'Nhiều đối tượng phạm tội dân trí cao, tài sản đều nhờ người thân đứng tên'

19/12/2022 18:15 GMT+7

Nhiều đối tượng phạm tội phải thi hành án có trình độ dân trí cao, nhưng nguồn gốc tài sản, nguồn tiền không rõ ràng, khi mua tài sản đều nhờ người thân đứng tên.

Chiều 19.12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023.

Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023

phúc bình

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hòa, Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM, phát biểu về tình hình triển khai công tác tư pháp trên địa bàn thành phố, nhất là kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Ông Hòa dẫn chủ trương chung của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đó là ngoài việc trừng trị tội phạm thì khâu thu hồi tài sản cũng cần được chú trọng và yêu cầu làm triệt để.

TP.HCM với đặc thù là lượng án tham nhũng, kinh tế chỉ chiếm khoảng 5 - 7% cả nước nhưng lượng tiền lại chiếm tỷ lệ rất cao, 80 - 88%. Vì thế, việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ việc này chủ yếu là ở TP.HCM.

Cụ thể, ông Hòa dẫn số liệu cho thấy năm 2020, Cục THADS TP.HCM thu hồi được 13.200 tỉ đồng, năm 2021 do ảnh hưởng dịch nên thu hồi hơn 3.000 tỉ đồng, năm 2022 là hơn 14.700 tỉ đồng.

Để có được kết quả trên, ông Hòa cho rằng, xuất phát từ chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS. Điều này thể hiện qua việc tổng cục thường xuyên họp trực tuyến hàng tháng, thậm chí hàng tuần để tháo gỡ khó khăn, khảo sát trực tiếp giúp cho Cục THADS TP.HCM.

Ông Hòa nhấn mạnh, thi hành án không có phối hợp thì không thể xử lý được các vấn đề, vì tính chất vụ việc đặc biệt phức tạp. “Đối tượng phạm tội phải thi hành án có trình độ dân trí cao, nhưng nguồn gốc tài sản, nguồn tiền không rõ ràng, mua các dự án, mua bán đất, mua các cổ phần, cổ phiếu phần lớn đều nhờ người thân đứng tên. Giai đoạn điều tra thì khai ngay để kê biên, phong tỏa nhưng đến lúc thi hành án thì lại phủ nhận tài sản không phải của mình”, ông Hòa ví dụ.

Xuất phát từ thực tế này, ông Hòa nói về một cách làm hay, đó là cử cán bộ thi hành án trực tiếp theo dõi các phiên tòa đại án, để nắm rõ dòng tiền, giấy tờ. Cán bộ thi hành án trực tiếp cùng đối chiếu tại tòa nên khi ra bản án sẽ tương đối khớp.

Nêu một số kiến nghị, quyền Cục trưởng Cục THADS TP.HCM nhắc đến vấn đề luật THADS chỉ có một điều về xử lý tài sản đặc thù. Tuy nhiên, hiện nay phát sinh tài sản hình thành trong tương lai và vốn góp nhưng chưa có quy định cụ thể, nên cách xử lý hết sức khó khăn.

Ông Hòa còn đề cập tình trạng lượng việc tăng liên tục nhưng biên chế hạn chế. “Hiện nay, chúng tôi đang đầu tư những gì tốt nhất về cơ sở vật chất và con người. Nếu tiếp tục không bổ sung nguồn lực để cân bằng thì các hoạt động khác sẽ không được quan tâm”, ông Hòa nói.

Ông cũng cho rằng hiện chưa có cơ chế hợp tác quốc tế sâu rộng về việc thu hồi tài sản. Các đối tượng mở các tài khoản ở nước ngoài, mua bất động sản ở nước ngoài chưa có cơ chế xử lý. Cùng với đó là chưa xây dựng được luật riêng về việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nên cần có quy chế, thủ tục rút gọn trong thi hành án để tránh kéo dài...

Năm 2022, công tác THADS vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là những hậu quả khá nặng nề do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống THADS, công tác THADS về cơ bản đã đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 539.000 việc (tương ứng với hơn 75.000 tỉ đồng), đạt tỷ lệ 82,50% về việc và 45,42% về tiền, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế tiếp tục được tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, ghi nhận. Cụ thể, cơ quan chức năng đã thu hồi được gần 16.000 tỉ đồng, tăng hơn 11.000 tỉ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.