Nhớ Sơn Nam - 'ông già Nam bộ' chân chất, giản dị vượt thời gian

Thế Sang
Thế Sang
14/08/2023 07:15 GMT+7

15 năm kể từ ngày mất của nhà văn Sơn Nam (13.8.2008 - 13.8.2023), gia đình cùng Nhà xuất bản Trẻ và nhiều tác giả từng sống, làm việc với ông đã ôn lại những kỷ niệm về một "ông già Nam bộ" chân chất, giản dị từ đời sống đến văn nghiệp.

Sáng 13.8 tại Hội quán Văn nghệ sĩ, Q.3, TP.HCM, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ tổ chức buổi ra mắt 2 cuốn sách về nhà văn Sơn Nam: cuốn thứ nhất viết về chân dung của ông mang tên Nhà văn Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ (tập hợp bài viết của con gái cả của Sơn Nam là chị Đào Thúy Hằng cùng các cây bút khác như Lý Lan, Võ Đắc Danh, Lam Điền, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Trọng Chức…); cuốn thứ hai Đi và ghi nhớ là tập hợp những bài viết của Sơn Nam trên tạp chí Xưa & Nay.

Sơn Nam vẫn gần gũi sau 15 năm

Nhà văn Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ có bố cục gồm 2 phần, phần đầu tập hợp những bài viết của chị Đào Thúy Hằng về cha mình - những nét cọ phác thảo nên một chân dung Sơn Nam vừa mộc mạc, vừa dung dị trong trí nhớ của người gần gũi với ông nhất. Phần còn lại tập hợp những bài viết của các tác giả viết về phong cách và tư tưởng nghệ thuật trong cuộc đời miệt mài với con chữ của Sơn Nam.

Nhớ Sơn Nam - 'ông già Nam bộ' chân chất, giản dị vượt thời gian - Ảnh 1.

Buổi ra mắt 2 quyển sách mới của nhà văn Sơn Nam nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của ông

Thế Sang

Với Đi và ghi nhớ, tập sách hơn 300 trang tập hợp 56 bài viết của Sơn Nam trên tạp chí Xưa & Nay đăng trước và sau năm 1975, cho thấy một nét khác về ông trong văn nghiệp. Ông Nguyễn Hạnh, Phó tổng biên tập tạp chí Xưa & Nay là người đã giúp tổng hợp những bài báo quý giá của nhà văn Sơn Nam mà ông còn lưu giữ để in mới lần này.

Nếu nét tinh túy của Nam bộ nơi trang viết của Sơn Nam hiện hữu trong mảng truyện thì mảng khảo cứu - như Đi và ghi nhớ - cũng quan trọng không kém. Bởi nó cho thấy văn lực dồi dào, kiến thức sâu rộng của Sơn Nam khi ông quan tâm đến đất và người phía nam một cách nhẹ nhàng, dung hợp và đầy yêu thương. Đi và ghi nhớ cho thấy sự quan tâm thường trực của Sơn Nam với các mảng chính: văn hóa của các vùng đất; con người, phong tục tập quán, đời sống tinh thần; nhân vật và tác phẩm.

Nhớ Sơn Nam - 'ông già Nam bộ' chân chất, giản dị vượt thời gian - Ảnh 2.

2 quyển sách Nhà văn Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ Đi và ghi nhớ

BTC

Những chuyện đời riêng lạ

Với người ở lại, những chuyện về Sơn Nam chưa bao giờ là cũ. Văn chương, nhân cách sống của tác giả Hương rừng Cà Mau vẫn được bàn luận sôi nổi sau 15 năm "ông già Nam bộ" rời xa cõi tạm.

Một trong những chi tiết được chị Hằng thuật lại về cha mình đó là câu chuyện ông đội cái thúng đi bộ từ Cái Bầu vô chợ Cả Nai kiếm mua than về cho vợ nằm sau khi bà sinh chị được một tuần. Chị nghe kể lại và nhớ mãi, vì khi ấy không có than để nằm sưởi, nằm củi thì khói lên nhiều. Trên đường về, một tay ông vịn thúng than, một tay ông rít điếu thuốc, gặp ai ông cũng hỏi chuyện mần ăn.

Chị Đào Thúy Hằng chia sẻ vì là con cả trong nhà nên chị được cha thương yêu nhất. Tuy nhiên, ngày chị còn bé, cha chị thường xuyên xa nhà nên chị viết trong Nhà văn Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ câu "lưu linh, lưu địa ở đâu". Chị tâm sự, cha Sơn Nam tuy hay đi nhưng ông luôn về nhà, dù ít dù nhiều.

Hay một chuyện vừa tế nhị nhưng lại thực tế không thể không nhắc về ông, đó là chuyện tiền bạc. Có một lần đi đò với nhà văn Lý Lan về quê, Sơn Nam chỉ tay vào ngọn rạch mịt mùng nói: "Quê nội trong đó". Lý Lan hỏi ông có muốn vào thăm lại quê không, ông nói khẽ khi chiếc vỏ lãi chạy ngang qua: "Không có tiền về làm gì?".

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, cho biết hiện tại có tình trạng bản thảo của Sơn Nam chưa được thu thập đầy đủ và đang bị thất lạc, trôi nổi ở nhiều nơi. Tập sách Nhà văn Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ được xuất bản lần này cũng là một cái duyên khi bộ phận truyền thông đã phát hiện ra những bài viết quý giá của chị Đào Thúy Hằng và đề xuất đưa về nhà xuất bản.

Nhà thơ Lê Minh Quốc tâm sự tầm vóc Sơn Nam rất lớn, nếu chỉ khu biệt ông trong khu vực văn chương - văn hóa miền Nam thì "thiệt thòi" cho nhà văn "quê mùa" này (chữ dùng của Lê Minh Quốc), bởi nếu đặt ông trong bối cảnh rộng hơn là văn chương VN, thống nhất, xuyên suốt thì sẽ thấy được những đóng góp vượt thời gian của nhà văn. Nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng có lẽ vì tinh thần hòa ái, dung hợp dân tộc ấy mà dù trước hay sau mốc lịch sử 1975, các tác phẩm của Sơn Nam vẫn luôn được đón nhận. 

Nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Sơn Nam (11.12.1926 - 13.8.2008) tên thật là Phạm Minh Tài, quê Rạch Giá (Cà Mau). Ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, biên khảo được bạn đọc yêu thích như Chuyện xưa tích cũ, Hương rừng Cà Mau, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Đất Gia Định xưa, Người Sài Gòn…

Nhân dịp ra mắt 2 tựa sách mới, NXB Trẻ trích quỹ Sơn Nam trao tặng 24 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho các bé con nuôi và con đỡ đầu ở Đồn biên phòng Lũng Cú, như nghĩa cử mà cố nhà văn và NXB Trẻ gửi đến trẻ em nơi địa đầu Tổ quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.