Nhìn nhận đúng 'công việc chăm sóc không lương'

21/03/2022 06:06 GMT+7

Trả lời đúng câu hỏi 'Công việc chăm sóc không lương là gì?' là bước đầu tiên để nhận thức đúng giá trị của công việc đó và công nhận sự đóng góp của phụ nữ.

Mới đây, Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) VN, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM (thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới TP.HCM) và Trường ĐH Văn Lang phối hợp tổ chức hội thảo tham vấn kết quả nghiên cứu khảo sát về công việc chăm sóc không lương của phụ nữ trong dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Phụ nữ chịu tác động kép bởi dịch Covid-.19 và gia tăng các công việc không lương

NGỌC DƯƠNG

Nghiên cứu này nhằm thu thập cơ sở dữ liệu đầu vào để phục vụ thực hiện Mục tiêu 3 - Chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2030.

Cụm từ “công việc chăm sóc không lương” theo định nghĩa chung của thế giới bao gồm công việc nội trợ (nấu ăn, dọn vệ sinh); công việc chăm sóc (chăm sóc trẻ em, người già, người khuyết tật); công việc họ hàng và tình nguyện cộng đồng (thăm nom, hiếu hỷ họ hàng, các công việc ngoài cộng đồng) không được trả lương.

Tại VN, công việc chăm sóc không lương vẫn chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm và còn tăng nhiều hơn trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo các đơn vị trình bày nghiên cứu, công việc chăm sóc không lương đóng góp đáng kể cho kinh tế - xã hội chứ không chỉ đơn thuần là việc vặt và không có giá trị. Ví dụ, nó duy trì đời sống của mỗi cá nhân, cung ứng nguồn lao động khỏe mạnh cho nền kinh tế; giảm gánh nặng của chính phủ khi cung cấp nhiều dịch vụ an sinh cho cá nhân và hộ gia đình. Theo Action Aid và Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu năm 2015, nếu phụ nữ trung bình dành 5 giờ/ngày cho các công việc này và được trả lương thì sự đóng góp tương ứng 1.100 tỉ đồng mỗi năm cho nền kinh tế.

Trả lời đúng câu hỏi “Công việc chăm sóc không lương là gì?” là bước đầu tiên để nhận thức đúng giá trị của công việc đó và công nhận sự đóng góp của phụ nữ. Từ đó, mới có thể thúc đẩy các chính sách hay dịch vụ công nhằm giảm tải công việc chăm sóc không lương và làm cơ sở vững chắc cho bình đẳng giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.