Nhìn quả cầu đá ở Ôn Châu, lại nhớ đến… cầu đá bị dỡ bỏ ở sân Mỹ Đình

29/09/2023 14:49 GMT+7

Những quả cầu đá bên ngoài sân Wenzhou Olympic, nơi đội tuyển nữ Việt Nam đấu ASIAD 19, có thể khiến những người yêu bóng đá Việt Nam lập tức liên tưởng đến sân vận động Mỹ Đình.

Nói đến hành trình vươn lên của bóng đá Việt Nam trong hai thập kỷ qua, sân vận động Mỹ Đình là một trong những chứng nhân lịch sử. 

Được khởi công xây dựng ngày 14.8.2001, sân Mỹ Đình chính thức đi vào sử dụng vào ngày 2.9.2003 để sau đó trở thành công trình chính phục vụ SEA Games 22 do Việt Nam đăng cai. 


Nhìn quả cầu đá ở Ôn Châu, lại nhớ đến sân Mỹ Đình - Ảnh 1.

Những quả cầu đá được nối bằng dây xích ở sân Mỹ Đình

NGỌC THẮNG

Ngoài sân Mỹ Đình, có 40 quả cầu đá được nhà thầu Trung Quốc bố trí và nối với nhau bằng dây xích, được cho là chi tiết không hợp phong thủy, khiến đội tuyển Việt Nam cứ đá đến bán kết AFF Cup là hòa hoặc thua. 

Thật vậy, từ AFF Cup 2008, 2010, 2014 đến 2016, đội tuyển Việt Nam đã không thắng trận nào ở sân Mỹ Đình khi bao quanh sân là những quả cầu đá. Cụ thể, Việt Nam hòa 0-0 với Singapore, 1-1 với Thái Lan ở bán kết và chung kết AFF Cup 2008, hòa 0-0 với Malaysia ở bán kết AFF Cup 2010, thua Malaysia với tỷ số 2-4 ở AFF Cup 2014, hay hòa Indonesia 2-2 ở bán kết AFF Cup 2016.

Tất nhiên, kết quả không tốt kia phần nhiều đến từ sự bất ổn của bóng đá Việt Nam ở giai đoạn này. Đội tuyển Việt Nam chưa thực sự trưởng thành để muốn thắng là được.


Nhìn quả cầu đá ở Ôn Châu, lại nhớ đến sân Mỹ Đình - Ảnh 2.

Những quả cầu đá sau đó được di dời khỏi sân

MINH HƯƠNG

Với đội tuyển Việt Nam, sau rất nhiều năm thi đấu không thành công ở sân Mỹ Đình, nhiều người bắt đầu tin vào phong thủy. Những quả cầu đá sau đó bị di dời khỏi khu vực trước khán đài B ở AFF Cup 2018.

Để rồi, đội tuyển Việt Nam đã đánh bại Philippines, rồi Malaysia ở sân Mỹ Đình ở các trận bán kết, chung kết lượt về AFF Cup 2018, sau đó lên ngôi vô địch. Sau đó, các trận đấu tại sân Mỹ Đình cũng không còn là gánh nặng với đội tuyển Việt Nam. Nỗi ám ảnh năm nào cũng "biến mất" theo những quả cầu đá hẩm hiu.

Nhìn quả cầu đá ở Ôn Châu, lại nhớ đến sân Mỹ Đình - Ảnh 3.

Nhìn quả cầu đá ở Ôn Châu, lại nhớ đến sân Mỹ Đình - Ảnh 4.

Những quả cầu đá nằm bên ngoài sân Wenzhou Olympic

ĐỘC LẬP

Nhìn quả cầu đá ở Ôn Châu, lại nhớ đến sân Mỹ Đình - Ảnh 5.

Quang cảnh sân Wenzhou Olympic

ĐỘC LẬP

Thực tế là, đội tuyển Việt Nam đã vươn lên bằng nỗ lực, chiến thuật hợp lý, cầu thủ xuất sắc, chứ chẳng phải nhờ một "thế lực" vô hình nào. Song, đúng là trong bóng đá, có những yếu tố, câu chuyện, mà khi nhớ lại, có lẽ người ta sẽ không tìm cách lý giải, mà chỉ cần hiểu rằng nó từng xảy ra. Bóng đá là cuộc đời, mà cuộc đời luôn có những câu chuyện như vậy.

Nhìn những quả cầu đá bên ngoài sân Wenzhou Olympic ở Ôn Châu, địa điểm tổ chức môn bóng đá nữ tại ASIAD 19, các phóng viên Việt Nam tác nghiệp tại hiện trường, bất giác nhớ đến những quả cầu đá ở sân Mỹ Đình, là lẽ vậy.

Xạ thủ Thu Vinh buồn bã không có huy chương, HLV phân tích lý do thất bại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.