Nhiều nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm trữ dùng tết

13/12/2017 05:42 GMT+7

Để phòng chống ngộ độc, sử dụng thực phẩm an toàn, người dân cần ủng hộ kênh phân phối hiện đại và các địa chỉ sản xuất kinh doanh có uy tín.

“Tết là dịp dễ xảy ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao do người dân trữ thực phẩm nhiều mà việc bảo quản không đúng và ăn uống thất thường. Mặt khác, đây cũng là dịp một số đối tượng gia tăng sản xuất sản phẩm kém chất lượng nhưng người dân lại tiêu dùng nhiều trong dịp tết như: bánh mứt, lạp xưởng, đồ khô... Bên cạnh đó, việc sản xuất thực phẩm ở các cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh ATTP, rất dễ bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, rượu giả cũng sẽ rất nhiều”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM chia sẻ với Thanh Niên.
Theo bà Lan, Ban Quản lý ATTP đã có kế hoạch kiểm tra vệ sinh ATTP vào dịp tết, lồng vào chương trình kế hoạch thanh tra năm 2018. Các đội quản lý ATTP của ban sẽ phối hợp với đoàn liên ngành quận, huyện để lên kế hoạch kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, về các điều kiện đảm bảo ATTP và các khâu khác. Đặc biệt, tập trung vào một số thực phẩm, nước uống dùng cho dịp tết như: nước đá, rượu bia, bánh mứt, giò chả, nem... Trong đó, kiểm tra rượu bia sẽ có chuyên đề riêng để lấy mẫu xem có cồn công nghiệp ethanol hay không?
Ban cũng sẽ kiểm tra ATTP ở các chợ truyền thống, siêu thị và các cơ sở khác. Ngoài thanh kiểm tra còn lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm. Các đội quản lý ATTP cũng sẽ phối hợp với địa phương để xử lý sự cố nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm trước khi báo cho đội xử lý ngộ độc thực phẩm tại ban. Nhưng theo bà Lan, quan trọng nhất là phòng chống ngộ độc, cố gắng không để xảy ra rối loạn tiêu hóa hay các vấn đề sức khỏe khác liên quan ATTP.
Đối với các loại thức ăn đường phố, các mặt hàng tươi sống bán ở các sạp, chợ... có rất nhiều nguy cơ nhiễm vi sinh cao. Do vậy, theo bà Lan, để phòng chống ngộ độc, sử dụng thực phẩm an toàn, người dân cần ủng hộ kênh phân phối hiện đại và các địa chỉ sản xuất kinh doanh có uy tín. Người dân trong quá trình chế biến thực phẩm, nên ăn chín, uống sôi và tuyệt đối không dùng thực phẩm tươi sống chưa nấu chín đầy đủ vì nguy cơ gây nhiễm vi sinh cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Ban Quản lý ATTP TP.HCM chỉ đạo khẩn trương triển khai hoàn thành kế hoạch thanh, kiểm tra đã được phê duyệt; đẩy mạnh thanh, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9.5.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018, bắt đầu triển khai ngay từ tháng 12.2017.
Duy Tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.