Nhiều tuyến đê quanh Hà Nội sạt lở

04/11/2008 01:09 GMT+7

* Mưa lũ đã làm ít nhất 51 người chết, 7 người mất tích, 4 người bị thương * Bắc Bộ lại đối diện với một đợt mưa lớn * Cửa ngõ phía Nam Hà Nội vẫn tắc Chiều qua 3.11, Thành ủy, UBND TP Hà Nội họp giao ban về tình hình mưa lũ, thiệt hại và đưa ra các biện pháp phòng chống, khắc phục của thành phố.

Theo báo cáo nhanh của UBND thành phố, trong đợt mưa lũ vừa qua toàn khu vực nội thành có 90 điểm bị ngập úng cục bộ. Sau khi huy động máy móc, con người tập trung tiêu nước, tính đến cuối ngày 3.11 vẫn còn 23 điểm bị ngập nước, trong đó quận Hoàng Mai bị ngập nặng nhất. Hiện việc tiêu úng cho khu vực nội thành chỉ trông chờ vào trạm bơm Yên Sở. Tại khu vực ngoại thành, đã có 28.700 hộ dân bị ngập úng, hàng chục nghìn ha hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản có khả năng mất trắng.

Sau 3 ngày chống chọi với mưa lũ, đến nay thành phố vẫn còn đối mặt với hàng loạt nguy cơ ngập úng, trong đó phải kể đến hàng loạt tuyến đê điều, công trình thủy lợi bị sạt lở, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân và phục vụ sản xuất. Chỉ tính riêng trên tuyến đê sông Hồng đã có 13 vị trí bị sạt trượt nguy hiểm tại các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Long Biên... Tại huyện Mê Linh có 5 điểm bị sạt dài từ 4m đến 25m, trong đó tại xã Tráng Việt nhiều vị trí sạt lở gần kề với nhà ở và công trình phụ.

Những ngày qua, lũ lớn đã làm đê sông Bưởi tại xã Thạch Định, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) bị tràn khiến 4.530 nhà dân bị ngập trong nước; trên 4.300 ha cây trồng vụ đông bị ngập và hư hại. Nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở với khối lượng trên 60.000m3, đáng chú ý là tỉnh lộ 523 đi qua huyện Thạch Thành bị ngập một đoạn dài 48 km.

Ngọc Minh

Tổng hợp báo cáo của các quận huyện, tính đến ngày 3.11 đã có 20 người chết và 2 người bị mất tích. Trên 54.300 ha diện tích hoa màu, lúa bị ngập. 21 căn nhà bị đổ sập hoàn toàn. Trên 72.400 gia súc, gia cầm bị chết. 34.868 hộ dân bị ngập, trên 5.000 hộ phải di dời; nhiều tuyến đê, công trình thủy lợi, đường giao thông bị hư hại nghiêm trọng. Thiệt hại ước tính trên 3.000 tỉ đồng.

Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã thống nhất một số chủ trương, biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn. Theo đó, trong các ngày tới, thành phố phải tập trung mọi nguồn lực để xử lý thoát nước, khắc phục úng ngập trên toàn địa bàn; trước mắt ưu tiên cho khu vực nội thành. Giao Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, các địa phương có đê kè xung yếu ứng trực 24/24 để kiểm tra, xử lý các sự cố trên đê. Tập trung cứu trợ và hỗ trợ cho dân các vùng bị úng ngập, cô lập nghiêm trọng.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo: “Với nhiều biện pháp đang được triển khai, lượng nước úng trong nội thành trong hai ngày qua đã giảm rất lớn, mỗi ngày giảm gần 10 cm. Nếu thời tiết thuận lợi, trong 4 - 5 ngày nữa, khu vực nội thành sẽ hết ngập úng”.

