Nhiều người trẻ hoảng hồn khi chứng minh nhân dân của mình bị rao bán trên mạng

18/05/2021 08:14 GMT+7

Ngô Thanh H. (32 tuổi, ở đường Dương Đình Cúc, H.Bình Chánh, TP.HCM) giật mình và hoảng hồn khi thấy chứng minh nhân dân của mình bị rao bán trên Facebook.

H. kể lại đã từng cầm đồ tại một tiệm trên đường Âu Cơ (Q.Tân Phú). Tuy nhiên sau đó không chuộc lại và vô tình mất hẳn chứng minh nhân dân. Để rồi giờ đây, chứng minh nhân dân của H. trở thành 'món hàng' được rao bán.

Chứng minh nhân dân giá... 150.000 đồng

Còn Lê Tùng Q. (29 tuổi, ở đường Lê Thúc Hoạch, P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) thú thật việc cách đây hơn một năm, Q. từng 'vay nóng' bằng cách cung cấp chứng minh nhân dân và sổ KT3. Vì không có khả năng trả, Q. chấp nhận bỏ giấy tờ tùy thân hòng 'thoát nợ'. Mới đây, Q. vô tình thấy được chứng minh nhân dân của mình bị rao bán.
Những trường hợp như Q. không ít. 'Dính' vào tín dụng đen, sau đó để trốn nợ, nhiều người thay đổi chỗ ở, bỏ luôn những: chứng minh nhân dân, bằng lái xe, sổ hộ khẩu... Và những loại giấy tờ này trở thành mặt hàng được rao bán nhan nhản trên các hội, nhóm ở Facebook.
Tại các hội, nhóm như: DSNX TP.HCM, NXSG..., dễ dàng bắt gặp những lời rao: 'cần thanh lý gấp số lượng lớn chứng minh nhân dân và bằng lái xe', 'có nhiều chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, bằng lái xe, ai có nhu cầu mua không?'...
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người tìm hỏi để thu mua như: 'cần tìm chứng minh nhân dân nữ sinh năm 1996', 'có ai bán chứng minh nhân dân nam sinh năm 1998 mà ở TP.HCM không?'...
Người viết liên hệ với một thành viên rao bán chứng minh nhân dân. Người này cho biết đang sở hữu khá nhiều chứng minh nhân dân với những năm sinh như 2000, 1995, 1998, 1985..., được cấp bởi công an ở nhiều tỉnh, thành.
Theo đó, giá bán mỗi chứng minh nhân dân là 150.000 đồng. Nếu mua số lượng nhiều, từ 20 cái sẽ được giảm còn 100.000 đồng/cái.
Tương tự, với bằng lái xe, giá bán giao động từ 100.000 - 200.000 đồng/cái. Còn sổ hộ khẩu được bán với giá khoảng 250.000 đồng/cái...

Mua chứng minh nhân dân người khác làm gì?

Theo tìm hiểu, một số người tìm mua để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Huỳnh B. (quản lý một quán karaoke trên đường Bình Long, Q.Bình Tân, TP.HCM) không ngần ngại cho biết: 'Mua chứng minh nhân dân về rồi... dán ảnh nhân viên của quán để hợp thức hóa hợp đồng lao động cho nhân viên' (!?).
Có trường hợp cho biết vì mất chứng minh nhân dân, chưa có điều kiện làm lại nên tìm mua mang tên người khác để chỉnh sửa, 'biến' thành của mình, nhằm mục đích đi xin việc, 'qua mặt' nơi tuyển dụng (!?).
Chính thực trạng mua bán chứng minh nhân dân diễn ra trên mạng xã hội như vậy đã làm dấy lên nhiều lo lắng trong dư luận.

Vi phạm pháp luật

Trao đổi về vấn đề này, luật sư (LS) Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết thời gian qua lực lượng công an đã xử lý không ít trường hợp chuyên mua lại chứng minh nhân dân rồi thay ảnh mình vào để mở hàng chục tài khoản thẻ ATM, chiếm đoạt hàng tỉ đồng.
Cũng theo LS Diệp Năng Bình, cơ quan điều tra cũng phát hiện, phá đường dây tội phạm chuyên mua lại chứng minh nhân dân tại các tiệm cầm đồ rồi tới chi nhánh các ngân hàng để mở tài khoản ‘ảo’ lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều người. Không ít các trường hợp mua về để làm giả hợp đồng, lập công ty ma để trốn thuế, mua bán hóa đơn. Cũng không ít các đối tượng phạm tội sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để trốn truy nã. Ngoài ra, nếu không có giấy tờ tùy thân thì cá nhân sẽ bị tạm giữ hành chính để xác minh...
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 6 triệu đồng
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình. Trong đó nêu cụ thể các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân như: sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; tẩy xóa, sửa chữa; thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật... 
'Những hệ lụy từ việc mua bán này là rất lớn. Nếu vô tình làm mất chứng minh nhân dân thì nên nhanh chóng làm lại để tránh những hệ lụy về sau. Ngoài ra, cũng tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân trên mạng xã hội để tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Đợi đến lúc hành vi vi phạm pháp luật bị phát giác thì bản thân chủ thể đứng tên trên các giấy tờ đã có những thiệt hại nhất định về tài sản, danh dự, uy tín. Do đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an khi có dấu hiệu cho thấy có người đã sử dụng thông tin cá nhân của bạn vào mục đích bất hợp pháp và bạn cần cẩn trọng hơn khi giao giấy tờ tùy thân của mình cho người khác', LS Bình khuyên.
Theo LS Bình, chứng minh nhân dân là vật bất ly thân của mỗi người. Các chủ tiệm cầm đồ, người cho vay có quyền yêu cầu người cầm cố, người vay xuất trình chứng minh nhân dân để đối chiếu chứ không được quyền tạm giữ. Nếu lỡ giữ phải tìm mọi cách trả lại cho người cầm đồ, người vay tiền. Trong trường hợp không biết địa chỉ và người cầm đồ, người vay tiền bỏ hẳn thì phải giao nộp cho cơ quan chức năng. Mọi hành động tự ý tiêu hủy hoặc dùng chứng minh nhân dân thế chấp để làm ăn, buôn bán... sẽ bị xử phạt từ hành chính đến hình sự theo quy định của pháp luật.
Không chỉ có người bán chứng minh nhân dân phạm tội, mà người mua của người khác cũng dính líu. LS Bình phân tích: 'Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Vì nhiều mục đích xấu khác nhau nên họ mới bỏ tiền ra mua để sử dụng. Do đó đây được xem là hành vi vi phạm hành chính và tùy từng trường hợp có thể là hành vi vi phạm pháp luật hình sự'. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.