Nhiều động lực tăng trưởng kinh tế 2024

02/01/2024 07:15 GMT+7

Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5% và lạm phát khoảng 4 - 4,5%. Đây là chỉ tiêu khá thách thức, nhưng theo nhiều chuyên gia dư địa tăng trưởng của VN vẫn còn nếu quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều chính sách.

Doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng cao hơn

Kết thúc năm 2023, Công ty CP Phúc Sinh Group cán đích kế hoạch với doanh thu hơn 300 triệu USD, tăng 18% so với năm 2022. Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, trong bối cảnh thị trường tiêu dùng thế giới lẫn trong nước đều khó khăn thì kết quả đạt được kế hoạch là quá tốt.

Bước sang năm mới, Phúc Sinh Group đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng 20%, phấn đấu đưa doanh thu lên 350 triệu USD, dù bản thân ông Thông dự báo tình hình kinh tế thế giới nói chung hay thị trường tiêu dùng toàn cầu lẫn trong nước còn khó khăn. Lý do là trong thời gian qua, công ty đã phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, gia tăng chế biến sâu trong lĩnh vực nông sản.

Đặc biệt, cuối năm 2023, công ty đã "chốt deal" với một đối tác nước ngoài sau một thời gian thương thảo. Theo đó, Phúc Sinh Group sẽ bán một số cổ phần để tăng vốn nhằm mở rộng đầu tư thêm 2 nhà máy mới.

Nhiều động lực tăng trưởng kinh tế 2024- Ảnh 1.

Xuất khẩu tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng cho nền kinh tế

ĐÀO NGỌC THẠCH

"Đây là kế hoạch lớn của công ty và đã chốt xong cuối năm 2023 để thực hiện trong năm mới. Cụ thể, năm 2024 sẽ thực hiện và tiến hành xây dựng thêm một nhà máy mới, nâng tổng số nhà máy của công ty lên 7 điểm, và nhà máy thứ 8 sẽ thực hiện trong năm 2026. Việc có thêm nhà máy mới cũng như nhiều khách hàng tại châu Âu đã tin tưởng, bày tỏ việc sẽ gia tăng mua hàng từ công ty, là những cơ sở giúp chúng tôi đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn", ông Phan Minh Thông chia sẻ.

Nhiều động lực tăng trưởng kinh tế 2024

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) Cơ khí điện TP.HCM, cho hay đầu tháng 12.2023 công ty đã khánh thành nhà máy cơ khí chính xác, tổng mức đầu tư theo dự tính là hơn 180 tỉ đồng. Đến thời điểm khánh thành nhà máy, công ty đã đầu tư hơn 130 tỉ đồng. Nhà máy đặt trong Khu công nghệ cao TP.HCM, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp, cung cấp linh kiện cho các hệ thống điều khiển, hệ truyền động của các loại dụng cụ cầm tay, thiết bị điện, linh kiện trong xe máy, ô tô…

Các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và cả DN VN sử dụng các linh kiện này hiện đang phải mua từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Vì vậy, ông Tống khá lạc quan về đầu ra cho sản phẩm của nhà máy. Dù vậy, ông Tống cũng thừa nhận đầu tư mới hay đầu tư mở rộng trong năm qua đều phải vay ngân hàng để làm, vay được đã khó, nay chạy tiền để trả lãi càng khó khăn hơn.

"Chúng tôi đầu tư để đón những đơn hàng từ các DN nước ngoài tại VN. Với tình hình sản xuất có phục hồi trong quý cuối năm 2023, công ty rất kỳ vọng vào sự tăng trưởng ngay từ quý 1/2024. Trong thực tế, hiện tại khó để đoán định đơn hàng có bị đứt gãy, tiếp tục khởi sắc ngay hay không. Song nhìn vào cục diện nền kinh tế toàn cầu, đơn hàng tiếp nhận từ khách hàng, chúng tôi kỳ vọng năm nay chắc chắn tình hình sẽ dễ chịu hơn năm qua", ông Tống nói.

