Nhiều thách thức cho nhà làm phim Việt

Ngọc An
Ngọc An
29/07/2020 06:27 GMT+7

Nhiều nhà làm phim, đại diện nhà quản lý, hiệp hội, tổ chức... đã có mặt tại hội thảo tham vấn Những cơ hội và thách thức của nhà làm phim Việt Nam diễn ra hôm 28.7 tại Hà Nội.

 
Rào cản từ kiểm duyệt
Tại hội thảo, đạo diễn phim tài liệu Đặng Hồng Giang kể câu chuyện về những lần anh bị yêu cầu cắt khỏi phim câu cảm thán hay câu nói của nhân vật mang ngôn ngữ đời sống... Diễn viên Chiều Xuân thì chia sẻ, khi xem một bộ phim của đạo diễn Phan Đăng Di đã được hội đồng kiểm duyệt cắt gọt, bà không còn hiểu phim muốn nói gì. “Những nhà kiểm duyệt vẫn hay mang thuần phong mỹ tục ra làm cái cớ khi duyệt phim trong nước, trong khi có nhiều phim nước ngoài với những cảnh trần trụi hơn thì vẫn cho chiếu”, bà nói.

Nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền. Phải khẳng định Việt Nam có nền văn hóa, ngôn ngữ riêng qua nghệ thuật, điện ảnh

Đạo diễn Phan Đăng Di

Một cuộc khảo sát, phỏng vấn 21 nhân vật (gồm những nhà làm phim, sản xuất, đạo diễn, phê bình, chuyên gia nghiên cứu...) đã được thực hiện. Trong báo cáo của cuộc khảo sát, phỏng vấn được bà Nguyễn Thu Phương, Giám đốc Trung tâm công nghiệp văn hóa (VICAS), chia sẻ thì có nhà làm phim nhận xét: Kiểm duyệt phim không rõ ràng, gây hoang mang; nhiều bộ phim đã phân loại độ tuổi nhưng còn bị cắt, đạo diễn không có quyền lựa chọn; thậm chí có ý kiến còn cho rằng nhận thức của hội đồng kiểm duyệt không cởi mở bằng thời trước... Bà Nguyễn Thu Phương cũng nêu ý kiến về rào cản thể chế, chính sách trong bản báo cáo: Những điều luật trong luật Điện ảnh Việt Nam chưa có barem hay tiêu chuẩn nào rõ ràng; luật không rõ ràng và thống nhất, đôi khi làm khó cho hội đồng duyệt; chưa tạo điều kiện cho ngành điện ảnh...
Đạo diễn Trần Phương Thảo, đạo diễn phim tài liệu Đi tìm Phong nhận giải thưởng tại nhiều liên hoan phim (LHP) quốc tế, đã đặt câu hỏi với đại diện Cục Điện ảnh xem xét về việc nên bỏ khâu kiểm duyệt những bộ phim trong nước tham dự LHP trong và ngoài nước. Chị cho rằng mỗi LHP đều có hội đồng tuyển chọn và có thể chịu trách nhiệm về những phim tham dự. “Những nhà làm phim chỉ có nhu cầu được chia sẻ tác phẩm của mình. Nhưng quy định của luật hầu như đặt chúng tôi vào tình thế mình đang sai luật”, chị bày tỏ.

Cần tìm đúng người, làm đúng việc

Theo đạo diễn Phan Đăng Di, đã có nhiều buổi hội thảo để nói về những khó khăn, nhưng cái thiếu ở đây là sẽ thực thi giải pháp thế nào. Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng thời gian qua đã có nhiều phim ngắn của những nhà làm phim trẻ của Việt Nam đến được những LHP uy tín thế giới. “Năm nay chúng ta có hẳn 3 bộ phim của đạo diễn Việt Nam tham gia hạng mục phim ngắn quốc tế của LHP quốc tế Locarno (Thụy Sĩ), một trong những LHP quan trọng của châu Âu. Tại sao chúng ta lại có sự xuất hiện rộng rãi như vậy? Chuyện đó đến từ những việc làm rất cụ thể. Đó là cơ chế lựa chọn gọn nhẹ, nhưng công bằng”, anh nhận xét. Đạo diễn nhìn nhận: “Để đi đến kết quả cụ thể thì mình phải có cách để nhìn ra tài năng, tìm nguồn lực để họ đi những bước đầu tiên. Sau những bước đó, họ có thể đi những bước xa hơn. Tôi cho rằng những ước muốn làm thay đổi hay tạo cho điện ảnh Việt Nam tiếng nói mới thì phải có những hành động cụ thể, nghĩa là mình phải rất sát sao với những gì đang diễn ra, phải có tư duy rất công bằng trong việc mang đến cơ hội, phải có sự tôn trọng các tài năng”.

Luật Điện ảnh đã lạc hậu

Bà Phạm Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa (Văn phòng UNESCO, Hà Nội), cho hay trong báo cáo của UNESCO từ năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã cam kết xóa bỏ tiền kiểm trong mọi lĩnh vực sáng tạo. Trong những quy định về mặt pháp lý là không có việc tiền kiểm, tuy nhiên có những điểm lại chưa quy định rõ trong luật. Nhiều ý kiến cũng cho rằng luật Điện ảnh đã quá lạc hậu. Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam, nói: “Luật Điện ảnh thế nào rồi cũng phải sửa đổi. Mặc dù luật có vẻ như đầy đủ nhưng thực sự nhiều phần trong đó đã lỗi thời. Luật ra đời năm 2006 khi chỉ có phim nhựa. Chỉ cần nhìn về mặt công nghệ thôi, luật chỉ quản lý phim nhựa thì đã lỗi thời rồi”.
Điều đáng tiếc, theo đạo diễn Phan Đăng Di, là những cơ hội cho những tài năng làm phim trẻ có thể có mặt tại những LHP quan trọng của thế giới lại đang đến từ những tổ chức nước ngoài. “Những nhà làm phim trẻ đó trong chừng mực nào đã khẳng định được tiếng nói nghệ thuật của mình. Vậy tại sao chúng ta không tiếp tục giúp họ? Đó là cách nhanh nhất và cũng đảm bảo để chúng ta tiếp tục có những tiếng nói ở những khu vực quan trọng nhất của điện ảnh thế giới. Chúng ta cần tìm đúng người, làm đúng việc”, anh nói. Đạo diễn Phan Đăng Di cũng nhấn mạnh: “Nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền. Phải khẳng định Việt Nam có nền văn hóa, ngôn ngữ riêng qua nghệ thuật, điện ảnh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.