Nhiều lý do chủ thẻ thành con nợ

Thanh Xuân
Thanh Xuân
15/03/2024 04:17 GMT+7

Vụ chủ thẻ tín dụng nợ ngân hàng vài triệu đồng nhưng số tiền phải trả lên gần 9 tỉ đồng sau nhiều năm khiến nhiều người sửng sốt. Các chuyên gia lưu ý chủ thẻ ngoài lãi suất vay, cách tính phí của thẻ tín dụng cũng ở mức khá cao. Nếu không cảnh giác, chủ thẻ có thể thành con nợ như chơi.

Quên thẻ... nguy cơ thành con nợ

Sự việc khách hàng P.H.A mở thẻ Master Card tại Eximbank chi nhánh Quảng Ninh phát sinh dư nợ 8,5 triệu đồng từ năm 2013, sau 11 năm, số tiền tăng lên hơn 8,8 tỉ đồng đang gây xôn xao dư luận. Theo thông tin từ Eximbank, thẻ Master Card của ông P.H.A có hạn mức 10 triệu đồng. Vào tháng 4 và tháng 7.2013, thẻ ông P.H.A phát sinh 2 giao dịch. 

Đến tháng 9.2013, khoản nợ thẻ chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm. Phía Eximbank cho biết "đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm, Eximbank đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng. Hiện nay, Eximbank đang tiếp tục làm việc, phối hợp với khách hàng để có phương án hỗ trợ khách hàng xử lý nợ".

Nhiều lý do chủ thẻ thành con nợ- Ảnh 1.

Khách hàng cần thận trọng khi sử dụng thẻ tín dụng

NGỌC DƯƠNG

Số nợ sau 11 năm tăng lên hơn 1.000 lần so với dư nợ gốc của ông P.H.A là trường hợp hy hữu. Nhưng việc vay ít nợ nhiều vì kéo dài thời gian trả nợ đã xảy ra với rất nhiều chủ thẻ. Chị N.T.H (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết sau khi quẹt thẻ tín dụng 45 triệu đồng, do gia đình gặp khó khăn nên không trả được. Hơn 1,5 năm sau, chị bị NH kiện ra tòa đòi số tiền 72 triệu đồng. 

Còn chị Phương Anh (TP.HCM) thì nhớ trả nợ đúng hạn nhưng chỉ trả 29 triệu đồng trong số nợ 30 triệu đồng. Số tiền 1 triệu đồng dự định kỳ sau sẽ trả. Thế nhưng qua kỳ thứ 2, NH tính lãi cả số tiền 30 triệu đồng của chị, thay vì chị chỉ đóng lãi 1 triệu. Tổng số nợ 2 kỳ là 100 triệu đồng, tiền lãi phát sinh hơn 2 triệu đồng. Chị Phương Anh ra NH khiếu nại nhưng cũng không thành công nên phải đóng số tiền này.

Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển kể, một người bạn của ông quên trả nợ thẻ tín dụng 4 triệu đồng. Đến khi ra NH khác vay tiền, nhân viên thông báo anh có khoản nợ thẻ tín dụng trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) thuộc nợ nhóm 2. Lúc này, bạn anh không được hưởng lãi suất vay ưu đãi, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Là người lâu năm trong lĩnh vực tài chính, chuyên gia Huỳnh Trung Minh cho biết khá nhiều người mở rất nhiều thẻ tín dụng nên sẽ dễ quên ngày thanh toán trả nợ, dẫn đến phát sinh lãi cũng như phí phải trả cho NH. 

Một trường hợp "oan" nhưng phổ biến, đó là khi mở thẻ tín dụng sẽ có phí thường niên phát sinh, tùy loại thẻ có phí từ vài trăm ngàn đến mấy triệu đồng. Nhiều người cho rằng không sử dụng thẻ nên khi nhận tin nhắn đóng phí thường niên thì không đóng. Lâu ngày, số tiền này nhảy qua thành nợ xấu mà chủ thẻ không hề biết. Ông Minh cho rằng khách hàng cần rà soát lại số lượng thẻ đang có và đóng những thẻ không sử dụng để tránh phát sinh tiền nợ không cần thiết.

Lãi kép, phí ẩn... đè chủ thẻ

Với vụ vay tiền triệu thành con nợ tiền tỉ nói trên, nhiều người thắc mắc không hiểu cách tính lãi thế nào. Là chuyên gia tài chính, ông Đinh Thế Hiển cũng thừa nhận không biết cách tính lãi thẻ tín dụng như thế nào. "Không biết lý do gì khách không trả nợ vài triệu đồng nhưng NH cũng nên khoanh lại để lãi không tiếp tục nhảy lên cao trong suốt 10 năm qua. Những trường hợp nợ vài triệu đồng như thế này khá phổ biến trong NH, nếu để nợ tăng lên tiền tỉ thì liệu rằng trên bảng cân đối có thể hiện hay không", ông Hiển đặt vấn đề.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích: NH cho vay thường tính lãi đơn hay lãi kép. Đối với trường hợp của khách hàng có dư nợ gốc 8,5 triệu đồng mà nay lên 8,8 tỉ đồng sau 11 năm thì khả năng cao là tính lãi kép. Lãi kép là tính lãi trên lãi nên thời gian càng kéo dài thì phần lãi tăng càng cao. "Cách tính lãi của phía NH đối với thẻ tín dụng khá phức tạp, lắt léo nên cần người chuyên nghiệp mới có thể tính ra được. Một vấn đề mà nhiều khi chủ thẻ sử dụng không biết, đó là thời gian tính lãi. Thông thường NH cho sử dụng tiền tối đa 45 ngày không phải trả lãi. Nếu quá thời gian 1 ngày, khách hàng không trả nợ thì số tiền lãi sẽ tính trên 46 ngày chứ không phải 1 ngày như nhiều người nghĩ. Do đó, chủ thẻ cần lưu ý trả nợ đúng hạn, tránh phát sinh lãi không đáng có", ông Hiếu khuyến cáo.

Theo TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), thẻ tín dụng là hình thức cho vay tín chấp nên lãi cao hơn hình thức vay thế chấp. Nếu tính bình quân lãi suất vay 2%/tháng thì mỗi năm là khoảng 24%. Nhìn vào con số này thì không thấy cao nhưng cách tính lãi lũy tiến từng ngày làm cho "lãi mẹ đẻ lãi con", lãi kép nếu khách hàng chưa trả. Ngoài tiền lãi thì thẻ tín dụng còn có một số loại phí mà chủ thẻ phải để ý. Đó là phí phạt 150% lãi suất, phí thường niên, phí ứng trước tiền mặt phổ biến 4%, phí thanh toán chậm... Trong đó, phí chậm nộp khoảng 300.000 đồng, nếu chủ thẻ chậm thanh toán dư nợ dưới 300.000 đồng thì cũng chịu mức phí này. Một loại phí ẩn khác là phí chuyển đổi ngoại tệ từ 2 - 3% khi đi nước ngoài. Nhiều người không để ý mức phí này khi sử dụng thẻ thanh toán hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài; đến khi bị tính mới ngã ngửa.

Để không mất tiền phí, lãi khi sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng thanh toán đầy đủ số tiền dư nợ phát sinh. Trường hợp chưa đủ tiền thì thanh toán mức tối thiểu khoảng 5% dư nợ.

TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.