Nhiều doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn

Mai Phương
Mai Phương
26/02/2023 09:23 GMT+7

Các doanh nghiệp vẫn đang thực hiện mua lại trái phiếu trước thời hạn trong bối cảnh nhiều đơn vị xin lùi thời hạn thanh toán.

Công ty CP Tập đoàn Gelex (GEX) vừa công bố về việc mua lại 150 tỉ đồng trái phiếu trước hạn. Cụ thể, Gelex đã chi 45,4 tỉ đồng để mua lại trái phiếu có mã BONDGEX/2020.01. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 22.7.2023 với khối lượng phát hành 200 tỉ đồng, khối lượng còn lại là 11,7 tỉ đồng.

Đồng thời, Gelex đã hoàn tất mua lại 104,9 tỉ đồng trái phiếu trước hạn của lô BONDGEX/2020.02. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn 23.7.2023. Giá trị còn lại của trái phiếu mã này là 17,1 tỉ đồng. Tổng cộng từ đầu năm đến nay, Gelex đã mua lại số lượng trái phiếu khoảng 350 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục mua lại trái phiếu trước hạn

NGỌC THẮNG

Hay mới đây, Công ty CP Quốc tế Sơn Hà (SHI) cũng thông tin lô trái phiếu SHIH212400 đã phát hành ngày 28.7.2021 và đến hạn 28.7.2024. Tổng giá trị phát hành lô trái phiếu này là 280 tỉ đồng. Đến 21.12.2022, SHI đã gửi công văn số 146/CV-SH về việc đề xuất mua lại trái phiếu trước hạn và đã được trái chủ chấp thuận. Theo đó, SHI sẽ mua lại trái phiếu thành 5 đợt, bắt đầu từ 18.1.2023 và sẽ kết thúc vào 29.12.2023. Như vậy vào 18.1 vừa qua, SHI đã thực hiện mua lại trước hạn 15% mệnh giá trái phiếu, tương đương 42 tỉ đồng, theo đúng lộ trình đã được thống nhất với trái chủ. 

Trước đó, vào 17.2, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Đông Dương công bố một loạt giao dịch mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, từ 31.12.2022 - 6.2.2023, công ty đã mua lại trước hạn một phần 5 mã trái phiếu được phát hành vào giữa tháng 3.2020. Các trái phiếu này có kỳ hạn 48 tháng, sẽ đáo hạn vào tháng 3.2024 và lãi suất 12%/năm. Tổng giá trị mua lại theo mệnh giá là 400 tỉ đồng, theo đó, giá trị trái phiếu còn lại là 800 tỉ đồng...

Công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRating dự báo kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp sẽ chưa thể hồi phục về quy mô một cách mạnh mẽ và sôi động cho đến hết nửa đầu năm 2023. Nguyên nhân là do lãi suất sẽ cần thời gian để giảm. Từ đó kênh trái phiếu sẽ trở lên hấp dẫn trở lại so với các kênh đầu tư thay thế khác, đặc biệt so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng và các sản phẩm như chứng chỉ tiền gửi.

Bên cạnh đó, các biện pháp chính sách can thiệp qua tín dụng ngân hàng, tháo gỡ pháp lý bất động sản và trực tiếp cho trái phiếu hiện nay vẫn đang trong giai đoạn trao đổi và thiết kế. Trong trường hợp được triển khai từ quý 2/2023, hoạt động huy động có thể có cơ hội bắt đầu hồi phục từ đầu quý 3/2023...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.