 

Dịch vụ vận chuyển người và xe qua nơi ngập úng: 50.000 đồng/một người và một xe máy - Ảnh: K.T.L

* Có mặt tại kè Liên Trì nằm trên địa bàn xã Liên Trung, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đang bị sạt lở nghiêm trọng, sáng qua chúng tôi thấy từng mảng bê tông lẫn đất đá nằm ngổn ngang, đang chực bổ nhào xuống lòng sông Hồng. Vết nứt phần chân kè có chỗ rộng gần 2m. Cách điểm sạt lở khoảng vài mét về phía mặt đê cũng xuất hiện những vết hằn, nứt chạy dọc thân đê. Kè Liên Trì có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ khu vực phía tây Hà Nội. “Sự cố đang đặc biệt nguy hiểm bởi dòng nước đã áp sát, thúc thẳng vào thân đê”, bà Nguyễn Thị Dung, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Đan Phượng đánh giá. Hiện 50 sà lan chở đá, 3 xe cẩu được huy động tham gia xử lý sự cố; xe tải trên 5 tấn bị cấm chạy qua đoạn này... Tuy nhiên, ông Đào Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Liên Trung, khẳng định sự cố ở “trong tầm kiểm soát”.

Hôm qua, tình trạng ngập úng của Hà Nội đã bớt căng thẳng nhưng vẫn còn nhiều khu vực ngập sâu và bị cô lập, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Đoạn đường Giải Phóng, bắt đầu từ vị trí cách bến xe khách phía Nam (bến xe Giáp Bát) chừng 600m đến gần bến xe Nước Ngầm vẫn ngập úng nghiêm trọng dù trời Hà Nội đã ngớt mưa. Hàng loạt xe ngựa, xe cải tiến được huy động để chở người thuê. Có 3-4 chiếc xe tải loại 15 tấn đứng chờ khách, mỗi xe chở được cả trăm người với giá 50.000 đồng/xe máy và 1 người đi kèm. Bốn năm chiếc xe ngựa, xe bò, thậm chí vài chiếc phao cũng mời khách với đủ các loại giá, từ 30.000đ-60.000đ/chuyến.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, trong các ngày 4 và 5.11, ở Bắc Bộ tuy vẫn còn có mưa nhưng lượng mưa nhỏ, một vài nơi vùng ven biển có mưa vừa với lượng mưa khoảng 10 - 30 mm; các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa và mưa vừa, có nơi mưa to. Tuy nhiên, từ ngày 6 – 8.11, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường kết hợp với hội tụ rãnh gió tây trên cao nên ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa nhiều trở lại, rải rác mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa khoảng 100 - 200 mm, một số nơi hơn 200 mm. Mưa lớn sẽ khiến lũ các sông có khả năng lên trở lại, các bộ ngành, địa phương và người dân cần cảnh giác, chủ động đề phòng.

Lúc 16 giờ chiều qua 3.11, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,12m (trên báo động III là 0,12m); trên sông Cầu tại Đáp Cầu là 6,01m (trên báo động III là 0,21m); trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 5,38m (dưới báo động III là 0,42m); trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,39m (dưới báo động II là 0,11m); trên sông Hồng tại Hà Nội là 6,64m (dưới báo động I gần 3m). Dự báo, lũ trên sông Hoàng Long tiếp tục xuống chậm; trên sông Cầu, sông Thương và hạ lưu sông Thái Bình tiếp tục lên chậm; sông Đà, Thao, Lô, hạ du sông Hồng tiếp tục lên nhanh.

Quang Duẩn

Chúng tôi leo lên một chiếc xe bò bên trên đặt một dát giường, 4 người đẩy. Bốn thanh niên từ Thái Bình, Nghệ An ra Hà Nội làm thuê, thấy mưa ngập nên họ về nhà bê dát giường nhà trọ, thuê một chiếc xe bò với giá 100.000đ/ngày ra chỗ ngập chở khách. “Một ngày chúng em cũng kiếm được mỗi đứa 400-500.000 đồng”, Tính, cậu thanh niên quê Thái Bình, vừa nhai miếng bánh ngọt vừa nói. Xe khách, xe tải ngập đến ca-bin chết máy nằm la liệt, đường ray tàu hỏa ngập mất hút dưới lớp nước đục ngầu. Nước ngập bến xe Giáp Bát đã giam chân hàng chục xe khách trong bến. Anh Dinh, chủ xe 17K-4864 cho biết, sáng 3.11, anh phải thuê xe tải để kéo xe 40 chỗ ngồi ra khỏi bến ngập nước, đoạn đường dài 300m nhưng anh phải trả mất 2 triệu đồng.

