Nhiều vấn đề giải quyết trong năm học mới

15/08/2016 04:58 GMT+7

Hôm nay 15.8 là ngày tựu trường của nhiều địa phương trên cả nước. Trong năm học mới, những vấn đề được xem là nhức nhối của GD-ĐT lâu nay được đặt ra giải quyết với những động thái mạnh mẽ hơn.

“Tuyên chiến” mạnh với dạy thêm
Chuẩn bị cho năm học mới, người đứng đầu ngành GD-ĐT có văn bản gửi trực tiếp chủ tịch UBND các tỉnh, thành đề nghị kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm đối với tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, trái quy định.
Tại hội nghị giao ban với 5 thành phố lớn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu: “Đây là vấn đề khó nhưng khó vẫn phải làm, không phải nêu ra rồi để đấy. Chủ trương dứt khoát là không tổ chức dạy thêm vào chương trình chính khóa. Dạy thêm, học thêm trong trường chỉ nên áp dụng với học sinh (HS) yếu kém, bồi dưỡng HS giỏi theo nhu cầu, chứ không phải dùng chương trình bắt buộc nhưng chỉ dạy chính khóa 4 tiết rồi để lại 2 tiết để dạy thêm. Cán bộ quản lý cần tăng cường quản lý về đạo đức nghề nghiệp giáo viên, không thể chấp nhận việc giáo viên đưa thêm kiến thức khó vào đề thi, kiểm tra để HS buộc phải đi học thêm”.
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới do Bộ GD-ĐT tổ chức đầu tháng 8.2016, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị để làm được chủ trương cấm dạy thêm của ngành giáo dục, bên cạnh việc khắc phục hạn chế liên quan đến thi cử, tính gương mẫu của giáo viên thì cần phải có đủ trường, lớp cho HS học 2 buổi/ngày. Nếu làm được như vậy thì áp lực bởi dạy thêm, học thêm cũng bớt đi.

Giảm áp lực học hành
Năm học này, Bộ xác định sẽ tiếp tục thực hiện giảm tải chương trình giáo dục phổ thông bằng việc giao quyền chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục cho các trường trung học.
Các trường được thực hiện sắp xếp lại nội dung dạy học để khắc phục những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành; thực hiện thường xuyên, hiệu quả các phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học tích cực; đổi mới nội dung, phương thức đánh giá HS phù hợp với các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực.
Bên cạnh đó, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của HS.
Ở cả cấp tiểu học và THCS vẫn sẽ tiếp tục triển khai mô hình trường học mới với những điều chỉnh phù hợp điều kiện thực tiễn; nâng cao năng lực của giáo viên.

Sẽ thay đổi lớn kỳ thi THPT quốc gia
Nhiều giám đốc sở GD-ĐT đã đề nghị trực tiếp với Bộ trưởng nên xem xét giao quyền chủ động trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đề xuất Bộ nên giao cho sở GD-ĐT ở các khâu: tổ chức thi, chấm thi và xét công nhận tốt nghiệp nhưng quy chế thi và đề thi sẽ do Bộ ban hành để đảm bảo thống nhất về giá trị bằng tốt nghiệp THPT. Còn việc thi, tuyển sinh ĐH, CĐ nên giao cho các trường để đảm bảo đúng tinh thần tự chủ trong luật Giáo dục ĐH, Bộ chỉ hỗ trợ đối với những trường có yêu cầu và năng lực tự chủ còn yếu.
Cuối tuần qua Bộ cũng đã chính thức đồng ý cho TP.HCM từ năm học mới này sẽ tự thực hiện việc kiểm tra, đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT.
Đến thời điểm này, Bộ đã gửi văn bản tới các sở GD-ĐT và các trường ĐH trên cả nước đề nghị góp ý về phương án tổ chức thi. Lãnh đạo Bộ cho biết trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ sẽ cân nhắc để đưa ra phương thức công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ phù hợp. Việc thay đổi cần có lộ trình, tránh xáo trộn không cần thiết. Dự kiến, phương án thay đổi sẽ được công bố sớm ngay từ trước khi kết thúc học kỳ 1 năm học tới.

tin liên quan

Kiến nghị xem xét lại cấm dạy thêm, học thêm trong trường học
Chiều 12.8, Sở GD-ĐT TP HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017. Tại đây, lãnh đạo Sở  cho biết ý kiến của hầu hết giáo viên trong phiên họp nội bộ trước đó đều kiến nghị Thành uỷ TP.HCM xem xét lại quyết định cấm dạy thêm học thêm trong nhà trường.

