Nhiều công trình giáo dục 'đắp chiếu'

15/03/2022 08:00 GMT+7

Đầu tư cho giáo dục thời gian qua được nhiều tỉnh, thành đặc biệt quan tâm, rõ nét nhất là việc xây dựng hàng loạt cơ sở đào tạo, chăm lo đời sống học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, nhiều công trình "đắp chiếu" không hiệu quả, lãng phí.

Xây trường để… bỏ hoang

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có rất nhiều cơ sở giáo dục đang trong tình trạng bỏ không. Ví dụ như Trường THPT Phan Chu Trinh phân hiệu 2 nằm ở xã Tâm Thắng và Trường THPT Đắk Wil ở xã Đắk Wil, H.Cư Jút. Cả 2 ngôi trường đều được xây dựng khang trang với vốn đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó lại bị bỏ hoang suốt nhiều năm. Tương tự, tại Khánh Hòa cũng có một công trình giáo dục, xây xong để cỏ mọc um tùm giữa lòng thành phố.

KTX sinh viên Trường cao đẳng Y tế Khánh Hòa hoành tráng nhưng đang xuống cấp mỗi ngày và đang “đói” sinh viên

HIỀN LƯƠNG

Trường THPT Phan Chu Trinh phân hiệu 2 được đưa vào hoạt động năm 2009, do Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư. Trường được đặt tại khu vực khá hẻo lánh, xung quanh là đồi núi, không có dân cư sinh sống, cách khu dân cư rất xa. Ngôi trường này được xây dựng rất khang trang, một dãy nhà chính 3 tầng và hàng chục phòng học, trang thiết bị đầy đủ. Tuy nhiên, trường này chỉ sử dụng được một thời gian rồi bỏ hoang từ năm 2019 đến nay.

Điều đáng nói, trước thời điểm chính thức bị bỏ hoang, ngôi trường này chỉ có đúng một lớp học, nhưng nhà trường vẫn phải phân công 31 cán bộ, giáo viên phụ trách. Chính vì bất cập này nên lãnh đạo Trường THPT Phan Chu Trinh đã xin chuyển toàn bộ học sinh, cán bộ, giáo viên về trụ sở chính.

Theo lãnh đạo UBND xã Tâm Thắng, trước đây Trường THPT Phan Chu Trinh phân hiệu 2 được xây dựng do địa bàn có quy hoạch khu dân cư vào sinh sống; hiện tại chủ trương này vẫn đang tiếp tục triển khai dự án. Việc xây dựng trường là chiến lược lâu dài của các lãnh đạo cấp trên.

Cũng ở H.Cư Jút, cùng số phận với Trường THPT Phan Chu Trinh phân hiệu 2 là Trường THPT Đắk Wil (Đắk Wil), được xây dựng vào năm 2017 với tổng số vốn hơn 11 tỉ đồng. Năm 2018 ngôi trường này được hoàn thành và đưa vào vận hành. Tuy nhiên, hiện nay ngôi trường này cũng đang bị bỏ hoang sau vài buổi học với rất ít học sinh.

Ký túc xá hoành tráng “đói” sinh viên

Hai ký túc xá (KTX) sinh viên là KTX Trường CĐ Y tế Khánh Hòa và KTX Trường ĐH Nha Trang tại Khánh Hòa có tổng mức đầu tư 142 tỉ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhưng “đói” sinh viên. Sau nhiều năm xây dựng, KTX này gần như bỏ hoang.

Từ tháng 12.2013, Trung tâm quản lý nhà và chung cư, thuộc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận và vận hành KTX sinh viên Nha Trang. KTX được xây tại P.Vĩnh Hải, phía bắc Nha Trang với 4 khối nhà 5 tầng trên diện tích hơn 11.000 m2, tổng mức đầu tư 65 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Mục đích dự án là đáp ứng nhu cầu nhà ở cho sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trong thành phố.

Thế nhưng, từ ngày đưa vào sử dụng đến nay, KTX quy mô 1.000 sinh viên này chỉ khai thác được khoảng 15% công suất. Tại KTX này, chúng tôi mỏi mắt tìm sinh viên ra vào; khuôn viên KTX thì cỏ mọc um tùm, rác thải ngổn ngang. Không chỉ thế, nền bê tông xung quanh KTX nhiều chỗ bong tróc, xuống cấp, các bảng hiệu chỉ dẫn ra - vào trường hầu như bị tháo dỡ. Một số người bán nước gần KTX này cho biết khi KTX đi vào hoạt động, có nhiều phụ huynh và sinh viên đến tìm hiểu chỗ ở, tuy nhiên có rất nhiều người ra về vì khu vực KTX này có ít dịch vụ đi kèm, quá xa trường học, dân cư thưa thớt, lo ngại về an ninh nên ít ai chọn ở.

Nằm cách KTX sinh viên Nha Trang khoảng 300 m là KTX Trường cao đẳng Y tế Khánh Hòa. KTX này có 4 khối nhà 5 tầng trên diện tích hơn 17.000 m2, quy mô 1.000 chỗ ở cho sinh viên, có tổng mức xây dựng 77 tỉ đồng, do Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Thế nhưng, KTX này cách trường học hiện nay là 7 km, lại xa dân cư, thiếu các dịch vụ hỗ trợ…

Theo tìm hiểu của phóng viên, do các trường từ chối tiếp nhận, cả 2 KTX nêu trên hiện được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Trung tâm quản lý nhà và chung cư (Sở Xây dựng quản lý).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.