Đến chiều qua, một số tuyến đường, khu dân cư tại Hà Đông vẫn còn chìm trong nước. Trong đó, toàn bộ khu vực khu tập thể Bà Triệu (phố Nhuệ Giang) nằm sát bờ sông Nhuệ vẫn còn bị cô lập. Khi chúng tôi tới đây, cũng là lúc anh Mai Xuân Kiệm (số nhà 89 – khu tập thể Bà Triệu) đang cố lội nước, men theo con phố Nhuệ Giang tìm đường tới cơ quan để ứng tiền mua đồ về cho gia đình. Sau khi được phóng viên đưa đến cơ quan, anh Kiệm đã tới chợ mua ít rau, vài cân gạo rồi không quên tới tiệm mỹ phẩm mua một lọ nước hoa. “Nhà hôi lắm rồi, không chịu được nữa. Phải xịt chút nước hoa cho dễ thở”, anh Kiệm phân bua.

Chị Nguyễn Thị Hằng, hàng xóm nhà anh Kiệm kể: “Nhà hết gas đúng vào những ngày trời mưa như trút nước. Nhịn được bữa trưa, buổi tối đói quá, không chịu được đành đánh liều lội nước sang nhà bên cạnh nấu nhờ”. Nhìn dòng sông cuồn cuộn chảy, sóng vỗ ì oạp dưới chân, chị Hằng than: “Chắc phải dăm bảy hôm nữa cư dân ở đây mới hết khổ”.

 

Người phụ nữ này phải đi xa hàng chục km để xin mì tôm, rau muống và than tổ ong - Ảnh: K.T.L

Trong khi đó, trạm bơm Yên Sở lúc 16 giờ chiều qua hàng chục công nhân vẫn xúc đất vào bao tải, chất thành bờ đê bao quanh trạm để chống lụt. Ông Bùi Xuân Phúc, Giám đốc Xí nghiệp quản lý cụm công trình đầu mối Yên Sở (trong đó có trạm bơm Yên Sở), cho biết hiện nước ở đập Thanh Liệt là 5,71m, nước ở ngoài sông Nhuệ là 5,93m; dù đã rút khoảng 20 cm so với đỉnh hôm 1.11, nhưng nước sông vẫn cao hơn vị trí đặt máy bơm khoảng 30 cm. Ông Phúc nói: “Thời điểm căng thẳng nhất là rạng sáng 1.11, khi đó nước dâng cao, ở miệng hố ga nước phun ra mấp mé sàn đặt các tổ máy. Lãnh đạo UBND thành phố sau khi khảo sát tình hình đã huy động hơn 400 người dùng các bao tải đất cho lên thuyền, chở ra đắp thành một đê rộng hơn 1m, dài gần 100m bao quanh các tổ máy rồi dùng bơm hút nước ra để tránh cho các tổ máy bị ngập. Tại trạm bơm, chúng tôi đã chạy tối đa công suất của 11 máy bơm, với 45m3/giây nhưng vẫn không thoát kịp nước cho nội thành, vì mưa quá lớn”.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai

Chiều tối 3.11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp khẩn Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương bàn và triển khai các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại các tỉnh phía Bắc. Báo cáo tại cuộc họp cho biết, mưa lũ đã làm ít nhất 51 người chết, 7 người mất tích và 4 người bị thương. Hà Nội là địa phương có số người thiệt mạng vì mưa lũ nhiều nhất với 20 người, tiếp theo là Nghệ An 9 người, Hà Tĩnh 5 người, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc mỗi tỉnh 4 người, Bắc Giang 3 người, Hòa Bình 2 người. Tại các tỉnh Ninh Bình, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Bình mỗi tỉnh có 1 người chết.

