Nhiều nước hưởng lợi nhờ đăng cai những giải đấu quốc tế

Khánh An
Khánh An
17/04/2022 11:30 GMT+7

Các quốc gia đăng cai những sự kiện thể thao lớn đã hưởng lợi nhờ tận dụng tốt các nguồn thu, tiết kiệm chi phí, giúp thúc đẩy quá trình phục hồi từ đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều sự kiện thể thao trong những năm gần đây bị hoãn do các quy định phòng dịch của nước chủ nhà, lo ngại về việc kém thu hút khán giả cũng như những băn khoăn về nguy cơ thu không đủ bù chi. Tuy nhiên, nhiều nước sau đó vẫn quyết tâm tổ chức và đạt được nhiều lợi ích lâu dài. Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, các ban tổ chức đã nỗ lực tận dụng những nguồn thu như bán bản quyền phát sóng, kinh doanh thương hiệu của giải, bán vé cũng như tài trợ.

Nhật Bản đã có nhiều kinh nghiệm nhờ tổ chức Thế vận hội 2020

Reuters

Thừa thế xông lên

Trang Today mới đây đưa tin Singapore thông báo sẽ tranh vé tổ chức Giải vô địch điền kinh thế giới 2025, sau khi tổ chức thành công giải AFF Cup 2020 (diễn ra từ ngày 5.12.2021 - 1.1.2022). Tổng cục Thể thao Singapore (SportSG) cho biết nếu thành công, Singapore sẽ trở thành quốc gia đầu tiên tổ chức giải thể thao lớn này, trùng với dịp kỷ niệm 60 năm độc lập. SportSG và Hiệp hội Điền kinh quốc gia Singapore cho biết việc tổ chức không chỉ giúp tăng uy tín của Singapore khi có thể tổ chức các giải đấu lớn, mà còn thúc đẩy thế hệ vận động viên mới trong nước và hứa hẹn đóng góp cho lĩnh vực du lịch.

Trước đó, Singapore đã thận trọng và tự tin tổ chức AFF Cup, dù biến thể Omicron đang lây lan tại nhiều nước, kèm những biện pháp phòng dịch chưa dỡ bỏ hết. Singapore quyết định mở cửa sân vận động quốc gia 55.000 chỗ ngồi và sân Bishan 6.000 chỗ ngồi. Đây cũng là sự kiện tập trung đông người nhất tại Singapore kể từ đầu dịch và thể hiện quyết tâm sống chung với Covid-19. “Đó là tín hiệu Singapore mở cửa kinh tế, du khách có thể đến và chúng ta có thể học cách sống với dịch bệnh”, theo tờ Straits Times dẫn lời ông James Walter, lãnh đạo nhóm kinh doanh thể thao tại Đông Nam Á của Công ty Deloitte (Anh). Nhờ đó, dù khó có thể tính bằng con số cụ thể, lợi ích thực sự của Singapore thông qua việc tổ chức giải đấu này là điều chắc chắn, trong bối cảnh khu vực mở cửa và phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Kinh nghiệm tổ chức

Trong một sự kiện khác, theo trang Inside The Games, Thế vận hội Tokyo 2020 (diễn ra từ ngày 23.7 - 8.8.2021) đã đem lại doanh thu đến 1,76 tỉ USD từ mảng phát sóng, giúp mảng quảng cáo của Công ty NBCUniversal (Mỹ) tăng doanh thu 73% so với năm trước đó. Thậm chí từ trước khi diễn ra sự kiện, hãng Bloomberg dẫn lời quan chức Jeff Shell của NBCUniversal tự tin rằng việc phát sóng Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ đem lại lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử công ty, dù nhiều nơi trên thế giới đang đối phó Covid-19.

Dự kiến tổng chi phí của Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ được công bố vào tháng 6. Theo AP dẫn lời CEO Toshiro Muto của Ban tổ chức, ước tính chi phí của sự kiện trên là 13,6 tỉ USD, thấp hơn 1,8 tỉ USD so với ước tính ban đầu. Ông Muto chưa nêu nguyên nhân nhưng giới chuyên môn cho rằng nhờ ban tổ chức đã tiết kiệm chi phí nhân công. Đáng chú ý, Ban tổ chức đã thu hút được 5,9 tỉ USD chi phí từ lĩnh vực tư nhân. Trong khi đó, ông Muto cho biết kinh nghiệm từ sự kiện trên sẽ được truyền lại cho giới chức tại Sapporo, nơi đang cạnh tranh chiếc vé tổ chức Thế vận hội mùa đông năm 2030. Thành phố này của Nhật được cho là một trong những ứng viên hàng đầu, bên cạnh Salt Lake City (bang Utah, Mỹ) và Vancouver (tỉnh bang British Columbia, Canada). Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng có khả năng tham gia tranh vé tổ chức, dù Ủy ban Olympic Quốc tế chưa nói rõ thời điểm công bố thành phố sẽ tổ chức sự kiện trên. Ông Muto còn cho biết kinh nghiệm từ Tokyo sẽ được truyền cho Osaka, nơi sẽ tổ chức Triển lãm thế giới (World Expo) vào năm 2025 và thành phố Nagoya, nơi sẽ tổ chức Đại hội Thể thao châu Á (Asian Games) vào năm 2026.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.