Nhiều bệnh nhân chữa khỏi ung thư máu nhờ ghép tế bào gốc

Vũ Thơ
Vũ Thơ
29/09/2021 10:40 GMT+7

Tại CLB Ghép tế bào gốc của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư có rất nhiều bệnh nhân chữa khỏi bệnh về máu nhờ ghép tế bào gốc , đặc biệt là bệnh ung thư máu. Họ đã chia sẻ kinh nghiệm để vượt qua căn bệnh này.

Vượt qua thử thách

Chị Hoàng Thùy Linh (35 tuổi, ở Quảng Bình), người ghép tế bào gốc (TBG) từ máu dây rốn cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam năm 2014, đã chia sẻ về những “thử thách” mà người thực hiện phương pháp này cần vượt qua.
Chị Linh cho biết mình phát hiện bệnh năm 28 tuổi, bị chẩn đoán mắc ung thư máu, bạch cầu cấp dòng tủy M5a. Lúc đầu chị bị sốt dài ngày không rõ nguyên nhân, nổi hạch ở gần mang tai. Khi nhập viện kiểm tra thì kết quả xét nghiệm máu có dấu hiệu bất thường. Chị được nhập viện cấp cứu ở Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư. Tại đây, chị được tư vấn ghép máu dây rốn, rồi bắt đầu những ngày điều trị.
“Tôi được vào phòng cách ly làm quen 2 ngày, trong thời gian này tôi được đặt buồng tiêm ở ngực và mọi thứ được truyền qua đó. Sau khi đặt buồng tiêm, tôi bắt đầu được truyền hóa chất diệt tủy. Sau 1 tuần truyền hóa chất, tôi được truyền tế bào gốc”, chị Linh chia sẻ.

Chị Linh đã trở lại cuộc sống bình thường

NVCC

Chị đã phải trải qua những khủng hoảng sau khi truyền TBG. Đó là sau 1 tuần, chỉ số máu của chị xuống thấp gần như bằng không. Chị bắt đầu có những triệu chứng như loét miệng, nổi mụn, ngứa, xuất huyết, đau bụng, không ăn được… Sau đó, chị được truyền tiêm kích chỉ số máu và 2 tháng sau khi truyền TBG, chỉ số máu của chị mới lên ổn định.  
“Gần 20 ngày sau, trong lúc truyền hồng cầu tôi cảm thấy rét lạnh từ trong xương tủy. Tôi nằm co quắp, răng va lập cập tầm 30 phút, sau đó lịm đi không biết gì nữa”. Nhưng rồi sau cảm giác kinh hoàng đó thì chị dần bình phục và sau 8 tháng kể từ khi truyền TBG, sức khỏe của chị hồi phục hoàn toàn và đi làm trở lại. Hiện tại, chị không phải dùng bất kỳ loại thuốc điều trị nào nữa.
Trải qua quá trình điều trị này, chị muốn chia sẻ với cộng đồng là cần tìm hiểu thông tin và bình thản vượt qua để được sinh ra lần thứ hai.

Để có "ngôi nhà chung" cho những người mắc bệnh về máu, CLB Ghép tế bào gốc đã được thành lập năm 2020

NVCC

Tin vào bản thân mình 

Chị Mai Ngọc Thủy Tiên (ở Bình Dương) được ghép TBG năm 2019 cũng chia sẻ về giai đoạn điều trị này. Chị cho biết khi bị xác định ung thư máu và phải ghép TBG chị không nghĩ việc ghép lại tương đối nhanh và đơn giản như truyền máu.
“Tôi được truyền 100 ml tế bào gốc lấy từ chị gái. Trong hơn 2 giờ tiến hành ghép, không có vấn đề gì bất thường xảy ra”, chị kể.
Chị Tiên cũng cho biết khi chưa biết việc ghép TBG, chị cứ nghĩ sẽ rất phức tạp, phải phẫu thuật này nọ và chắc hẳn nhiều người cũng nghĩ như chị. "Tuy nhiên, nếu ai chuẩn bị bước vào quá trình ghép hoặc có ý định ghép thì nên nghe tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa và hỏi thăm những người đã ghép rồi. Tôi đã từng chứng kiến một bệnh nhân bị người nhà từ chối cho TBG khi chưa được bác sĩ tư vấn, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của người cho. Vì vậy, đừng nghe thông tin “hành lang” rồi lo lắng vô ích”, chị chia sẻ.

