thắt lại.

“Từ xa xưa, các đời vua đã đứng lên đánh đuổi quân Trung Quốc xâm lược thì giờ chúng tôi kế nghiệp. Chúng tôi đi trong tâm thế sục sôi, không hề ủy mị. Tôi về lại cảng Đà Nẵng sau khi cứu hộ được các tàu. Kịp về đón tết trong đất liền, nhưng nói thật, trong lòng không thể vui nổi… Giờ đây, thêm một mùa tết lại đến, tôi lại nhớ da diết, lại thêm thương những người vợ, người con, người mẹ của các anh em đã mãi mãi ở lại Hoàng Sa”, ông Rê thổ lộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.