Không tổ chức hoạt động đầu năm nặng nề, hình thức
Theo văn bản hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động đầu năm học mới 2016 - 2017 ở các nhà trường, Bộ khuyến khích các trường tạo điều kiện cho HS đầu cấp vào hòa nhập nhanh chóng vào môi trường học tập và rèn luyện mới qua hoạt động hướng dẫn, giúp đỡ thân thiện của bạn bè và thầy cô giáo bằng các hình thức trò chơi, sinh hoạt tập thể, giao lưu kết nghĩa giữa HS các lớp đầu cấp với HS các lớp trên...
Văn bản nêu rõ việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp với điều kiện nhà trường, đặc điểm tâm sinh lý HS, gắn với thực tế của địa phương; thực sự có tác dụng, hiệu quả đối với HS, đặc biệt là HS đầu cấp học. Phải tạo được niềm tin, động lực học tập cho HS và không khí vui tươi, phấn khởi trong nhà trường; tránh việc tổ chức máy móc, hời hợt, qua loa hoặc nặng nề, hình thức gây quá tải cho HS.
Giáo dục TP.HCM sẽ chủ động đổi mới
Năm học 2016 - 2017, TP.HCM có những thay đổi mạnh mẽ về những chính sách giáo dục theo hướng đổi mới toàn diện. Cụ thể, TP.HCM sẽ đẩy mạnh xây dựng mô hình trường học tiên tiến, hiện đại, hội nhập. Theo đó, sẽ cải cách mạnh mẽ về chương trình học theo hướng giảm nhẹ kiến thức, phát triển năng lực cá nhân HS. Theo kế hoạch, HS ở các trường xây dựng mô hình này sẽ được tiếp cận với nhiều phương pháp học hiện đại từ các giáo viên nước ngoài.
TP.HCM được xây dựng bộ sách giáo khoa riêng dựa trên khung chương trình của Bộ GD-ĐT đưa ra. Bộ sách biên soạn lần này sẽ theo hướng tích hợp liên môn. Hiện tại Sở đang lên khung chi tiết để sẵn sàng cho việc lấy ý kiến của Bộ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó từ năm 2016 - 2017, TP.HCM cũng sẽ tự thực hiện việc kiểm tra, đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT. Đồng thời Sở cũng cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn.
Lam Ngọc
Hà Nội tăng học phí, siết phụ phí
HĐND TP Hà Nội đã có Nghị quyết về tăng mức học phí ở các trường từ mầm non đến ĐH trên địa bàn từ năm học 2016 - 2017. Cụ thể, học phí cấp mầm non và phổ thông công lập tăng từ 60.000 đồng lên 80.000 đồng/tháng (khu vực thành thị), 30.000 - 40.000 đồng/tháng (khu vực nông thôn) và từ 8.000 - 10.000 đồng (khu vực miền núi). Cũng từ năm học này trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế hoạch - Đầu tư thông báo.
Liên quan đến quyết định này, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, khẳng định cùng với việc tăng học phí sẽ đẩy mạnh yêu cầu minh bạch trong chi tiêu, tiền của phụ huynh đóng góp chỉ dùng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường chứ không phải để chi tiêu vào việc khác.
Sở GD-ĐT Hà Nội hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi đầu năm học. Theo đó quy định khá cụ thể, chi tiết cho các khoản được thu, không được thu và hình thức thu góp. Hướng dẫn cũng quy định cụ thể các khoản mà Ban đại diện cha mẹ HS không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học như: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh trường học, trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS, vệ sinh lớp học, khen thưởng cán bộ công nhân viên nhà trường, mua sắm trang thiết bị và đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ giáo viên, xây dựng mới các công trình của nhà trường...
Tuyết Mai
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.