Nhiều quận ở TP.HCM chờ rót ngân sách

27/06/2022 06:33 GMT+7

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thừa nhận địa phương còn gặp nhiều lúng túng trong công tác quản lý, điều hành ngân sách khi các quận thực hiện chính quyền đô thị.

Thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM (có hiệu lực từ tháng 7.2021), UBND 16 quận là cấp hành chính, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán giống như các sở, ngành khác. Sau gần 1 năm triển khai, bên cạnh giảm khâu trung gian là không tổ chức HĐND, các quận đang đối diện với nhiều bất cập, hệ lụy.

Mới đây, UBND Q.1 gửi văn bản kiến nghị UBND TP.HCM phân bổ nguồn vốn để thực hiện các dự án từ nguồn kết dư ngân sách (khoản chênh lệch thu lớn hơn chi) từ năm 2021 trở về trước. Lý do, sau khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, UBND quận không còn là một cấp dự toán ngân sách, toàn bộ khoản kết dư ngân sách đã nộp về thành phố, nhưng việc phân bổ kinh phí cho các dự án sử dụng nguồn vốn kết dư không kịp thời nên chưa thể triển khai.

Tắc nhiều công trình vì xếp hàng chờ kinh phí

Hồi tháng 3.2022, UBND Q.1 đã báo cáo nguồn kết dư ngân sách, nguồn cải cách tiền lương năm 2021 và nhu cầu sử dụng kết dư ngân sách quận, phường để Sở Tài chính tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM, nhưng đến nay sau 3 tháng vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết.

Để đảm bảo tiến độ các dự án này, Q.1 kiến nghị TP.HCM bố trí gần 95 tỉ đồng vốn ngân sách trong năm 2022 để thực hiện 6 công trình, dự án đã có nghị quyết HĐND quận phê chuẩn. Đồng thời, bố trí vốn cho công trình, dự án chuyển tiếp từ nguồn ngân sách quận để thanh toán kinh phí duy tu sửa chữa 94 hẻm và 6 công trình khác với tổng vốn khoảng 51 tỉ đồng. Đối với các công trình, dự án dự kiến thực hiện từ năm 2022 - 2025, Q.1 cũng kiến nghị bố trí 512 tỉ đồng; cũng như bố trí hơn 16 tỉ đồng từ nguồn kết dư ngân sách cấp phường đã nộp về trước đây cho các công trình, dự án của 10 phường.

Khó khăn về nguồn vốn của Q.1 không phải là trường hợp cá biệt, mà là thực trạng chung của 16 quận ở TP.HCM khi thực mô hình chính quyền đô thị. Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND Q.12, nêu 2 khó khăn chính về điều hành ngân sách khi thực hiện chính quyền đô thị so với trước đây. Thứ nhất là địa phương mất tính chủ động, bởi vì tất cả ngân sách cho hoạt động của quận sẽ do Sở Tài chính trình UBND TP.HCM phê duyệt từ đầu năm. Thứ hai, khi chuyển thành đơn vị dự toán ngân sách thì quận không còn nguồn kết dư là khoản thu ngân sách vượt dự toán pháp lệnh được giao.

Ông Đức cho biết các năm trước, nguồn kết dư ngân sách dùng để đầu tư các dự án nạo vét hệ thống thoát nước, mở rộng đường, làm đèn chiếu sáng… Nhưng kể từ năm 2022, các quận muốn đầu tư bất kỳ dự án nào cũng phải lập danh mục đầu tư gửi Sở KH-ĐT và Sở Tài chính thẩm định từ cuối năm trước, nếu các sở duyệt thì mới được làm, còn không thì tiếp tục xếp hàng chờ.

Tại TP.HCM, trong điều hành ngân sách tại các quận, huyện có đặc thù là ngoài nguồn vốn từ TP.HCM phân bổ, còn có khoản kết dư ngân sách được giữ lại để chi đầu tư phát triển. Khoản kết dư này không đồng đều giữa các quận vì phụ thuộc vào tình hình thu ngân sách, như một số quận trung tâm có thể lên tới cả trăm tỉ đồng mỗi năm. Đây là nguồn vốn quan trọng để triển khai một số công trình, dự án mà nghị quyết đại hội Đảng bộ các quận đề ra căn cứ trên nhu cầu thực tiễn và định hướng phát triển địa phương.