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% là khả thi

Đưa ra những dự báo cho năm 2024, chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch phân tích: Theo những dự báo của thế giới thì tình hình kinh tế nói chung vẫn chưa có gì sáng hơn năm vừa qua, nhất là về thương mại toàn cầu. Những tác động khó khăn vào tổng cầu chung từ đầu năm 2023 đến nay vẫn còn tiếp tục, chưa có tín hiệu thay đổi đáng mừng. Trong bối cảnh khó khăn đó, năm 2023 VN đã có nhiều nỗ lực rất lớn. Đó là kiểm soát lạm phát, giữ được ổn định vĩ mô, nhất là trong tháng cuối cùng của năm khi giá vàng thế giới nhảy múa bất ổn.

Dù khó khăn nhưng xuất khẩu của cả nước vẫn giữ được thị trường, nhất là nông nghiệp, nông sản có thêm nhiều tín hiệu tích cực đã giúp ổn định được đời sống người nông dân. Đặc biệt, sức chống chịu của DN tương đối khá tốt. Từ đó, sức chống đỡ chung của nền kinh tế VN tương đối vững chắc trước các tác động quá khó khăn của toàn cầu. Dù tăng trưởng GDP cả năm 2023 không cao như mong muốn nhưng các kết quả trên là điểm sáng của VN, tạo tiền đề, nguồn lực để vượt qua năm 2024 khá thách thức.

TS Lịch cho rằng năm 2024 VN cần tiếp tục dựa trên 3 trụ cột mà Chính phủ nhiều lần dùng "3 động lực phát triển" là xuất khẩu, thị trường nội địa và đầu tư công. Thứ nhất, Chính phủ phải tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu. Liên quan đến vấn đề này, cần giữ ổn định tỷ giá hối đoái vì tác động rất quan trọng cho xuất khẩu. Thứ hai là vấn đề giải ngân đầu tư công. Năm 2023, nhiều địa phương, trong đó có TP.HCM, vẫn chưa đạt được mục tiêu giải ngân đầu tư công nên năm 2024 phải tập trung thực hiện, nhất là những dự án trọng điểm. Thứ ba khá quan trọng là thị trường nội địa trong năm qua đã sụt giảm. Cả 3 trụ cột đó đều phải được tiếp tục thực hiện trong 2024.

"Các chính sách của Chính phủ đã ban hành năm vừa qua rất nhiều nhưng có nhiều cái chưa đạt mục đích. Nếu chúng ta quyết tâm, tiếp tục thực hiện và nâng tầm thúc đẩy mạnh hơn trong năm mới thì mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% là đạt được chứ không phải bất khả thi", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho VN trong năm 2024. Kịch bản thứ nhất là tăng trưởng GDP không đạt như kỳ vọng và sẽ đạt từ 5,5 - 6,5% với các điều kiện VN vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô nhưng giao thương quốc tế vẫn trì trệ, nền kinh tế thế giới tăng trưởng không như mong muốn, lạm phát vẫn cao. Kịch bản thứ hai là khi nền kinh tế thế giới được cải thiện tốt hơn, lạm phát thấp hơn, lãi suất được các quốc gia trên thế giới hạ xuống. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng từ thị trường các nước tăng lên, đẩy xuất nhập khẩu tăng.

Trong bối cảnh đó, điều kiện kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, giá trị tiền đồng VN tiếp tục được giữ vững như hiện nay, các cân đối vĩ mô về nợ vay và các vấn đề khác tốt hơn thì chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng GDP đạt từ 6,2 - 7%.

Ông Thịnh thiên về kịch bản thứ 2 và khuyến nghị VN cần chú trọng các giải pháp chính sách thúc đẩy tăng trưởng. Những vướng mắc về vĩ mô năm 2023 phải được giải quyết. Đó là giải ngân đầu tư công cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Năm 2023, đầu tư công tăng nhưng vẫn chậm so với kế hoạch.

"Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công không dễ nhưng phải làm cho được. Chính phủ đang rất quyết tâm vấn đề này, tôi hy vọng các địa phương đồng tâm hiệp lực để gỡ vướng cho đầu tư công tăng tốc càng sớm càng tốt", TS Thịnh nhắn nhủ và khẳng định, đầu tư công hiện tại ở VN đang có nhiều lợi thế. Chúng ta có tiền, có nhu cầu, khát vọng phát triển. Nếu đẩy mạnh giải ngân ngay từ quý đầu năm, sức lan tỏa của nó sẽ rất lớn lên toàn bộ nền kinh tế.

Kéo dài giảm thuế, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

TS Trần Du Lịch phân tích: Thị trường nội địa rất quan trọng. Năm nay, Chính phủ phải mạnh dạn kích thích tín dụng tiêu dùng để thúc đẩy tăng tổng cầu, kích thích thị trường trong nước. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% đã được kéo dài đến giữa năm 2024 nhưng cần thiết nên kéo dài đến hết cả năm. Song song đó, phải tháo gỡ được những điểm nghẽn của các dự án bất động sản; thúc đẩy tín dụng cho người mua nhà hay chính sách tín dụng cho dự án nhà ở xã hội cần tiếp tục triển khai. Một số dự án bất động sản năm 2023 có được tháo gỡ nhưng chưa tác động nhiều. TP.HCM vẫn còn rất nhiều dự án bất động sản bị nghẽn về vốn và thủ tục. Nếu tháo gỡ được ngay từ đầu năm 2024, nhiều dự án tái khởi động sẽ thúc đẩy nhiều ngành kinh tế liên quan rất lớn như xây dựng, vật liệu xây dựng.

Đối với chính sách tín dụng, chuyên gia này đánh giá cao 4 lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023 để kéo giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường, nhưng chúng ta vẫn chưa có giải pháp tài chính nào cho các DN vừa và nhỏ. Nếu chỉ hướng DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn tại ngân hàng thương mại là vô cùng khó. Do đó, Chính phủ phải xem xét có chính sách hỗ trợ tài chính, vốn cho DN vừa và nhỏ. Đây là vấn đề hết sức quan trọng để nuôi dưỡng và hỗ trợ DN phát triển.

Đối với đầu tư công, các địa phương phải tăng tốc, nỗ lực giải ngân được số tiền đã bố trí trong năm 2023 chưa sử dụng hết và cả năm 2024. Bởi đây vẫn là một động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước. "Ngoài các giải pháp xoay quanh 3 trụ cột chính thì chúng ta vẫn phải tiếp tục cải cách thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn về chính sách, thủ tục. Tôi cho rằng ngay trong tháng đầu năm, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết 01 về các nhiệm vụ để thực hiện. Trong đó cần lưu ý nếu các nghị định, thông tư nào cần sửa đổi thì phải tập trung thực hiện ngay. Chúng ta không phải sợ lạm phát mà cần sử dụng các công cụ mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Đồng tình, PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế quốc dân), kiêm Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chiến lược VN (VESS), cho rằng năm 2023 sự phục hồi ngành chế biến chế tạo bắt đầu từ quý 3; đầu tư công tăng đã thúc đẩy ngành xây dựng tăng trưởng, kéo một số ngành hàng dịch vụ cải thiện theo. Tuy nhiên, về cơ bản sức mua trong nước vẫn yếu do thu nhập, tài sản giảm sút và tâm lý đầu tư hay mua sắm đều khá thận trọng. Một điểm sáng ghi nhận là đầu tư công nhưng cũng chỉ đạt hơn 75% kế hoạch đặt ra. Hay điểm sáng nữa là vốn FDI cũng gặp yếu tố bất lợi như giá năng lượng cao, thủ tục hành chính còn phức tạp, giảm đi ưu đãi về thuế. Hay tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, sức cầu yếu. Nên chính sách vĩ mô đối với vấn đề tín dụng và tiền tệ năm 2024 cần ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa nghịch chu kỳ.

"Thực tế, nếu biết sử dụng các lợi thế, chúng ta sẽ có dư địa tài khóa tốt hơn nhờ nợ công nước ngoài của VN đang rất thấp (14,7% năm 2021, 12% năm 2023), nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với ngân sách không quá căng thẳng, lãi suất vay nợ trái phiếu Chính phủ thấp, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ lành mạnh. Chính sách tài khóa cần sử dụng các lợi thế này để hỗ trợ kinh tế hồi phục vào năm 2024", PGS-TS Phạm Thế Anh nêu quan điểm.

