Nhiễm Covid-19 có gây yếu sinh lý?

13/02/2022 06:58 GMT+7

Nhiều độc giả băn khoăn liệu nhiễm Covid-19 có làm giảm ham muốn hay gây yếu sinh lý ở nam giới không.

Chúng tôi đã gửi thắc mắc của bạn đọc đến Th.S-BS Nguyễn Hồ Vĩnh Phước, hiện công tác tại Khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM).

Trả lời câu hỏi bệnh Covid-19 có làm giảm ham muốn hay gây yếu sinh lý ở nam giới không, Th.S-BS Nguyễn Hồ Vĩnh Phước chia sẻ ngay cả khi không nhiễm bệnh, vấn đề sinh lý của nam và nữ trong đại dịch vừa qua cũng đều bị ảnh hưởng. Hoạt động tình dục gắn liền với sức khỏe tinh thần và tâm lý, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi ham muốn và tần suất tình dục đều giảm ở cả hai giới.

Thận trọng khi sử dụng thuốc kháng vi rút Molnupiravir cho F0 Covid-19 nhẹ tại nhà

Theo một nghiên cứu được công bố trên chuyên san Your Sexual Medicine Journal, trong thời kỳ đầu của đại dịch ở Trung Quốc, tần suất quan hệ tình dục đã giảm ở 37% số người được khảo sát và số bạn tình cũng giảm đến 44%.

ED có thể là một biến chứng ngắn hạn và cả dài hạn của Covid-19

shutterstock

Tác động nhiều mặt

Theo bác sĩ Phước, nhiễm Covid-19 được cho là có liên quan đến việc tăng khả năng bị rối loạn cương dương (Erectile Dysfunction - ED). Xem xét khả năng lây truyền cao của Covid-19, ED có thể là một rủi ro đáng lo ngại đối với một bộ phận lớn dân số. Đã có một số nghiên cứu điều tra mối liên quan giữa Covid-19 và rối loạn cương dương (ED). Nhiều chuyên gia nhận định tác động của Covid-19 lên hệ tim mạch (như tổn thương tim cấp tính, viêm cơ tim) và hệ thần kinh trung ương sẽ làm giảm cung cấp máu cho cơ quan sinh dục và có thể dẫn đến ED. Tính toàn vẹn của mạch máu cũng cần thiết cho chức năng cương dương. Vì vậy, vấn đề rối loạn chức năng nội mô liên quan đến Covid-19 có khả năng ảnh hưởng đến lớp mạch mỏng manh của dương vật, dẫn đến suy giảm chức năng cương dương. Ngoài ra, xơ phổi liên quan đến ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp) cũng gây ảnh hưởng đến các cơ chế sinh lý của phổi, làm giảm sự trao đổi khí ở phổi và giảm độ bão hòa ô xy. Từ đó tình trạng thiếu ô xy làm suy giảm chức năng cương dương vì ô xy là một trong những chất nền cần thiết.

"Của quý" ngắn lại sau khi nhiễm Covid-19?

Như vậy, dịch Covid-19 có tác động có hại đến sức khỏe sinh lý nam giới về cả cơ chế sinh học, sức khỏe tâm thần và ảnh hưởng đến các biện pháp chăm sóc. Bác sĩ Phước cho biết Covid-19 làm tăng gần 6 lần nguy cơ phát triển chứng rối loạn cương dương và ngược lại, các con số sơ bộ chỉ ra rằng mắc ED cũng làm tăng tính nhạy cảm của nam giới đối với nhiễm SARS-CoV-2. Cụ thể, nam giới bị ED có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn 5 lần. Những con số này vẫn được giữ nguyên ngay cả sau khi các yếu tố khác được xem xét. Nghiên cứu do Giáo sư Emmanuele A.Jannini, Đại học Rome Tor Vergata (Ý), đứng đầu, được công bố vào ngày 20.3.2021 trên chuyên san Andrology.

Tiêm vắc xin để phòng ngừa

ED có thể là một biến chứng ngắn hạn và cả dài hạn của Covid-19. Việc tiêm vắc xin Covid-19 và đeo khẩu trang khi ra ngoài không chỉ để bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh mà còn ngăn ngừa rối loạn chức năng tình dục. Tuổi càng cao, bệnh tiểu đường, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao và hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm Covid-19, cũng giống như các yếu tố nguy cơ của ED.

Tinh trùng 'yếu' đi sau khi nhiễm Covid-19

Bác sĩ Phước cũng cho biết đã có nhiều lo ngại trong đa số người dân về tác động của vắc xin đối với tinh trùng hoặc gây vô sinh. Tuy nhiên, những lo lắng này đều do thiếu kiến thức về vắc xin. Dựa trên tất cả các dữ liệu hiện có, vắc xin an toàn và không có bằng chứng cho thấy bất kỳ tác động tiêu cực nào đến khả năng sinh sản hoặc sức khỏe tình dục.

Những cách tốt nhất để giúp tinh trùng khỏe mạnh

Theo Trung tâm y khoa Mayo Clinic (Mỹ), sau đây là những điều bạn có thể làm để tăng cơ hội sản xuất tinh trùng khỏe mạnh:

Duy trì cân nặng hợp lý: Việc tăng chỉ số khối cơ thể (BMI) có liên quan đến việc giảm số lượng tinh trùng và sự di chuyển của tinh trùng.

Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều trái cây và rau quả giàu chất chống ô xy hóa giúp cải thiện sức khỏe tinh trùng.

Ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs): Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục có thể gây vô sinh ở nam giới. Nên giữ mối quan hệ một vợ một chồng, hoặc hạn chế thay đổi bạn tình để tránh nhiễm bệnh.

Quản lý căng thẳng: Căng thẳng có thể làm giảm chức năng tình dục và cản trở các hormone cần thiết để sản xuất tinh trùng.

Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất vừa phải có thể làm tăng mức độ của các enzym chống ô xy hóa mạnh giúp bảo vệ tinh trùng.

Đừng hút thuốc: Những người đàn ông hút thuốc lá có nhiều khả năng có số lượng tinh trùng thấp.

Hạn chế rượu bia: Uống nhiều rượu bia có thể dẫn đến giảm sản xuất testosterone, giảm sản xuất tinh trùng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.