Mưa lũ cũng đã làm 99 nhà bị sập đổ và trôi, 106.936 nhà bị ngập và hư hại; 277.436 ha lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản bị ngập; 650 cầu hư hỏng; sạt lở 366.257m3 đất đá. Tổng thiệt hại về vật chất ước tính đã lên tới 5.272,6 tỉ đồng. Trong đó, Hà Nội trên 3.000 tỉ, Hà Nam 888,83 tỉ, Vĩnh Phúc 300 tỉ... Dự tính, các tỉnh cần tới trên 198 tỉ đồng để mua giống khôi phục diện tích hoa màu bị mất trắng.

Các bộ ngành, địa phương đã huy động lực lượng, nỗ lực triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, giúp đỡ nhân dân. Trong đó, lực lượng vũ trang Quân khu I, Quân khu II, Quân khu III, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã điều động 3.092 cán bộ chiến sĩ tham gia chống tràn đê, sơ tán dân... Hà Nội đã hỗ trợ nhân dân 5 huyện ngoại thành 8 tỉ đồng, 27 tấn mì tôm và 115 tấn gạo... Các đoàn công tác của Trung ương MTTQ tiếp tục đem mì tôm, gạo, chăn màn tới hỗ trợ dân các vùng lũ. Hiện tại, một số tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ tổng cộng 533,8 tỉ đồng, 5.000 tấn gạo, 800 tấn lúa giống, 30 tấn ngô giống, 200 cơ số thuốc, 3 tấn hóa chất khử trùng.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ ngành và địa phương tập trung triển khai các biện pháp đối phó với diễn biến tiếp theo của mưa lũ, đồng thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống. Phó thủ tướng nhấn mạnh, trước mắt cần sơ tán dân hoặc đảm bảo đầy đủ về thực phẩm, nước uống và y tế tại khu dân cư bị chia cắt; hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; giải quyết ngập nước, đảm bảo giao thông thông suốt. Phó thủ tướng lưu ý, Bộ Công thương và ngành Điện lực nhanh chóng khắc phục các sự cố, cấp điện trở lại để phục vụ công tác phòng chống mưa lũ và triển khai sản xuất kinh doanh; Bộ NN-PTNT và các địa phương hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng và chăn nuôi cho nông dân.

* Chiều tối 3.11, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, đợt mưa vừa qua đã trút xuống Hà Nội tổng cộng khoảng 40 triệu m3 nước. Việc tiêu úng, ngập cho Hà Nội hiện chỉ trông chờ duy nhất vào trạm bơm Yên Sở, nhưng công suất tối đa của trạm bơm này cũng chỉ đạt 5 triệu m3/ngày đêm. Vì vậy, phải mất khoảng 8 ngày mới có thể vét hết nước mưa trong thành phố. Ông Phát nêu lên một thực tế, việc thoát nước cho Hà Nội qua sông Tô Lịch và sông Nhuệ hiện không thực hiện được, trong khi đó đã có hiện tượng nước từ sông Nhuệ chảy ngược vào thành phố. Vì vậy, ông Phát yêu cầu các địa phương ngừng ngay việc bơm nước ra sông Nhuệ, áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn triệt để nước ngoại lai xâm nhập Hà Nội, đồng thời sẽ tổ chức bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Lệnh (Hà Nam), kéo giảm mực nước trên sông nhằm tạo điều kiện cho việc thoát nước cho Hà Nội. Tại khu vực nội thành, cần khoanh vùng để tiêu nước cục bộ. Bên cạnh đó, bằng mọi giá Hà Nội phải đảm bảo 11/11 tổ bơm tại trạm bơm Yên Sở hoạt động hết công suất 24/24 giờ.

Quang Duẩn

Thái Sơn – Phan Hậu - Káp Thành Long - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.