Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở Kon Tum gây lãng phí

09/01/2024 18:00 GMT+7

Tại Kon Tum có 4 cụm công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, 6 cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải và 1 khu công nghiệp chưa thể thu hút đầu tư, gây lãng phí 100 ha đất.

Ngày 9.1, UBND tỉnh Kon Tum cho biết đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong việc đưa đất vào sử dụng tại các khu công nghiệp đạt tỉ lệ thấp.

Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở Kon Tum gây lãng phí- Ảnh 1.

Khu công nghiệp H.Đăk Tô rộng hơn 100 ha chưa thể thu hút đầu tư, gây lãng phí

TRANG ANH

Cụm công nghiệp đang là rừng, là rẫy

Thời gian qua, HĐND tỉnh Kon Tum đã thực hiện giám sát công tác quy hoạch, đầu tư và hiệu quả hoạt động của khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Việc quy hoạch các cụm công nghiệp tại Kon Tum được kỳ vọng sẽ là động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế nhưng thực tế lại xuất hiện nhiều tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, H.Kon Plông có 1 cụm công nghiệp gần trung tâm TT.Măng Đen bị liệt vào danh sách gây lãng phí ngân sách. Đến nay, Cụm công nghiệp Kon Plông đã được đầu tư đường, điện, nước, rà phá bom mìn... với tổng kinh phí hơn 4,1 tỉ đồng nhưng không có bất cứ cơ sở sản xuất, kinh doanh nào. Ngoài một số tuyến đường đã được xây dựng từ nhiều năm trước, còn lại toàn bộ đất quy hoạch cụm công nghiệp đang là rừng.

Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở Kon Tum gây lãng phí- Ảnh 2.

Đã được đầu tư hơn 4,1 tỉ đồng nhưng Cụm công nghiệp H.Kon Plông vẫn đang là rừng

TRANG ANH

Tương tự, Cụm công nghiệp Đăk La (H.Đăk Hà) cũng tồn tại nhiều bất cập. Cách TP.Kon Tum khoảng 10 km, cụm công nghiệp này có vị trí thuận lợi khi nằm cạnh QL14 - tuyến giao thông xương sống của Tây nguyên.

Tuy nhiên, đã hơn 10 năm kể từ khi có quyết định thành lập, việc thu hút các dự án vào cụm công nghiệp này vẫn rất khó khăn. Hiện Cụm công nghiệp Đăk La mới có 7 doanh nghiệp thuê đất, đạt tỷ lệ hơn 37% diện tích.

Khó khăn lớn nhất của Cụm công nghiệp Đăk La là dù quy hoạch diện tích 50 ha nhưng phần lớn chưa được giải phóng mặt bằng. Hiện trạng đất chủ yếu đang là cây công nghiệp của người dân. Các nhà máy được xây dựng trong cụm công nghiệp xen kẽ trong rẫy của người dân. Các nhà đầu tư muốn triển khai dự án tại đây phải chờ giải phóng mặt bằng.

Theo HĐND tỉnh Kon Tum, qua làm việc, đoàn giám sát đã phát hiện những tồn tại tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cụ thể, có 4 cụm công nghiệp, gồm: Hòa Bình (TP.Kon Tum), Đăk Sút (H.Đăk Glei), Đăk Ruồng (H.Kon Rẫy), TT.Sa Thầy (H.Sa Thầy) chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Còn tại Khu công nghiệp H.Đăk Tô, hơn 100 ha đất chưa thể thu hút đầu tư, gây lãng phí. Đặc biệt, 6/8 cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Ngoài ra, Cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp TT.Đăk Hà (H.Đăk Hà) và Cụm công nghiệp - dịch vụ 24/4 (H.Đăk Tô) có một số trường hợp sử dụng đất để ở, sai ngành nghề kinh doanh, ngừng hoạt động nhưng chậm thu hồi…

Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở Kon Tum gây lãng phí- Ảnh 3.

Hiện Cụm công nghiệp Đăk La chỉ có 7 doanh nghiệp thuê đất, đạt tỷ lệ hơn 37% diện tích

TRANG ANH

Xử lý các trường hợp không thực hiện đúng, đủ mục tiêu đầu tư

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Kon Tum đã đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, hướng dẫn các địa phương thực hiện chương trình, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong cụm công nghiệp. Đồng thời, các cơ quan liên quan tăng cường gặp gỡ, đối thoại với các đơn vị, cá nhân hoạt động trong cụm công nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn để hoạt động kinh doanh có hiệu quả...

UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, thanh tra và xử lý đối với trường hợp thuê đất, thuê lại đất trong các khu công nghiệp nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng so với tiến độ đã giao kết trong hợp đồng thuê đất, thuê lại đất (theo tiến độ dự án đầu tư).

UBND tỉnh Kon Tum giao Ban Quản lý Khu kinh tế chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lập kế hoạch giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đầu tư đã được chấp thuận trong chủ trương/chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Qua đó, xử lý kịp thời các trường hợp không thực hiện đúng, đủ các mục tiêu đầu tư, các dự án không hoạt động, ngừng hoạt động hoặc vi phạm về pháp luật trong lĩnh vực đầu tư...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.