Nhiều hãng tiền mã hóa hàng đầu rục rịch IPO

Thu Thảo
Thu Thảo
29/08/2018 10:54 GMT+7

Vài trong số các hãng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đang chuẩn bị chịu giám sát gắt gao hơn để tìm hiểu giá trị thực sự của mình.

Theo Bloomberg, chủ các hãng Bitmain Technologies, Canaan và Ebang International Holdings, ba doanh nghiệp sản xuất thiết bị khai thác tiền mã hóa lớn nhất thế giới, đang đối mặt với viễn cảnh chịu giám sát chặt chẽ hơn khi họ tìm cách niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán Hồng Kông. Bitfury, cái tên lớn khác trong ngành, cũng để ngỏ khả năng chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) dù chưa có kế hoạch chắc chắn.
Nếu các hãng trên nhất quyết lên sàn, đợt chào bán cổ phiếu sẽ là đợt thử nghiệm lớn cho tài sản của các doanh nhân Jihan Wu của Bitmain, Zhang Nangeng của Canaan và Hu Dong của Ebang xem liệu tài sản của họ có bền vững hay chỉ phụ thuộc vào ồn ào nhất thời trên thị trường tiền mã hóa.
Cả ba doanh nghiệp đều tăng trưởng mạnh khi bitcoin lên giá 15 lần vào năm ngoái, song từ đầu năm đến nay thì gặp nhiều khó khăn hơn vì bitcoin rớt giá một nửa, và chính phủ các nước ngày càng quản lý, giám sát chặt chẽ hơn sàn giao dịch và thị trường tiền mã hóa.
Rủi ro ở đây là thị trường giảm giá kéo dài sẽ xói mòn nhu cầu dành cho chip máy tính chuyên dụng của các hãng sản xuất. Đây là loại chip mà giới thợ mỏ đào tiền mã hóa dùng để xác minh các giao dịch trong cuộc đua giành phần thưởng là đồng mã hóa.
Ông Jihan Wu Ảnh: Bloomberg
Bitmain, Canaan và Ebang nỗ lực thích ứng công nghệ của mình trong nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), song chưa chứng minh được ứng dụng mới của mình có khả năng mở rộng quy mô. Bán cổ phiếu công khai sẽ là thước đo thực về cách nhà đầu tư đánh giá triển vọng doanh nghiệp.
Vì có ít thông tin báo cáo kết quả tài chính công khai của các hãng sản xuất thiết bị đào tiền mã hóa và thông tin về tài sản khác mà ba doanh nhân này nắm giữ, việc ước tính tài sản của họ trước IPO phần nhiều là dự đoán.
Bitmain, hãng số một trong mảng này, đang lên kế hoạch IPO 3 tỉ USD. Ông Wu cùng nhà đồng sáng lập Micree Zhan cùng nhau nắm 60% doanh nghiệp đem về 2,5 tỉ USD doanh thu hồi năm ngoái. Ngoài việc bán thiết bị khai thác tiền mã hóa, Bitmain còn vận hành các nhóm khai thác tiền mã hóa lớn hàng đầu thế giới. Các nhóm này là nơi mà nhiều thành viên tổng hợp khả năng xử lý máy tính của họ và chia phần thưởng đồng mã hóa.
Bitfury thì bỏ túi 450 triệu USD doanh thu trong 12 tháng kết thúc vào tháng 3. CEO Bitfury Valery Vavilov và nhà đồng sáng lập Valery Nebesny cùng nắm lượng cổ phần lớn trong doanh nghiệp.
Ông Zhang Nangeng Ảnh: Bloomberg
Ba người sáng lập của Canaan là ông Zhang, Liu Xiangfu và Li Jiaxuan, mỗi người nắm khoảng 17% cổ phần công ty, trong khi ông Hu và gia đình của ông thì nắm 68% cổ phần Ebang. Canaan và Ebang đều đã nộp hồ sơ sơ bộ để niêm yết cổ phiếu ở Hồng Kông, dù thời điểm IPO chưa rõ và các hãng này không nhất thiết phải thực thi kế hoạch IPO.
Đà giảm giá tiền mã hóa có thể là một trong những lý do vì sao doanh nghiệp chưa bán cổ phiếu lúc này. Cổ phiếu các hãng có thể hấp dẫn với những nhà quản lý tài sản lạc quan về tiền mã hóa, song muốn tránh rủi ro đi kèm với việc nắm giữ loại tài sản này, trong đó có sự phiền phức của thỏa thuận về dịch vụ lưu ký rắc rối.
“Hệt như xẻng và quần jean Levi’s là hàng hot trong cơn sốt vàng. Các hãng này thực sự đem về doanh thu lớn”, chuyên gia nghiên cứu chứng khoán tổ chức Gil Luria tại D.A. Davidson & Co. cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.