Chị Mai Ngọc Thủy Tiên nói: "Chúng ta cứ tin tưởng vào bác sĩ và có niềm tin vào bản thân, chúng ta sẽ chiến thắng"

NVCC

Cũng như các bệnh nhân khác sau khi ghép, chị Tiên phải trải qua khoảng 25 ngày rất gian nan. “Đây là thời điểm thuốc bắt đầu tàn phá cơ thể tôi khủng khiếp, tôi bị loét từ trên miệng xuống đến hậu môn. Cái ống thông gắn từ mũi xuống đến dạ dày làm tôi khó chịu vô cùng, tôi không thể nằm xuống giường vì cái ống sẽ cấn vào cổ khiến tôi không thở được. Tôi hầu như không ngủ và chỉ có một tư thế là dựa lưng vào phía đầu giường dựng đứng.
Các vết loét khiến tôi đau nhức suốt đêm ngày, nước miếng cứ chảy thành dòng, máu và mủ đầy miệng. Có lúc tôi muốn tự tay rút ống ra vì cảm thấy hết chịu đựng được nữa, nhưng rồi tôi lại cố gắng tự nhủ sẽ qua nhanh thôi, cố gắng ngày mai sẽ được rút ống và cố gắng để sớm được về nhà”, chị nhớ lại.
Đặc biệt, sau 15 ngày, chị được rút ống thông dạ dày thì da bắt đầu đen sạm như bị cháy, mắt mờ hẳn đi, lòng bàn tay và bàn chân bong tróc, móng tay và móng chân long ra còn hai gót chân đau nhức đến mức không thể đi được, tóc thì rụng sạch sẽ. Rồi chị sốc phản vệ khi truyền tiểu cầu, những lần lên cơn sốt, tiêu chảy, nhiễm nấm…
"Nhưng cuối cùng bao khó khăn rồi cũng qua và tôi được xuất viện sau khi ghép 25 ngày. Tôi vẫn nhớ lời của cô điều dưỡng động viên tôi “em phải tự mình vượt qua những đau đớn, khó khăn này vì không ai có thể chịu thay em. Bác sĩ có thể cho em thuốc nhưng không thể cho em sự mạnh mẽ”, chị chia sẻ.
Nói về những động lực để chị vượt qua giai đoạn điều trị, chị Tiên cho hay: “Động lực để tôi mạnh mẽ chiến đấu với bệnh tật chính là gia đình tôi. Điều trị ung thư không chỉ là cuộc chiến về thể xác mà còn là cuộc chiến về tư tưởng cho cả người bệnh và gia đình. Tôi nghĩ rằng chúng ta cứ tin tưởng vào bác sĩ, có niềm tin vào chính bản thân mình thì chúng ta sẽ chiến thắng”.
Bác sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép TBG, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, chia sẻ với bệnh nhân mắc bệnh máu, chỉ định ghép TBG là một cơ hội để khỏi bệnh. CLB Ghép TBG được thành lập vào tháng 12.2020. Ngoài việc hình thành không gian hữu ích cho các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, động viên lẫn nhau, CLB cũng là nơi người bệnh và các bác sĩ có cơ hội giao lưu để thấu hiểu nhau hơn. Hiện tại CLB đã có gần 500 thành viên, gồm bệnh nhân đã ghép TBG và những bệnh nhân đang trong giai đoạn tìm kiếm thông tin để ghép.
Tháng 6.2021, CLB nhận được nguồn tài trợ từ chương trình Đồng hành gieo mầm phát triển (DiF) thông qua dự án “Phát triển cộng đồng bệnh nhân ghép TBG” do chị Hoàng Thị Diệu Thuần, một thành viên của CLB, đề xuất khi tham gia khóa học do DiF tổ chức.
Dự án đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: chia sẻ trải nghiệm nhỏ hàng tuần, talk cùng nhân vật hoặc tổng hợp các câu hỏi, thắc mắc của các thành viên gửi đến bác sĩ để được giải đáp…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.