Nhớ đến quá khứ để hoàn thiện chính sách với người có công

17/02/2018 08:00 GMT+7

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ vào ngày 17.2.1979 và kéo dài cho đến năm 1989 với những cuộc tấn công khốc liệt của đối phương cũng như sự hy sinh quả cảm của quân dân ta mà điển hình nhất là ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) vào những năm 86-87. Nghĩa là sau 10 năm, vùng biên giới phía Bắc mới yên tiếng súng.

Tâm tình của vị lão tướng
Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội khoá 9 (1992-1997), năm nay đã sang tuổi 90. Ông nguyên là Tư lệnh trưởng Quân khu 2 (1987-1992). Ông cũng từng là Phó tư lệnh Quân khu 2 kiêm Tư lệnh Mặt trận tiền phương (Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang). Đó là nơi diễn ra cuộc chiến khốc liệt mà nhiều người ví là "lò vôi thế kỷ" hoặc "cối xay đá thế kỷ".
Chỉ tính riêng ở mặt trận này, theo thống kê sơ bộ thì có trên 4.000 cán bộ, chiến sĩ chủ lực quân Việt Nam hy sinh (sở dĩ nói sơ bộ là do có một số đã được các đơn vị chiến đấu chủ động đưa đồng đội về thẳng về các địa phương mai táng). Trong đó còn đến 2.000 người chưa tìm thấy hài cốt bởi đạn pháo địch ngày ấy đã nghiền nát cùng với đá núi.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, trung tướng Đặng Quân Thụy đã có 2 lần bị thương (năm 1945, khi chống Pháp tại Buôn Ma Thuột và năm 1979, khi chống lực lượng Khmer Đỏ tại biên giới Tây Nam - Campuchia). Tấm Huân chương Sao Vàng mà ông được Nhà nước trao tặng năm 2009 là một vinh dự vô cùng to lớn và đã gián tiếp nói lên sự đóng góp của ông đối với đất nước trong các cuộc kháng chiến.
Ông chủ động nói với tôi: "Chúng ta nhớ lại quá khứ không phải để khơi gợi lại những hận thù. Những kí ức đau buồn, những khoảnh khắc lịch sử bi tráng trong quá khứ nếu có nhắc đến thì cũng chỉ để chúng ta nhớ về với lòng tự hào và biết ơn những người đã hy sinh. Từ đó đất nước ta mới có được sự thanh bình, no ấm như hôm nay. Những hồi ức mang tính kích động lòng thù hận dân tộc sẽ làm xấu đi quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng".
Theo ông, nhắc lại lịch sử quá khứ hào hùng của dân tộc cũng là để chúng ta tri ân và tưởng nhớ những chiến sĩ, dân quân tự vệ ngày trước đã hy sinh trong các cuộc chiến chống quân xâm lược.
Trung tướng Đặng Quân Thụy đã nhìn nhận vấn đề rất sâu sắc khi cho rằng sự gắn kết giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bất cứ thời kỳ nào là cả một vấn đề lớn. Nếu chú trọng xây dựng mà không bảo vệ thì việc xây dựng sự nghiệp, cơ đồ sẽ khó bền. Nhưng bảo vệ cũng phải nhớ dựa trên cơ sở của một nền kinh tế vững chắc, có đủ sức, đủ lực...
Bài học được đúc kết từ các cuộc chiến tranh đã qua cho thấy, việc Đảng, Nhà nước trang bị cho quân đội vũ khí, khí tài hiện đại và sức người để bảo vệ Tổ quốc dù kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, là một cố gắng rất to lớn. Qua đó cũng là để đánh giá đúng vai trò quan trọng của các lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nó luôn là một bài học quý giá được nhìn dưới nhiều góc độ. Tưởng nhớ và tôn vinh các anh hùng, liệt sĩ và những người đã đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cũng sẽ góp phần hoàn thiện các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với người có công và gia đình có công đối với đất nước.
Ông Đặng Quân Thụy tâm sự: Người Việt Nam chúng ta luôn mong muốn có hoà bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng. Dân tộc chúng ta luôn phải kinh qua nhiều cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc. Vì lẽ đó, chúng ta rất quý trọng hoà bình hơn ai hết. Hơn nữa, bản chất người Việt Nam cũng luôn mong muốn được sống trong hoà bình vì quá thấm thía những thảm họa của các cuộc chiến tranh một khi xảy ra. Nhưng thứ hoà bình, hữu nghị đó phải luôn được gắn liền với giữ vững độc lập chủ quyền, bảo vệ bằng được những thành quả của các thế hệ cha anh đã giành được cho đất nước. Đây cũng là bài học sâu sắc được dân tộc chúng ta đúc kết.
