Nhiệm kỳ không thể quên ở Việt Nam

29/07/2022 19:45 GMT+7

Đối với bà Marie C. Damour, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, nhiệm kỳ ở Việt Nam mang đến cho bà cơ hội làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, trong bối cảnh đầy thách thức tại khu vực và trên toàn cầu.

Bà Marie C. Damour

ngọc dương

Hôm 29.7, Tổng lãnh sự Damour đến chào từ biệt Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trước khi chấm dứt nhiệm kỳ và rời Việt Nam. Trao đổi với Thanh Niên, bà tổng lãnh sự cảm thấy rằng bản thân đã đạt được hầu hết các mục tiêu của mình trong nhiệm kỳ, theo đó trên hết là củng cố mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Cùng nhau vượt thách thức

“Mục tiêu chính của tôi luôn là giúp tăng cường mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam, và tôi thực sự cảm thấy rằng trong ba năm qua, chúng tôi đã hoàn thành điều đó, dù có thể không theo cách mà chúng tôi mong đợi. Tôi không nghĩ bất kỳ ai trong chúng ta đoán trước được việc chúng ta sẽ phải mất đến hai năm để lo lắng về một đại dịch toàn cầu, nhưng theo một cách nào đó thì đại dịch này thực sự đã giúp củng cố mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam”, bà cho biết.

Bà tổng lãnh sự Mỹ nhắc lại thời điểm đại dịch vừa bùng phát ở Mỹ, chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí là các cá nhân, đã trao tặng thiết bị bảo hộ cá nhân để cứu mạng người Mỹ. “Và chúng tôi không quên điều đó. Sau đó, khi chúng tôi đã có thể ổn định trở lại, các công ty dược phẩm của chúng tôi đã phát triển vắc xin một cách nhanh chóng và đó là một phần trong những gì chúng tôi đóng góp ngược lại cho Việt Nam”, theo bà.

Lễ bàn giao tủ lạnh âm sau cho Viện Pasteur TP.HCM hôm 4.3

Trung tâm Hoa Kỳ

Nếu nói mối quan hệ đối tác thực sự tốt là mối quan hệ mà cả hai bên đều có lợi, bà cho rằng đại dịch thực sự nhấn mạnh cách Việt Nam và Mỹ được hưởng lợi từ mối quan hệ đối tác này.

Trong thời gian bà Damour tại nhiệm ở TP.HCM, Mỹ đã có sự chuyển giao chính quyền từ Tổng thống Donald Trump sang Tổng thống Joe Biden. Về vấn đề Việt Nam được nhìn nhận như thế nào trong chiến lược khu vực của Washington qua hai đời chính phủ Mỹ, bà tổng lãnh sự khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam không hề thay đổi.

“Quốc hội Mỹ luôn duy trì sự đồng thuận lưỡng đảng về tầm quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, về tầm quan trọng của khu vực này đối với tương lai của Mỹ, và về vai trò quan trọng của Việt Nam tại khu vực”, bà cho biết.

“Chính quyền Washington hiện tại có thể chú trọng hơn một chút vào nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu và giúp Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch, nhưng tôi muốn nói rõ ràng rằng cả hai đảng ở Mỹ tuyệt đối ủng hộ mối quan hệ với Việt Nam”, bà tổng lãnh sự Mỹ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trên cương vị nhà ngoại giao, bà Damour đánh giá cao việc Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò lớn hơn trên thế giới, không dừng lại ở ASEAN, không chỉ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà còn tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. “Sứ mệnh gìn giữ hòa bình mà Việt Nam đang tham gia là điều tôi không nghĩ tới cách đây 20 năm khi tôi đến đây lần đầu tiên”, bà nhớ lại.

(Phải) Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng lãnh sự Mỹ Marie C. Damour trong một sự kiện đầu năm 2020

trung tâm hoa kỳ

Ba từ về nhiệm kỳ ở Việt Nam

Đó là “thách thức, mở mang và vui vẻ”. Theo bà Damour, trước tiên đây là một quãng thời gian đầy thách thức, nhưng theo nghĩa tích cực nếu bạn muốn phát triển bản thân với tư cách một nhà ngoại giao. Bên cạnh đó, một trong những điều tuyệt vời nhất về nghề ngoại giao là bạn luôn học được điều gì đó mới mỗi ngày. Và bà thực sự rất thích tìm hiểu thêm về Việt Nam, từ văn hóa, lịch sử đến ngôn ngữ và chính sách đối ngoại. Cuối cùng là "vui vẻ", vì “tôi rất có tình cảm với đất nước này”, bà chia sẻ. Lần đầu tiên đến Việt Nam năm 2002, bà chưa bao giờ cảm thấy hòa nhập nhanh đến vậy ở một đất nước mà bà gần như một chữ bẻ đôi không biết. “Việt Nam là đất nước vô cùng mến khách, và tất cả những người bạn của tôi, những người đã đến Việt Nam 20 năm trước, hoặc đến năm 2019, đều nói tương tự”, theo bà Damour.

