Nhiều vụ tai nạn thương tâm do cố tình băng qua đường sắt

30/04/2017 16:43 GMT+7

Theo thống kê, khoảng 80% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt. Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do tài xế cố tình băng qua đường khi đoàn tàu đang đến gần.

Ngày 24.4, tàu TN1 tuyến Bắc - Nam khi lưu thông đến đường ngang dân sinh thuốc địa bàn thôn Cảnh An 2 (xã Phước Thành, H.Tuy Phước, Bình Định) đã tông mạnh vào ô tô 7 chỗ khiến 6 người trên xe thương vong. Đây không phải là lần đầu tiên trong năm 2017 xảy ra tai nạn đường sắt khiến nhiều người thương vong. Trước đó, ngày 18.3, điểm giao nhau với đường sắt Bắc - Nam tại Bình Định, một xe tải bị đoàn tàu SQN4 tông trúng làm 1 người tử vong và 1 người bị thương. Chiếc xe tải bị đẩy trên đường ray hơn 300 m, vỡ nát, dính chặt vào đầu đoàn tàu hỏa.

Những cảnh báo về hiểm họa tai nạn tại các điểm giao cắt đường sắt đã rất nhiều lần được các cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng tai nạn vẫn diễn ra. Theo một lãnh đạo ngành đường sắt, một phần nguyên nhân do số lượng đường ngang dân sinh tự phát quá lớn, khó kiểm soát, nhưng một phần không nhỏ do ý thức người điều khiển phương tiện. Nhiều vụ ô tô va chạm với tàu hỏa do lỗi chủ quan của lái xe khi cố tình băng qua đường sắt dù đoàn tàu đã sắp đến gần.

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cả nước hiện có 5.726 đường ngang giao cắt đồng mức, trung bình cứ 1 km đường sắt có 1,85 đường ngang giao cắt. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1.515 đường ngang hợp pháp do công ty quản lý. Trong số 1.515 đường ngang này vẫn còn 507 đường giao cắt đang sử dụng tín hiệu đèn cảnh báo và chưa có cần chắn tự động. Hệ thống đường gom, hàng rào bảo vệ hành lang an toàn đường sắt chưa được đầu tư xây dựng kịp thời trong khi đường sắt chạy qua nhiều khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp...

Thậm chí, nhiều vị trí đường ngang chưa có gờ giảm tốc, vạch dừng trên phần đường bộ; tầm nhìn tại các điểm giao cắt đường sắt - đường bộ bị hạn chế, các địa phương chưa vào cuộc tích cực trong phối hợp thực hiện các biện pháp hạn chế tai nạn giao thông đường sắt… Theo thống kê, có khoảng 80% số vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt.

Giảm đường ngang dân sinh

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã báo cáo Chính phủ, đề xuất xin nguồn vốn đảm bảo an toàn giao thông làm cần chắn tự động tại các đường ngang, nhằm “cưỡng bức” ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông, nhằm đảm bảo an toàn.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng đề xuất xin 7.000 tỉ đồng vốn trung hạn trái phiếu Chính phủ cho ngành đường sắt để tập trung nâng cao kết cấu chạy tàu và các đường ngang.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có báo cáo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ đạo rà soát các điểm đen, bố trí người canh gác, cảnh giới, làm đường gom, gờ giảm tốc, tăng cường biển cảnh báo để giảm tai nạn giao thông. Dự kiến, giữa tháng 6 tới, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và ngành đường sắt sẽ làm việc với các địa phương để giải quyết các đường ngang dân sinh theo hướng giảm hoặc không tăng để đảm bảo an toàn.

Với hơn 4.200 đường ngang dân sinh tự phát hiện nay, rất khó để giảm tai nạn đường sắt nếu chỉ trông đợi vào nỗ lực riêng của ngành đường sắt, nếu chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt, ý thức của tài xế và người dân chưa được nâng cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.