Trong thực tế, ở nhiều nước trên thế giới cũng xảy ra các cuộc chiến tranh xâm lược và bảo vệ Tổ quốc. Chẳng hạn như Pháp - Đức trong Đệ nhị Thế chiến và trước nữa là chiến tranh Pháp - Phổ (nước Đức cũ). Người dân Pháp ngày hôm nay vẫn không quên nhắc lại quá khứ thương đau khi đế quốc Phổ xâm lược. Song cũng không vì thế mà hai nước ngày nay không quan hệ chặt chẽ với nhau. Mấy chục năm nay, người Nhật vẫn nhắc đến cái ngày kinh hoàng khi quân đội Mỹ thả xuống đất nước họ 2 quả bom nguyên tử. Họ nhắc lại cũng là để giúp mọi người dân Nhật Bản và cả thế giới phải biết, phải nhớ. Song, Nhật - Mỹ vẫn là đồng minh chiến lược của nhau nhiều chục năm qua, và quan hệ của họ cũng không vì thế mà bị ảnh hưởng. Họ đâu có sợ nói đến chuyện cũ sẽ đụng chạm đến quan hệ ngoại giao. Và Việt Nam ta cũng vậy!
Trung tướng Đặng Quân Thụy nói chuyện về mặt trận Vị Xuyên với đoàn cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM sau khi lên thăm chiến trường xưa tại Hà Giang Ảnh tư liệu
Ngân hàng gen các liệt sĩ
Từ những câu chuyện ông Đặng Quân Thụy đề cập, tôi càng cảm nhận rõ hơn một điều: dù đất nước hiện còn nghèo và đầy khó khăn, nợ công quả là đã kịch trần, nhưng nếu như chúng ta biết chắt chiu từng đồng vốn vay, từng đồng thuế mà dân đóng góp để đầu tư và chi tiêu, hạn chế những thất thoát, tham nhũng đến nghìn tỉ, chục nghìn tỉ, chỉ cần vậy cũng đủ để thành lập sớm ngân hàng gen các liệt sĩ đã hy sinh nhưng mộ phần chưa xác định được danh tính. Như vậy thì với khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ cần xác định ADN sẽ cần có 3.000 tỉ đồng (10 triệu/mẫu ADN xét nghiệm). Nó là số tiền không quá lớn nếu như so với những gì mà ngân sách nước nhà bị thất thoát.
Nếu chúng ta không làm ngay bây giờ thì sau này dù giàu có cũng không thể làm được bởi người thân còn sống của các liệt sĩ họ cũng sẽ ra đi, còn đâu để lấy mẫu. Khi đó, chúng ta thật có lỗi rất lớn với các liệt sĩ.
Trung tướng, anh hùng phi công Phạm Phú Thái (nguyên Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng) từng kể cho tôi nghe câu chuyện về tướng Đồng Sỹ Nguyên, mà ông nghe được từ ông Nguyễn Sỹ Hưng (bạn chiến đấu của ông), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Ông Sỹ Hưng là con trai trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông nguyên là Tư lệnh Binh đoàn Vận tải 559 (Binh đoàn Trường Sơn) giai đoạn 1967-1976 và được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (năm 2007). Ông Đồng Sĩ Nguyên là một trong những người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, duy trì vận hành đường Hồ Chí Minh trên bộ.
Nhiều người đã biết, tên tuổi của ông Đồng Sỹ Nguyên được gắn với những huyền thoại của những người lính vận tải Trường Sơn trong những tháng năm gian khó chống Mỹ. Con đường Trường Sơn năm xưa ấy cũng đã có biết bao cán bộ, chiến sĩ là cấp dưới, là đồng đội của ông hy sinh.
Một lần ông vào thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi có hơn chục ngàn ngôi mộ liệt sĩ đã nằm lại nơi đây, vị lão tướng huyền thoại ấy đã có nguyện ước khi ông mất sẽ được người thân của mình, hoặc đưa về yên nghỉ chốn này cùng các các đồng đội thân yêu của mình, hoặc là về với tiên tổ ở Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình quê ông. Ông không muốn nằm xuống ở khu Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội), nơi mà hơn sáu chục năm qua, nơi đây đã được dành cho việc chôn cất cán bộ cấp cao và các danh nhân.
Thật xúc động và giản dị! Nó rất đáng để ta phải suy nghĩ khi mà vị tướng già lúc cuối đời ấy vẫn muốn yên nghỉ cùng đồng chí, đồng đội ngày nào.
Để kết luận bài viết này, tôi xin nhắc lại lời của trung tướng Đặng Quân Thụy, đó là không ai trong chúng ta được phép lãng quên lịch sử. Nhớ đến quá khứ hào hùng của cha anh năm xưa là để có dịp chúng ta nhìn lại, điều chỉnh và hoàn thiện chính sách đối với những người có công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.