Tổng lãnh sự Mỹ cho hay vì đại dịch, vẫn còn nhiều nơi tại Việt Nam bà vẫn chưa đến được, chẳng hạn như vùng miền núi phía bắc. “Thế nhưng điều tuyệt vời là Việt Nam luôn ở đó, và tôi chỉ cần quay lại vào lần tới”, bà cười hóm hỉnh.

Về cam kết của Việt Nam sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tổng lãnh sự Mỹ tin rằng đây là mục tiêu khả thi. “Việt Nam nắm trong tay cơ hội thực sự để chuyển sang những hình thức năng lượng bền vững hơn. Tất nhiên muốn làm được điều đó đòi hỏi vượt qua nhiều thách thức, chẳng hạn như nâng cấp lưới điện quốc gia để tiếp nhận nguồn điện đến từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Điều này có thể thực hiện, nhưng cần có thời gian, tiền bạc và nỗ lực”, bà cho biết.

Theo nhà ngoại giao Mỹ, điều tuyệt vời là xung quanh Việt Nam có nhiều người bạn sẵn sàng giúp đỡ. Bà kể về một họp tại Hà Nội, trong một căn phòng đầy người, với đại diện của nhiều nước đều có cùng một câu hỏi “làm thế nào chúng tôi có thể giúp được Việt Nam?”

“Tôi cho rằng tất cả các đối tác và bạn bè của Việt Nam đều sẵn sàng hợp tác để giúp quốc gia các bạn thực hiện được cam kết đó, vì chúng ta có cơ hội trong tầm tay để Việt Nam trở thành nhà lãnh đạo trong khu vực về lĩnh vực này. Và tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể chứng minh được rằng một quốc gia thu nhập trung bình vẫn làm được điều đó. Chúng ta đang cần người dẫn đầu, để những người khác noi theo”, bà cho biết.

Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, Marie C.Damour (đứng giữa) thăm người dân làm du lịch cộng động ở Cồn Sơn, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ vào tháng 4.2021

lê đình tuyển

Kỷ niệm không thể quên

Trong cuộc phỏng vấn, có thời khắc Tổng lãnh sự Damour vô cùng xúc động khi nhắc đến thời khắc khó quên trong nhiệm kỳ ở Việt Nam. Đó là thời điểm bà lần đầu tiên tham dự lễ hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ tại Đà Nẵng. Buổi lễ diễn ra tại nhà ga được xây trên mảnh đất được phía Mỹ xử lý chất độc dioxin. Đại diện Chính phủ Việt Nam bàn giao hai chiếc hộp nhỏ, bên trong chứa hài cốt của những người lính Mỹ mất tích trong chiến tranh. Sau đó, các quân nhân Mỹ tiếp nhận và đặt chúng vào hai cỗ quan tài bằng kim loại.

“Khi họ bắt đầu phủ quốc kỳ Mỹ lên quan tài, tôi đã xúc động đến nỗi rơi nước mắt. Bởi vì tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là đây có thể là cha tôi. Khi tôi mới lên hai, cha tôi được đưa đến Việt Nam và đóng quân không xa nơi đó (Huế). Nghĩ đến khả năng này, tôi thật sự xúc động, bởi vì nếu đó là cha thì tôi lúc này đã không có bất kỳ ký ức nào về ông. Và tôi bắt đầu nghĩ về những người ở Mỹ không biết gì về cha của họ, anh trai của họ hoặc chú bác của họ. Tôi nghĩ về vai trò của chúng tôi, những nhà ngoại giao, trong việc đảm bảo những chuyện đó không xảy ra với bất kỳ ai khác. Tôi nghĩ đến Việt Nam và người dân Việt Nam đã nhân hậu như thế nào khi vừa tôn trọng bi kịch chung mà chúng ta đã trải qua vừa tập trung vào tương lai. Vì vậy, đó là khoảnh khắc tôi sẽ không bao giờ quên”, bà kể lại.

Một kỷ niệm khác là trong chuyến đi đến Cần Thơ. Trên con thuyền đến chợ nổi vào sáng sớm, Tổng lãnh sự Mỹ trò chuyện với hai chuyên gia môi trường về tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của việc xây đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Giữa câu chuyện, một người phụ nữ chèo xuồng đến và phục vụ món ăn mà theo bà Damour có thể là “bát súp ngon nhất từng được ăn trong đời vào bữa sáng”.

