Nhiều doanh nghiệp không kham nổi chi phí xét nghiệm Covid-19

20/09/2021 12:06 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp cho biết họ không đủ năng lực tài chính để thực hiện các quy định: chỉ được nhận người lao động có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ, đồng thời phải tiến hành test nhanh Covid-19 định kỳ.

Ngày 19.9, bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng, Giám đốc CDC Long An, cho biết tính từ đầu tháng 6.2021 đến nay, đơn vị đã nhập tổng cộng khoảng 2 triệu kit test nhanh kháng nguyên Covid-19 để phục vụ công việc xét nghiệm.
Trong đó, ngân sách tỉnh Long An chỉ chi trả 380.000 kit test với giá 115.000 đồng/kit test, số còn lại được tài trợ từ nhiều nguồn hợp pháp khác.
Các kit test nhanh này được CDC Long An phân phối về Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp huyện để dùng trong các đợt truy vết cộng đồng miễn phí. Các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã tự mua kit test làm dịch vụ theo yêu cầu người dân, thu tiền với giá được quy định là 238.000 đồng/người/lượt test. 
Ngoài ra, Sở Y tế Long An cũng đã cấp quyền được tham gia test nhanh cho hơn 10 phòng khám tư nhân, doanh nghiệp đủ điều kiện. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các cơ sở y tế tư nhân thu giá test không giống nhau và không dưới 280.000 đồng/người/lần test.

TP.HCM đã tiêm hơn 1 triệu mũi vắc xin Covid-19 cho người từ 65 tuổi, bệnh nền

Về năng lực xét nghiệm PCR, bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng cho biết toàn tỉnh hiện có 10 máy xét nghiệm RT-PCR (xét nghiệm khẳng định) với tổng công suất phân tích trong 24 giờ được 4.000 mẫu bệnh phẩm. 10 máy RT-PCR này đang được đặt tại 6 bệnh viện ở tỉnh Long An.
Chính quyền tỉnh Long An đang triển khai mạnh mẽ kế hoạch “3 giai đoạn” để phục hồi sản xuất, kinh doanh cho hơn 12.500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; nhưng kèm theo quy định buộc các doanh nghiệp chỉ được nhận người lao động có kết quả xét nghiệp PCR âm tính trong vòng 48 giờ, đồng thời phải tiến hành test nhanh định kỳ với số lượng lao động không dưới 20% tổng số người lao động tại doanh nghiệp …
Chia sẻ với PV Thanh Niên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có lượng công nhân từ vài nghìn đến vài chục nghìn người, cho biết họ không đủ năng lực tài chính để thực hiện các quy định trên do hơn 2 tháng nay phải tạm đóng cửa, dừng sản xuất; các đối tác, đơn hàng theo hợp đồng dường như đều phải tìm kiếm lại từ đầu.
“Xét nghiệm PCR hơn 700.000 đồng/lượt do cá nhân, tổ chức có nhu cầu chi trả, và hiện nay UBND tỉnh Long An chưa có chỉ đạo hỗ trợ trong hoạt động này. Còn việc test nhanh tại doanh nghiệp thì do chủ doanh nghiệp tự tổ chức, tự liên hệ với cơ sở y tế có đủ điều kiện test nhanh kháng nguyên Covid-19, giá cả do các bên tự thỏa thuận”, bác sĩ Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế Long An, cho biết.

TP.HCM: 20% bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 bị trầm cảm, 53.3% rối loạn lo âu

Theo Sở Y tế Long An, tính lũy kế từ ngày 25.5 đến 19.9, Long An ghi nhận 30.366 ca Covid-19. Hiện Long An đã điều trị khỏi 24.447 ca (80,51%), tử vong 383 ca (1,26%), đang điều trị tại bệnh viện 5.172 ca (17%), đang ở khu cách ly 364 ca (1,98%).
Tính đến nay, tỉnh Long An thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 được 1.592.576 mũi tiêm, gồm 1.422.082 mũi 1 và 170.494 mũi 2.

Phải đứng ở góc độ doanh nghiệp mới thấy được khó khăn

UBND TP.Cần Thơ vừa ký ban hành kế hoạch "Phục hồi, phát triển kinh tế tại TP.Cần Thơ".
Theo đó, giai đoạn 1 từ đây đến cuối năm xác định những ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ (thiết yếu, xuất khẩu, phục vụ sản xuất, đời sống), nông nghiệp (4 huyện và các phường vùng xanh của quận), xây dựng cơ bản… được hoạt động trở lại; giai đoạn 2 từ ngày 1.1.2022 trở đi tiến tới khôi phục hoàn toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên đến nay, Cần Thơ đã có 1.032/1.090 doanh nghiệp trên địa bàn ngưng hoạt động, chiếm tỷ lệ 94,68%, việc phục hồi sản xuất gặp vô vàn khó khăn. Số rất ít các doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng theo mô hình “3 tại chỗ” cũng đang gặp khó vì phát sinh chi phí, nhất là chi phí xét nghiệm cho người lao động.
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Phạm Nghĩa, chuyên sản xuất các sản phẩm từ cá thát lát, cho biết để duy trì hoạt động “3 tại chỗ”, công ty của ông đã phải giảm lao động xuống còn dưới 100 người. Các chi phí để duy trì sản xuất đội lên hơn 40%; trong đó, chi phí xét nghiệm hàng tuần cho người lao động là vài chục triệu đồng.
“Hiện tại, công ty vừa kết hợp thuê dịch vụ test Covid-19 cho công nhân vừa tự làm. Mỗi bộ kit test dao động từ 125.000 - 200.000 đồng, toàn bộ chi phí này doanh nghiệp đều phải tự bỏ tiền ra để thực hiện”, ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, theo doanh nghiệp này, “3 tại chỗ” rất khó để kéo dài hơn vì ai cũng có nhà cửa, gia đình, vợ chồng, rất nhiều vấn đề phát sinh. Để giữ công nhân mấy tháng trời, ngoài việc lo ăn, ngủ nghỉ cho công nhân, doanh nghiệp cũng phải có chính sách thêm thu nhập cho họ. Đây chính là áp lực chi phí lớn cho chủ doanh nghiệp, phải đứng ở góc độ doanh nghiệp mới thấy được khó khăn.
Hiện tại, các doanh nghiệp ở Cần Thơ đều trông đợi TP.Cần Thơ cần sớm có phương án chuyển đổi từ 3 tại chỗ sang 2 tại chỗ, kết hợp với ưu tiên nguồn vắc xin cho công nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.