'Nhiều gia đình công nhân con nằm giường, bố mẹ nằm dưới sàn, vỏn vẹn 10 m2'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/07/2023 17:01 GMT+7

Nhà ở cho người lao động là một trong những vấn đề được nhiều công nhân, viên chức, người lao động đặt ra tại Diễn đàn Người lao động 2023, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì chiều 28.7.

Lo lắng khi doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội

Là người đầu tiên nêu ý kiến, chị Đào Thị Loan (Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ, tỉnh Bình Dương) nói, biết tin chị ra Hà Nội, nhiều bạn bè, đồng nghiệp nhắn gửi phải nói được các vấn đề mà rất nhiều công nhân đang quan tâm, bức xúc, trong đó có vấn đề nhà ở.

'Nhiều gia đình công nhân con nằm trên giường, bố mẹ nằm trên sàn, vỏn vẹn 10m2' - Ảnh 1.

Chị Đào Thị Loan (Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ, tỉnh Bình Dương) nêu ý kiến

GIA HÂN

"Công nhân từ miền Bắc, miền Trung và cả miền Tây lên Bình Dương và các tỉnh, thành phố làm việc, hầu hết phải thuê nhà trọ. Nhà thuê thường diện tích chật hẹp, ẩm thấp, tạm bợ, khó khăn trong sinh hoạt", chị Loan nói, và cho biết, rất vui khi gần đây Chính phủ có đề án xây 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân và người người có thu nhập thấp. Còn trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi, dự kiến cho phép Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

"Đây là một tin vui đối với công nhân, nhưng tôi vẫn lo lắng khi báo chí nói các doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội", chị Loan bày tỏ, và đề nghị Quốc hội sớm sửa luật để các dự án nhà ở cho công nhân được triển khai, đồng thời Chính phủ và chính quyền các địa phương dành kinh phí xứng đáng cho nhiệm vụ xây dựng nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp.

Cũng về vấn đề nhà ở, ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam (Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội), cho biết công nhân vui mừng, trông đợi vào gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120.000 tỉ đồng, áp dụng cho cả chủ đầu tư dự án và người mua, thuê nhà ở xã hội do Chính phủ vừa ban hành trong đề án 1 triệu căn hộ. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, mức lãi suất 8,2%/năm vẫn là rất cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp; thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, gây tâm lý bất an cho công nhân, người lao động khi vay.

"Thực tế gần như công nhân lao động chưa tiếp cận được nguồn vốn này", ông Sơn nói, và đề nghị Quốc hội giám sát, yêu cầu Chính phủ có giải pháp về vấn đề này để giúp người lao động tiếp cận được nguồn vốn.

'Nhiều gia đình công nhân con nằm trên giường, bố mẹ nằm trên sàn, vỏn vẹn 10m2' - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Việt Anh, đoàn viên Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel

GIA HÂN

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Anh, đoàn viên Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel, cho rằng cách đây mấy chục năm, khi đất nước còn nghèo, nhưng gần như nơi nào có nhà máy, xí nghiệp đông công nhân thì nơi đó đều có khu tập thể, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa.

Hiện nay, đất nước đã phát triển hơn, nhưng rất nhiều khu công nghiệp có hàng trăm nghìn công nhân nhưng nhà chung cư chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Công nhân đành phải thuê nhà dân, do tiền ít nên thuê nhà chật hẹp, không đảm bảo an toàn.

"Chúng tôi chứng kiến nhiều gia đình công nhân con nằm trên giường, bố mẹ nằm dưới sàn, vỏn vẹn 10m2. Nhiều gia đình đông con, 4 - 5 người ở trong phòng. Nhiều gia đình phải gửi con về quê. Có người lao động sắp đến ngày sinh nhưng chủ trọ đòi nhà. Có người khi giáp tết, công ty nợ lương nên không dám về quê, ở lại thì không trả được tiền nhà, may có công đoàn kịp thời hỗ trợ…", ông Anh nói, và cho biết, rất mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến công nhân. Công nhân được quan tâm thì sẽ an cư lạc nghiệp, có năng suất lao động tốt hơn, góp phần xây dựng đất nước.

Tích cực triển khai đề án 1 triệu căn hộ cho người lao động

Trao đổi về vấn đề người lao động nêu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thực hiện đề án 1 triệu căn hộ cho người lao động có thu nhập thấp, Chính phủ đã giao từng nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, đồng thời có các chính sách khuyến khích hỗ trợ nhà đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân.

'Nhiều gia đình công nhân con nằm trên giường, bố mẹ nằm trên sàn, vỏn vẹn 10m2' - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trả lời đại biểu tại diễn đàn

GIA HÂN

Theo ông Sinh, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai gói 120.000 tỉ đồng để các chủ đầu tư hỗ trợ cho đối tượng có thể mua được nhà ở xã hội, công nhân trong khu công nghiệp, với lãi suất ưu đãi từ 1,5 - 2%. Thời gian vay với chủ đầu tư là 3 năm, đối với người mua nhà là 5 năm. Việc hỗ trợ này chắc chắn rằng giúp cho chủ đầu tư có vốn đầu tư nhiều hơn cho người lao động. Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn hỗ trợ, giải đáp, ngân hàng thương mại cũng tích cực triển khai gói này.

Trong khi đó, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho hay một trong những nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo luật Nhà ở đang trình Quốc hội là những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để đẩy mạnh nhà ở xã hội và lưu trú cho công nhân.

'Nhiều gia đình công nhân con nằm trên giường, bố mẹ nằm trên sàn, vỏn vẹn 10m2' - Ảnh 4.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thông tin với đại biểu tại diễn đàn

GIA HÂN

Theo ông Tùng, dự thảo luật đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ, như: dành quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở xã hội; có chính sách ưu đãi (miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất để chủ đầu tư tiếp cận đất đai phát triển nhà ở xã hội); chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng để nhiều chủ đầu tư quan tâm… Người lao động cũng được hưởng các gói hỗ trợ về lãi suất để tiếp cận nhà ở xã hội.

Đối với nhà lưu trú cho công nhân, ông Tùng cho biết, đây được coi là thiết chế quan trọng của khu công nghiệp. Theo đó, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng sẽ đầu tư nhà lưu trú công nhân, sau đó cho công nhân thuê với mức giá ưu đãi để giải quyết chỗ ở cho công nhân ngay trong khu công nghiệp. Các chủ đầu tư xây nhà lưu trú cho công nhân cũng được hưởng chính sách tương tự như xây dựng nhà ở xã hội.

'Nhiều gia đình công nhân con nằm trên giường, bố mẹ nằm trên sàn, vỏn vẹn 10m2' - Ảnh 5.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phần trả lời của bộ, ngành, cơ quan Quốc hội tại diễn đàn

GIA HÂN

Theo ông Tùng, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đang phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, các doanh nghiệp… để hoàn thiện cơ chế, chính sách, sau đó sẽ trình Quốc hội thông qua luật này ở kỳ họp thứ 6.

Nói thêm về vấn đề nhà ở cho người lao động, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, khi sửa luật Nhà ở, đại biểu Quốc hội cho rằng cần quan tâm cả hình thức mua và cho thuê nhà ở xã hội. Riêng nhà ở trong khu công nghiệp chủ yếu là cho thuê mua (trả góp) giải quyết cả sở hữu và chỗ ở.

"Với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thì Chính phủ đang trình là một chủ thể xây dựng nhà ở xã hội nhưng vấn đề này liên quan đến nhiều luật nên ý kiến còn khác nhau, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.