“Ngay đúng khoảnh khắc đó, tôi bất chợt nhận ra: đây là Việt Nam, tại nơi đang đối mặt những thách thức trong tương lai, tại nơi luôn tuôn chảy truyền thống văn hóa và ẩm thực, tất cả đều được gói gọn trong một khung cảnh độc nhất vô nhị”, tổng lãnh sự Mỹ cảm thán. Theo bà, chẳng ai có thể không thể quên những khoảnh khắc như thế.

Những bức tranh Việt Nam

Đây là bức tranh yêu thích của Tổng lãnh sự Damour

ngọc dương

Tư gia của Tổng lãnh sự Mỹ Damour mang đầy dấu ấn Việt Nam, từ những vật lưu niệm, trưng bày và đặc biệt là nhiều tranh của các họa sĩ Việt. Bà chia sẻ đã mua tranh vào năm 2003, trong thời gian bà là trưởng phòng lãnh sự tại TP.HCM (2002 – 2004). Một trong những bức tranh được treo ở giữa phòng khách là bức “Nữ sinh với hoa sen” của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình. Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình là một trong vài họa sĩ Việt Nam hiếm hoi có tranh bán chạy nhất với hành trình 40 năm cầm cọ và trên 5.000 tác phẩm đã được bán. Bà Damour cười hóm hỉnh khi nói rằng “lúc đó may là tôi mua tranh của họa sĩ, nếu không hiện tại chắc không đủ tiền mua”. Những bức tranh này đã theo bà trong các nhiệm kỳ ngoại giao tại nhiều quốc gia kể từ năm 2004.

Sự kiện với sinh viên TP.Cần Thơ tháng 4.2021

trung tâm hoa kỳ

Những cầu nối nhân dân

Cuối cùng, bà tổng lãnh sự Mỹ nhắc đến tầm quan trọng của cộng đồng Mỹ gốc Việt và du học sinh Việt tại Mỹ trong nỗ lực làm sâu sắc hơn quan hệ song phương. Mỹ hiện có hơn 2 triệu người gốc Việt, bao gồm người di dân và người sinh ra trên đất Mỹ. Dù ở nơi nào, họ đều quan tâm đến quê hương. Đó là tiền đề không thể thay thế trong việc tạo ra mối quan hệ đối ngoại giữa nhân dân, theo tổng lãnh sự Mỹ.

Bên cạnh đó, bà gọi du học sinh Việt Nam tại Mỹ (khoảng 30.000 sinh viên) là “những đại sứ” của Việt Nam. Đây là lực lượng góp phần xây dựng cầu nối ngày càng vững mạnh hơn giữa nhân dân hai nước.

Nhiệm kỳ của bà Damour kết thúc vào cuối tháng 7. Hiện bà được Tổng thống Biden đề cử vào vị trí đại sứ Mỹ tại Fiji, kiêm nhiệm Kiribati, Nauru, Tonga và Tuvalu thuộc các đảo quốc Thái Bình Dương. Đây là khu vực đang diễn ra sự cạnh tranh giành ảnh hưởng của một bên là Trung Quốc, một bên là Mỹ và các đồng minh.

Người kế nhiệm bà Damour tại TP.HCM là bà Susan Parker-Burns, Giám đốc Đông Nam Á của Cục các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tổng lãnh sự Mỹ Marie C. Damour với bức thư pháp đến từ một ông đồ trẻ ở Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM cuối năm 2019

ngọc dương

Đại biện ở Hà Nội và tổng lãnh sự ở TP.HCM có gì khác?

Từ tháng 10.2021 đến tháng 1.2022, bà Damour đảm nhiệm vai trò Đại biện lâm thời của Mỹ tại Việt Nam vì trống ghế đại sứ. Bà cho biết: “Thời gian đó thật sự rất thú vị vì Hà Nội là một thành phố rất khác. Nếu so sánh, tôi thấy Hà Nội giống thủ đô Washington D.C còn TP.HCM giống New York hơn. Thành thật mà nói, việc dẫn dắt phái bộ Mỹ ở Hà Nội trong khoảng ba tháng rưỡi là một đặc ân đối với tôi. Tôi đã có cơ hội tham dự phiên khai mạc của kỳ họp Quốc hội, đó không phải là trải nghiệm mà bạn có thể có tại TP.HCM. Một niềm vui lớn lao khác là việc được thưởng thức nhiều món ăn khác nhau. Phở ở Hà Nội rất khác phở ở Sài Gòn, và tôi cuối cùng cũng đã được thử món cà phê trứng. Ẩm thực Việt Nam phải nói là rất tuyệt vời”.

Mỹ đã lên kế hoạch xây dựng khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, với tổng ngân sách 1,2 tỉ USD. Bà Damour khẳng định tòa đại sứ mới còn là sự thể hiện rõ ràng cho cam kết của Mỹ đối với mối quan hệ đối tác bền vững với Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.