Nhiều chủ đầu tư bị 'tuýt còi' do chiếm dụng phí bảo trì chung cư

Đình Sơn
Đình Sơn
24/03/2022 17:44 GMT+7

Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư, trong đó 12/18 chủ đầu tư bị buộc phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định, quyết toán tổng số kinh phí bảo trì gần 345 tỉ đồng. Đồng thời, Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính 8/18 chủ đầu tư, tổng số tiền là 1,03 tỉ đồng.

Kiến nghị xử lý hình sự

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư nêu trên đã tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hầu hết các hoạt động có liên quan đến quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư như: quy định về bàn giao hồ sơ nhà chung cư; tổ chức Hội nghị nhà chung cư; thành lập và công nhận Ban quản trị; giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư; chỗ để xe trong nhà chung cư, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư; trách nhiệm của chính quyền...

Trong năm 2022, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành kế hoạch thanh tra số 1258/QĐ-BXD, trong đó sẽ thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Long An. Bộ khẳng định khi phát hiện các chủ đầu tư chiếm dụng phí bảo trì chung cư sẽ xử lý nghiêm các sai phạm.

Ban quản trị cũ chung cư Phú Hoàng Anh bị tố chiếm dụng phí bảo trì chung cư này hàng chục tỉ đồng
ĐÌNH SƠN

Đáng lưu ý, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.

Thời gian tới, do bất cập về trình độ, năng lực của Ban quản trị tòa nhà chung cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất thêm 2 mô hình khác là chủ đầu tư thực hiện phần bảo trì, vận hành chung cư và mô hình đơn vị quản lý vận hành chung cư chuyên nghiệp. Như vậy, cư dân của chung cư có thể lựa chọn, hoặc bầu Ban quản trị, hoặc giao chủ đầu tư, hoặc thuê đơn vị chuyên nghiệp bảo trì, vận hành chung cư.

Chiếm dụng quỹ bảo trì

Thực tế cho thấy tại các chung cư các tranh chấp liên quan đến phí bảo trì chung cư ngày càng nở rộ. Điển hình là tại chung cư Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè, TP.HCM), chủ đầu tư là Công ty Phú Hoàng Anh đã nộp đơn tố giác Ban quản trị cũ chung cư lên Công an TP.HCM các hành vi có dấu hiệu tội phạm, bao gồm: Hành vi chiếm đoạt số tiền bảo trì 46 tỉ đồng, hành vi chiếm giữ trái phép số tiền khai thác tầng hầm của Công ty Phú Hoàng Anh, hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân.

Bà Kiều Thị Ngọc Hoa, phụ trách pháp lý Công ty Phú Hoàng Anh, cho biết Ban quản trị cũ của chung cư Phú Hoàng Anh bao gồm 11 thành viên, do ông Trần Hoàng Thái làm trưởng ban, được UBND huyện Nhà Bè công nhận bằng Quyết định số 273/QĐ-UBND ngày 6.2.2018 với nhiệm kỳ 5 năm. Sau khi đi vào hoạt động, Ban quản trị này đã mở tài khoản tại Ngân hàng SCB - chi nhánh Nam Sài Gòn. Đến ngày 4.4.2018, Ban quản trị này đã gửi thông báo đến chủ đầu tư, trong thông báo ghi rõ “Bằng công văn này, Ban quản trị xin cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý khi có bất cứ sự cố dù là trục trặc nhỏ hay thảm họa lớn nào xảy ra đối với cao ốc Phú Hoàng Anh” kèm theo đó là tên và số tài khoản ngân hàng để chủ đầu tư chuyển tiền hoàn trả phí bảo trì chung cư.

Đến nay, tài khoản này đã nhận phí bảo trì chung cư từ chủ đầu tư. Nhưng thay vì dùng số tiền đúng theo mục đích tu sửa, bảo trì chung cư, Ban quản trị này lại chuyển số tiền 46 tỉ đồng có trong tài khoản đến 5 tài khoản cá nhân do Trần Hoàng Thái là chủ tài khoản tại Ngân hàng SCB.

Bà Kiều Thị Ngọc Hoa cho rằng hành vi chiếm đoạt 46 tỉ đồng quỹ bảo trì chung cư Phú Hoàng Anh của Ban quản trị cũ do ông Trần Hoàng Thái là trưởng ban đã vi phạm điều 355 bộ luật Hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.

Cư dân chung cư Khang Gia Tân Hương bất lực trước việc chủ đầu tư chiếm dụng phí bảo trì chung cư
ĐÌNH SƠN

Hay như tại chung cư Khang Gia Tân Hương (Q.Tân Phú), Khang Gia Gò Vấp (Q.Gò Vấp) do Công ty Khang Gia làm chủ đầu tư liên tục bị cư dân tại đây “tố” chiếm dụng quỹ bảo trì với số tiền lớn. Trong đó chung cư Khang Gia Tân Hương có khoảng 338 căn hộ, với số tiền phí bảo trì 2%/m2, số tiền quỹ bảo trì chung cư mà công ty Khang Gia Tân Hương đang nắm giữ vô cùng lớn.

Hàng trăm cư dân tại chung cư Phú Thạnh (Q.Tân Phú) cũng đang tố chủ đầu tư là Công ty 585 chiếm dụng hàng chục tỉ đồng phí bảo trì chung cư. Anh Quốc, một cư dân tại đây cho biết, trong một công văn gửi UBND Q.Tân Phú, Công ty 585 thừa nhận số tiền này là 10,48 tỉ đồng. Số tiền này hiện không có trong tài khoản ngân hàng vì Công ty 585 nói tạm “mượn” đầu tư xây dựng hoàn thành dự án. Tuy nhiên theo tính toán của người dân, thực tế số tiền quỹ bảo trì chung cư Công ty 585 đang giữ của cư dân phải trên 23 tỉ đồng.

Luật sư Hoàng Thu, Giám đốc Công ty luật Hoàng Thu, cho rằng việc giữ tiền phí bảo trì chung cư là có dấu hiệu của hình sự. Nếu người dân đưa vấn đề ra phường, lên quận nhưng chưa đủ giải quyết thì cần tố cáo lên công an.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.