Nhiều giải pháp hay để phát triển Đảng trong học sinh

Khánh Hoan
Khánh Hoan
19/05/2023 06:08 GMT+7

Tại diễn đàn "Nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng trong học sinh", các mô hình hay, cách làm hiệu quả, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển Đảng đối với học sinh thời gian qua đã được nêu ra.

Diễn đàn do T.Ư Đoàn phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư tổ chức tại tỉnh Nghệ An ngày 17.5 với hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, kết nối tới 900 điểm cầu cấp tỉnh và cấp huyện, với 130 đại biểu tham gia trực tiếp tại điểm cầu Nghệ An và gần 11.000 đại biểu tham gia trực tuyến.

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Phát biểu đề dẫn, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, nhấn mạnh diễn đàn được tổ chức nhằm đánh giá, phân tích thực trạng, những khó khăn, vướng mắc về công tác phát triển Đảng trong học sinh thời gian qua; đồng thời xác định các giải pháp, hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại trường học để thúc đẩy niềm tin cũng như mong muốn của học sinh với việc được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Nhiều giải pháp hay để phát triển Đảng trong học sinh - Ảnh 1.

Quang cảnh diễn đàn tại đầu cầu Nghệ An

H.T

Anh Triết cho biết hiện nay số lượng học sinh ở nước ta khoảng gần 5,8 triệu, trong đó, số lượng học sinh THPT là hơn 2,7 triệu. Đây là lực lượng chiếm hơn 48% tổng số đoàn viên trên cả nước. Việc xây dựng đội ngũ đảng viên trẻ trong học sinh THPT có tầm quan trọng đặc biệt, vì đây là nguồn nhân lực với số lượng đông đảo, tuổi đời trẻ, giàu niềm tin vào lý tưởng cách mạng... Do đó việc phát triển tốt lực lượng đảng viên ở nhóm đối tượng này sẽ tạo được nguồn phát triển dồi dào, chất lượng cao, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng Đảng vững mạnh, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Anh Triết cũng cho biết khó khăn hiện nay trong công tác kết nạp Đảng ở nhà trường là chưa có quy định riêng về tiêu chuẩn kết nạp Đảng cho khối trường học nói chung và học sinh nói riêng. Bên cạnh đó, vướng mắc về độ tuổi của học sinh THPT và các quy định, khi chưa có hướng dẫn cụ thể đối với học sinh gần cuối năm ra trường nhưng chưa được kết nạp. Do đặc điểm lứa tuổi, đa số học sinh chưa xác định rõ nghề nghiệp tương lai nên phần nào ảnh hưởng đến việc xác lập mục tiêu phấn đấu kết nạp Đảng của các em. Ngoài ra, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp bộ Đoàn ở một số nơi chưa thật sự phát huy tốt, một số nơi chưa thật sự quan tâm đầu tư về công tác phát triển đảng viên ở khối đối tượng học sinh.

GIẢI PHÁP VÀ CÁCH LÀM HIỆU QUẢ

Ông Trần Đình Trung, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh, cho biết số lượng học sinh ưu tú trong các trường THPT tại tỉnh được cử đi học lớp cảm tình Đảng mỗi năm bình quân trên 1.000 em, số lượng các em được kết nạp vào Đảng ngày càng tăng.

Ông Trung nêu kinh nghiệm: "Các tổ chức cơ sở Đảng ngay từ đầu năm học đã giao cho các trường khảo sát, phát hiện nguồn, xây dựng kế hoạch, cử đảng viên, tổ chức Đoàn theo dõi, phát động và bồi dưỡng qua các phong trào ở trường, từng bước xác định mục tiêu, lý tưởng để các em phấn đấu, rèn luyện. Sau đó, tuyển chọn và bồi dưỡng những em có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để cử đi học các lớp cảm tình Đảng".

Chị Trần Thu Hà, Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM, cho biết tại TP.HCM công tác tạo nguồn, kết nạp Đảng từ học sinh, sinh viên có được thuận lợi là nhờ sự quan tâm sâu sát và thường xuyên từ cấp ủy, lãnh đạo nhà trường.

"Thực tiễn cho thấy ở nơi nào được sự quan tâm của cấp ủy, thì nơi đó công tác giới thiệu đoàn viên ưu tú kết nạp Đảng được đẩy mạnh và có chất lượng. Đây là yếu tố quyết định thành công của công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú phát triển Đảng", chị Hà nói.

Ông Lô Thanh Bình, Phó bí thư Chi bộ, Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú số 2, tỉnh Nghệ An, cho rằng Đoàn trường là hạt nhân trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên, phát hiện những cá nhân tiêu biểu, gắn thêm những tiêu chí kết quả học tập, rèn luyện trong quá trình phấn đấu, tính tiên phong gương mẫu… để bồi dưỡng phát triển Đảng.

Ông Bình cho biết tại trường này, việc lựa chọn đoàn viên ưu tú được tổ chức rất chặt chẽ, nghiêm túc dựa trên nhiều kênh thông tin từ chi bộ, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, hội đồng giáo viên, tổ quản sinh… Sau khi nhận được ý kiến của các kênh thông tin trên sẽ xếp loại được đoàn viên ưu tú nhất để giới thiệu cho chi bộ xem xét. Chi bộ họp xét kết nạp phải nhận xét, đánh giá khách quan, minh bạch, cụ thể từng đối tượng về ưu điểm và hạn chế, sau đó bỏ phiếu kín để lựa chọn.

"Chính điều này sẽ giúp học sinh tin tưởng, phấn đấu học tập, rèn luyện để được đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường", ông Bình chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.