Nhiều cửa tiệm, hàng quán giảm giá sâu nhưng vẫn chịu cảnh ế ẩm

Tấn Đạt
Tấn Đạt
15/08/2023 11:29 GMT+7

Không còn cảnh tấp nập "kẻ bán người mua", một số hàng quán, cửa tiệm rơi vào tình cảnh ế ẩm dù đã giảm giá sâu ở các mặt hàng.

Tình trạng ế khách vẫn tái diễn

Là chủ cửa hàng chuyên bán quần áo nam nữ trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM, Lê Thị Ngọc Nga (29 tuổi), cho hay bắt đầu vào tháng 7.2023, Nga có giảm giá hơn 50% cho các mặt hàng, thậm chí là tổ chức nhiều chương trình trò chơi nhận quà trên mạng xã hội, nhưng vẫn không thu hút được khách.

01cf30d612aec0f099bf.jpg

Nhiều chủ cửa hàng giảm giá sâu nhưng vẫn ế khách

TẤN ĐẠT

Đứng trước kệ quần áo có bảng đồng giá 100.000 đồng, Nga than thở: "Hơn 2 tháng nay, lượng khách giảm mạnh, chỉ bằng 1/10 so với trước đây, thậm chí có ngày chỉ vài người ghé vào hỏi mua. Mình cũng không dám nhập hàng mới về vì sợ tồn đọng, ẩm mốc".

231a2217006fd2318b7e.jpg

Lác đác người đến mua quần áo dù đã đồng giá 100.000 đồng/sản phẩm

TẤN ĐẠT

Còn Nguyễn Thị Trà My (29 tuổi), chủ cửa hàng quần áo trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết đầu năm 2023 doanh thu của tiệm giảm hơn 70% nên phải hạ giá sâu 50% cho tất cả các sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh việc bán hàng trực tuyến để lấy lại số vốn. Tuy nhiên, tình trạng ế khách vẫn tái diễn.

"Mình phải chi trả tiền mặt bằng hơn 30 triệu đồng/tháng, chưa kể vốn nhập hàng, thuê nhân viên, chi phí điện nước. Nếu tình hình này kéo dài thêm vài tháng nữa thì mình phải chuyển cửa hàng qua địa điểm giá rẻ hơn hoặc làm nghề khác", My nói.

f5e249b63eceec90b5df.jpg

Các cửa hàng tại "thiên đường thời trang" trên đường Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM) đìu hiu khách, dù đã giảm giá toàn bộ các mặt hàng

TẤN ĐẠT

My còn kể: "Những mặt hàng mình đưa lên sàn thương mại điện tử vẫn bị "đứng im". Có những ngày, nhân viên quán livestream (bán hàng trực tuyến) liên tục nhiều giờ, nhưng chỉ lác đác vài người xem và không ai mua hàng".

Còn anh Trần Hoàng Ngọc Tuấn (33 tuổi), chủ một quán nước ép trái cây và giải khát các loại ở hẻm 473 Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM, cũng gặp tình trạng ế ẩm, dù đã giảm từ 5 – 10% trên các loại thức uống.

"Trước đây, mỗi ngày tôi nhập hàng chục kg trái cây tươi về bán, thu lời từ 300.000 – 400.000 đồng. Tuy nhiên, bắt đầu vào giữa tháng 6, lượng khách đến quán giảm dần, thậm chí chỉ có một vài người ghé mua, dẫn đến nguyên liệu bị hư rất nhiều, nhân viên phải vứt bỏ hết", anh Tuấn nói.

San sẻ mặt bằng

Hiện tại, mặt bằng kinh doanh của anh Tuấn rộng 50 m2, giá thuê 25 triệu đồng/tháng. "Do mình không cầm cự nổi, nên đã chia đôi diện tích để cho người khác kinh doanh quần áo. Nhờ đó, quán cũng có thêm khách từ những người đến mua quần áo", anh Tuấn chia sẻ.

Tương tự, để có tiền chi trả mặt bằng, anh Lê Hữu Nghĩa (34 tuổi), ngụ tại 49/52 Âu Cơ, P.14, Q.11, TP.HCM, phải chia quán cà phê của mình ra làm đôi để vừa cho thuê giữ xe vừa bán thức uống.

Anh Nghĩa cho hay 2 tháng qua anh không dám lên giá các thức uống, thậm chí là giảm từ 2.000 – 3.000 đồng ở một số loại nước giải khát, nhưng vẫn không có khách,

"Để có thêm tiền, mình tận dụng khoảng 30 m2 diện tích của quán để nhận giữ xe gắn máy. Dù không gian có phần chật chội nhưng đó là biện pháp cuối cùng để mình có kinh tế duy trì quán", anh Nghĩa nói.

210a4362611ab344ea0b.jpg

Tận dụng không gian của quán để nhận giữ thêm xe là cách mà anh Nghĩa xoay xở vượt qua thời gian khó khăn

TẤN ĐẠT

Trong khi đó, chị Lê Thị Ngọc Trâm (32 tuổi), chủ quán cơm tại hẻm 451 Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM, cho hay hơn 3 tháng nay số lượng gạo chị nấu mỗi ngày đã giảm hơn phân nửa so với trước đây, đồng nghĩa với việc quán đang ngày càng ế khách.

Chỉ tay về nhà máy sản xuất quần áo bên cạnh quán, chị Trâm nói: "Trước đây, quán cơm bán được là nhờ lực lượng công nhân, nhưng từ khi họ bị mất việc thì số lượng tiêu thụ giảm hơn một nửa".

4f127877130fc151981e.jpg

Các hàng quán không lên giá nhưng vẫn chịu cảnh ế khách

TẤN ĐẠT

Dù nguyên liệu có lên giá, nhưng trong suốt 2 năm qua chị Trâm vẫn giữ giá cơm dao động từ 22.000 – 25.000 đồng/phần. 

"Một số người khuyên nên lên giá cơm, nhưng mình thấy thời buổi này khó khăn, khách cân đo đong đếm từng đồng, nếu tăng tiền thì chắc họ bỏ quán không đến ăn nữa. Thôi thì trước đây mỗi ngày mình lời 300.000 đồng nay còn khoảng 100.000 đồng, như thế cũng tạm ổn rồi", chị Trâm tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.