Nhớ ngọn khói lam, thương bếp cà ràng

30/10/2022 09:00 GMT+7

Má kể hồi xửa xưa đi coi mắt nàng dâu, mấy bà má miền Tây bao giờ cũng “mượn cớ” tranh thủ ngó qua chái bếp.

Trong buổi đầu gặp gỡ như vậy, ngoài tiếng thơm đã nghe về đàng gái từ người mai mối và ấn tượng tốt đẹp dành cho nhau qua miếng bánh chung trà thì cái bếp ấm mùi củi lửa, nồi niêu chai lọ sạch sẽ ngăn nắp cũng là một trong những yếu tố quyết định chuyện nhân duyên thành bại.

Hồi gả con cho tía, nhà nghèo không có gì làm của hồi môn, ngoại cho má cái mẻ kho và một chiếc cà ràng. Nghe đi nghe lại bài vọng cổ Con gái của mẹ rồi lần nào cũng kéo vạt áo chùi nước mắt, ngoại dặn: ráng giữ cho cơm lành canh ngọt.

Căn bếp miền Tây xưa

Nhà nội trong bưng giáp xứ nước mặn Bạc Liêu, lọt thỏm giữa rừng dừa, tràm đồng và bình bát. Đó cũng là nguồn chất đốt vô tận của gia đình. Cà ràng không kén chọn, củi nào cũng bắt lửa rất ngọt mà than cháy đằm âm ỉ. Nhìn dáng lò hệt số 8 ngược, thân được đắp cao để cản gió và giữ tro bụi không bay lan ra ngoài. Coi ngồ ngộ nhưng có không biết bao nhiêu bữa cơm ấm khói ngọt ngon đã bắt nguồn từ đó.

Chị em tôi ra đời, đã chứng kiến mỗi ngày hai lượt sáng chiều má nhen bếp cà ràng nấu nướng. Dù cơm thơm gạo dẻo hay cháo trắng độn rau, bếp nhỏ vẫn kiên nhẫn cháy hết mình. Buồn vui của má dường như cũng vương đâu đó bên chiếc cà ràng của ngoại. Là được nấu ấm nước pha cho chồng một ấm trà buổi sớm. Là chiều chiều lùi vào đó vài ba củ khoai cho lũ con háu đói, nghe chúng vừa thổi vừa ăn vừa ríu rít để mà quên những đắng cay mệt mỏi của phận làm dâu tủi cực nhưng vẫn mãi giống người ngoài.

Trong những phần thuộc về ký ức còn lại, trong tôi luôn choáng ngợp bởi hình ảnh thân thương gợi từ ngọn khói lam chiều. Nhớ những buổi mặt trời dần chìm nơi xa nhất của cánh đồng, má biểu chạy ra ruộng gọi tía về ăn cơm. Chiều hôm ếch nhái kêu ran, những con nhái bén nhấp nhen dưới chân lau bụi cỏ. Từ bờ mẫu trở về, nhìn xa xa chái bếp của má mờ ảo một làn khói lãng đãng bay vấn vít tàu dừa. Mùi cơm trắng với canh rau tập tàng nấu tép làm xao xuyến cái bụng đói của cả buổi chạy chơi. Bên ngọn đèn chong cóc phập phồng đốm lửa hắt hiu, bữa cơm sum họp sau một ngày ai nấy đều vất vả bận rộn sao mà đầm ấm.

Cà ràng

Tâm Lang

Càng nhớ ngọn khói lam, càng thương chiếc cà ràng kỷ niệm. Như một di ngôn được truyền từ bà ngoại, má biểu đàn bà giữ lửa cũng như giữ nhà. Hồi ấy tôi nghĩ không biết có giống như câu chuyện cổ ngày xưa người đi khẩn hoang thắp lửa để đuổi thú dữ tà ma, chống lại khí trời lạnh lẽo hay không? Chỉ biết trong xóm nhỏ của tôi, ở cái thời phương tiện tạo lửa sơ sài, người ta hay chạy sang nhà nhau xin lửa.

Từ bếp lò đã tắt lửa ngọn, bà con láng giềng bẻ quặp vài cọng lá dừa rồi cời cà ràng gắp đặt vào giữa đụn lá một cục nhỏ lửa than. Lửa xém vào lá khô, về nhà chỉ cần thổi phù là cháy. Tàn khói có khi bay vào mắt cay xé nhưng ai cũng cười vì có lửa nấu ăn, có lửa để ngôi nhà dựng lá dừa rách tươm bớt lạnh.

Má đã giữ chiếc cà ràng chái bếp luôn ấm trong suốt phần đời mình trước khi giao lại cho nàng dâu mới. Nhớ cái hồi năm Thìn bão lụt, nước ngập tới mang tai, đồ đạc trôi lỉnh lảng, má chỉ cố làm sao giữ ráo chiếc cà ràng. Kê chân giường lên cao, má đặt cà ràng lên giường để nấu cơm. Củi ướt, con cái nheo nhóc, người khóc nhà cửa tanh bành mà má vẫn kiên nhẫn thổi chín gạo dù chỉ đem ăn với muối cục. Bởi nên hễ vắng má thì cả nhà phải đi ăn chực qua ngày.

Trong mấy chục năm bên nhau, lẽ dĩ nhiên, giữa tía má cũng từng có lúc canh chẳng ngọt, cơm chẳng lành. Cũng như chiếc cà ràng vốn chất là đất nung cũng có hồi nứt vỡ. Nhớ có lần tía má giận nhau, má dẫn hai em về ngoại. Ở nhà lò bể, gạo hết, mắm muối cạn kiệt, tía lóng ngóng rồi không biết phải xử trí thế nào. Nhìn tôi đói khóc, ông bà nội tuổi cao, lòng tía như lửa đốt, ngại ngùng đưa hết xuống nhà bác ruột ăn ké.

Rồi tía xuống nước vì một người nóng thì một người phải nguội. Hồi má về, bà nội lấy dây chì kiềng lại bếp lò. Nội biểu, cà ràng nứt thì nối chứ ba ông táo vẫn còn nguyên vẹn.

Chái bếp miền Tây

Tôi lớn lên và không còn thấy tía má rời nhau đi thêm một lần nào nữa. Dù vẫn bất đồng, lời qua tiếng lại, nhưng giận buổi sáng thì buổi tối đã hòa. Đi hết nửa đời người tôi vẫn thấy ở tía má mình giản đơn mà sâu đậm cái gọi là muối mặn gừng cay. Lời không nói ra nhưng hễ đi xa là thấy nhớ.

Ngày ấy nghèo khó, nhưng với tôi, bà ngoại đã tặng con gái mình thứ của hồi môn quý giá. Chiếc cà ràng chỉ là phần cứng, ngọn lửa ấm cúng mà nó nhen lên gìn giữ trọn vẹn một mái ấm mới thực là phần mềm.

Và dù bây giờ không còn mấy ai nấu bếp củi nhưng chính ngọn lửa của cà ràng trong ký ức đã nuôi dưỡng tâm thức rằng ấm áp của mọi gia đình đều từ góc bếp hong lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.