Nhiều đơn hàng đồ gỗ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... chuyển sang Việt Nam

Nguyên Nga
Nguyên Nga
29/03/2022 19:30 GMT+7

Thông tin trên được đại diện nhà mua hàng đồ gỗ xuất đi Mỹ cho biết tại buổi họp báo giới thiệu Tuần lễ giao thương nội thất Việt Nam (Vietnam Furniture Matching Week - VFMW 2022) ở TP.HCM hôm nay 29.3.

Đồ gỗ Trung Quốc kém cạnh tranh vì thuế

Bà Tracy Trần, đại diện mua hàng của Mitchell Gold + Bob Williams tại Việt Nam cho biết :"Trước đây, chúng tôi chủ yếu mua hàng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia nhưng nay chuyển sang tăng mua hàng tại nhà máy của Việt Nam. Lý do nhiều mặt hàng nội thất từ Trung Quốc bị đánh thuế quá cao, ví dụ như đá nhân tạo. Hoặc một số mặt hàng tại Indonesia lại có giá rẻ nhưng chất lượng không cao, trong khi sản phẩm tương đương ở Việt Nam giá cao hơn nhưng chất lượng ổn định và tốt hơn nhiều".

Theo bà Tracy Trần, Việt Nam hiện chiếm 70-80% tổng sản lượng mua hàng mỗi năm của Mitchell Gold + Bob Williams trên toàn thế giới. Đồ gỗ và nội thất Việt Nam ngày càng được đánh giá cao, hiện đã vượt mặt Trung Quốc trở thành nhà cung cấp lớn nhất thế giới tại Mỹ. Tuy nhiên, cơ hội sẽ tăng mạnh nếu doanh nghiệp chịu khó đầu tư khâu thiết kế mẫu mã trước để chào hàng, thay vì chờ họ đưa mẫu mã để chỉ làm hàng theo phương thức OEM (Original Equipment Manufacturing - sản xuất thiết bị gốc). Phải bán được nhiều hàng hơn theo kiểu ODM (Original Design Manufacturing - sản xuất “thiết kế” gốc) mới giữ được chân khách hàng lâu dài và mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

VFMW 2022 được tổ chức không chỉ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nội thất và thủ công mỹ nghệ Việt Nam mở rộng tìm kiếm khách hàng ở cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa

NG.NG

Chi phí logistics một chiếc ghế gỗ sang Mỹ tăng 30 USD

Tuy đơn hàng đang đổ về Việt Nam nhiều nhưng bà Dương Thị Minh Tuệ, giám đốc kinh doanh Công ty gỗ Minh Dương, cho biết, chi phí logistics đang tăng chóng mặt nên việc cạnh tranh của doanh nghiệp với các nước khác không ít khó khăn. "Một container đi châu Âu hiện dao động 6.000 - 8.000 USD, đi Mỹ khoảng 10.000 - 12.000 USD. Thậm chí có những đơn hàng, nhà mua hàng phải tốn đến 25.000 USD để vận chuyển một container từ cảng Cát Lái đến bờ Đông của Mỹ. Thế nên, mọi đơn đặt hàng của họ luôn được cân nhắc, đắn đo rất kĩ. Bởi chi phí cho 1 chiếc ghế gỗ từ vận chuyển, lưu kho... tăng thêm 30 USD thì rất khó để thuyết phục người tiêu dùng", bà cho biết.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho biết Vietnam Furniture Matching Week (VFMW) 2022 ở TPHCM sẽ được tổ chức từ ngày 13.4 đến 20.4, thu hút khoảng 150 văn phòng đại diện và nhà mua hàng quốc tế đăng ký tham gia - cao hơn 50% so với sự kiện VFMW lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 4.2021 theo hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp. VFMW 2022 không chỉ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nội thất và thủ công mỹ nghệ Việt Nam mở rộng tìm kiếm khách hàng ở cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa mà còn tạo ra các kết nối giao thương trong cả hệ sinh thái nội thất để doanh nghiệp có thể tiếp cận cả những dịch vụ phụ trợ, vận chuyển, kiểm định… tốt nhất trong chuỗi cung ứng ngành.

Bà Bùi Thị Thanh An - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade), nhận xét ngành gỗ là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế toàn quốc. Để tạo thêm động lực tăng trưởng cho ngành, cục đã, đang và sẽ phối hợp với các tổ chức, hiệp hội… triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, mang đến cơ hội tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn cung lẫn dịch vụ cho doanh nghiệp trên địa bàn cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.