Chúng ta vẫn phải tiếp tục cải cách thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn về chính sách, thủ tục. Tôi cho rằng ngay trong tháng đầu năm, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết 01 về các nhiệm vụ để thực hiện. Trong đó cần lưu ý nếu các nghị định, thông tư nào cần sửa đổi thì phải tập trung thực hiện ngay. Chúng ta không phải sợ lạm phát mà cần sử dụng các công cụ mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

TS Trần Du Lịch

Ông Phạm Thế Anh dẫn Báo cáo nghiên cứu của VESS cũng đưa ra khuyến nghị: Chính phủ nên xem xét một số biện pháp tài khóa khác. Chẳng hạn, giảm thuế giá trị gia tăng nhiều hơn đối với hàng thiết yếu nội địa. Đồng thời, nâng mức thu nhập chịu thuế cũng như giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân để góp phần gia tăng thị trường tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, Chính phủ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực và đặc biệt bổ sung xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.

Tăng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu

Tình hình xuất nhập khẩu có chuyển biến vào quý cuối năm 2023, hãy biến nó là động lực tăng trưởng cho năm 2024. Trong thực tế, năm qua, một số ngành nghề bị thiếu đơn hàng. Nhưng nguyên nhân không phải chỉ do khách không đặt hàng mà chúng ta chậm thay đổi mẫu mã, chậm xanh hóa nhà máy nên chưa đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường. Thế nên, các chính sách năm nay cần chú trọng tăng cơ hội cho DN đáp ứng chuẩn xanh hóa mà các thị trường đặt ra. Năng lượng tái tạo là một trong nhu cầu cấp thiết, các cơ chế, chính sách liên quan phát triển năng lượng tái tạo cho nhà máy, nhà xưởng, khu công nghiệp… cần được tháo gỡ và tạo điều kiện tốt hơn, không nên để chậm trễ. Cùng với việc đẩy mạnh khai thác các thị trường mà VN đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 chắc chắn sẽ cao hơn năm qua.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Dự báo GDP tăng trưởng trung hạn khoảng 7%

Ngày 8.12.2023, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của VN lên mức BB+ (từ mức BB), triển vọng "Ổn định". Theo Fitch Ratings, việc nâng hạng phản ánh triển vọng tăng trưởng trung hạn thuận lợi của VN, được củng cố bởi dòng vốn FDI mạnh mẽ mà kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy những cải thiện bền vững về các chỉ số cơ cấu tín nhiệm. Theo kịch bản cơ sở, Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP của VN sẽ ở mức 6,3% vào năm 2024 và 6,5% vào năm 2025. Tăng trưởng GDP trung hạn dự báo khoảng 7%. Khả năng cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động được đào tạo của VN so với các quốc gia khác và việc tham gia các FTA khu vực và toàn cầu là tín hiệu tốt cho dòng vốn FDI tiếp tục mạnh mẽ trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9.2023 có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại và FDI của Mỹ vào VN.

VN nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất

Tháng 10.2023, báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo GDP của VN sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Giới chuyên gia IMF bày tỏ lạc quan về triển vọng trong trung hạn, với mức dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,9% vào năm 2025. Danh sách dự báo gồm dẫn đầu với Macau (Trung Quốc) tăng trưởng 27,16%, Guyana 26,56%, Palau 12,40%, Niger 11,14%, Senegal 8,82%. Đông Nam Á có Campuchia (6,13%), Philippines (5,88%)… Cùng với đó, trong báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo mức tăng trưởng GDP của VN lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025. Các chính sách hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, dỡ bỏ các rào cản trong việc thực hiện đầu tư công và giải quyết các hạn chế về cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Ngân hàng Thế giới cho rằng môi trường bên ngoài đầy thách thức và nhu cầu trong nước yếu hơn đang khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ở VN chậm lại. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ tăng tốc trong những năm tiếp theo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.