Đồng quan điểm, chủ tịch UBND một quận khu vực trung tâm TP.HCM cho biết, công tác điều hành một quận với hàng trăm ngàn dân luôn có nhiều công việc phát sinh cần đến ngân sách, nhưng quy định dự toán ngân sách khiến công việc bị đình trệ. “Trước đây, chủ tịch quận có thể quyết chi vài chục tỉ, thậm chí cả trăm tỉ đồng; nhưng giờ có khi vài chục triệu cũng không quyết được”, vị này nói.

Mất tính năng động, chủ động của cơ sở

Trao đổi với Thanh Niên, một đại biểu HĐND TP.HCM nhìn nhận mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM có nhiều nội dung hạn chế, ràng buộc hơn so với giai đoạn thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường (2009 - 2016).

“Ôm” nhiều sẽ làm không xuể

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, cho rằng nếu phân quyền, ủy quyền về chính quyền cơ sở thì sẽ chủ động và quản lý hiệu quả hơn. Trong khi đó, nếu giao Sở Tài chính “ôm” hết việc phân bổ ngân sách thì có thể sẽ làm không xuể và ảnh hưởng đến công việc chung của các quận.
Do nghị quyết của Quốc hội đã có hiệu lực, nên ông Thắng cho rằng các địa phương cần nêu ra bất cập và chứng minh hiệu quả khi để lại ngân sách cho địa phương quản lý nhằm thuyết phục cấp có thẩm quyền điều chỉnh.

Cụ thể, trong giai đoạn thí điểm, dù không tổ chức HĐND nhưng quận, huyện vẫn là đơn vị cấp ngân sách, được quản lý nguồn dự phòng và nguồn kết dư để chủ động xử lý các công việc phát sinh, đầu tư các dự án trên địa bàn. “Nguồn vốn này rất có ý nghĩa để địa phương đầu tư xây dựng cơ bản, phục vụ nhu cầu người dân. Qua đó, tạo áp lực cho cán bộ, công chức phải trăn trở, sáng tạo để có nhiều công trình hơn. Đáng tiếc là Nghị quyết 131 lại không kế thừa quy định đã được chứng minh là hiệu quả này”, vị này nói.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thừa nhận địa phương còn gặp nhiều lúng túng trong công tác quản lý, điều hành ngân sách khi các quận thực hiện chính quyền đô thị. Lý do, đến nay TP.HCM vẫn chưa nhận được hướng dẫn của bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân sách khi chuyển đổi UBND các quận từ cấp ngân sách thành đơn vị dự toán ngân sách.

Từ năm 2021, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, đột xuất phát sinh trong năm của chính quyền quận, theo định mức khoán phù hợp tình hình thực tế của quận dựa trên khả năng cân đối ngân sách thành phố. Kiến nghị này đã được Bộ Tài chính có văn bản trao đổi với Bộ Nội vụ vào cuối năm 2021, trong đó nêu rõ: “Trường hợp cần thiết, đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép đơn vị dự toán ngân sách quận thuộc TP.HCM có dự phòng ngân sách như cấp ngân sách”.

Trong buổi làm việc mới đây với Bộ Nội vụ, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan tiếp tục kiến nghị cơ quan T.Ư chấp thuận đề xuất trên, đồng thời có hướng dẫn quy trình hoặc cơ chế đặc thù thực hiện giao, quản lý, điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách quận nhằm đảm bảo tính chủ động, kịp thời cho UBND quận trong công tác điều hành ngân sách.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng nhìn nhận khi thực hiện chính quyền đô thị, các quận không còn cấp ngân sách nữa thì sẽ rất khó khăn vì mất đi tính năng động, chủ động của cơ sở.

Do đó, bà Trà đề nghị TP.HCM sớm đánh giá sơ kết 1 năm thực hiện chính quyền đô thị, báo cáo bộ, ngành T.Ư những khó khăn, vướng mắc kèm theo đề xuất để cùng tháo gỡ. “Vướng nhất hiện nay là phân cấp, phân quyền liên quan đến các vấn đề về tài chính, đầu tư, quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, tổ chức bộ máy”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.